Hội thánh Đức Chúa Trời được cấp phép ra sao?

Theo quy định hiện hành, chỉ cần nộp đơn, bản tôn chỉ, mục đích hoạt động của hội thánh… là được UBND xã, phường cấp phép hoạt động.

Ở TP.HCM có hơn 100 điểm sinh hoạt tôn giáo của đạo Tin Lành, trong đó có bảy nhóm đều mang tên Hội thánh Đức Chúa Trời và Hội thánh của Đức Chúa Trời. Vậy thủ tục đăng ký thành lập hội thánh này như thế nào, pháp luật quy định ra sao?

Chính quyền tạo điều kiện đăng ký rất dễ dàng

Ông Nguyễn Duy Thắng, mục sư của Hội thánh Đức Chúa Trời Bình Tân (trụ sở tại nhà riêng của ông ở đường số 4, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết ông làm công việc truyền giáo từ năm 1989, đã vài lần bị chính quyền mời làm việc vì hành vi “truyền đạo trái phép”. Ông nói: “Chúng tôi là những người đầu tiên sáng lập phong trào hội thánh tư gia tại Việt Nam. Phong trào này trên thế giới đã có cả trăm năm. Ban đầu chính quyền chưa hiểu rõ nên không dễ đăng ký xin phép hoạt động tại tư gia”.

Tuy nhiên, khi có Chỉ thị 01/2005/CT-TTg về một số công tác về đạo Tin Lành, TP.HCM đã xem xét, rà soát và hướng dẫn cho nhiều nhóm thực hiện việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo thuần túy tại xã, phường. Ông Thắng kể năm 2007 cán bộ UBND phường đến tận nhà hướng dẫn ông đăng ký. “Chưa đầy nửa tháng sau, hội thánh của tôi được cấp phép sinh hoạt” - ông nói.

Hội thánh Đức Chúa Trời được cấp phép ra sao? - 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng (đứng) đang thông tin về Hội thánh Đức Chúa Trời tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vào chiều tối 3-5. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC

Trước đó, thủ tục xin phép khá đơn giản, chỉ cần nộp đơn, giấy chủ quyền nhà, bản tôn chỉ, mục đích hoạt động của hội thánh. Ông nói: “Tôi đã trình bày tôn chỉ của chúng tôi là rao truyền tình yêu thương, tuân thủ pháp luật, đóng góp cho xã hội, sống tốt đạo đẹp đời”.

Sinh hoạt tôn giáo lành mạnh sẽ được cấp phép

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM, xác nhận trên địa bàn phường hiện có hai Hội thánh của Đức Chúa Trời (trùng tên gọi nhưng thuộc hai hệ phái khác nhau).

Về cấp phép thành lập điểm sinh hoạt tôn giáo, ông Nghĩa nói phường thực hiện theo Nghị định 92/2012 (hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 cùng Nghị định 162/2017 hướng dẫn thi hành luật này.

Theo Điều 5 Nghị định 92/2012 thì điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung hiện nay là: 1) Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo; 2) Nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; 3) Nội dung sinh hoạt không thuộc trường hợp gồm năm nhóm hành vi bị nghiêm cấm (xem thêm box).

Theo ông Nghĩa, các hội thánh được cấp phép trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa A đều hoạt động tôn giáo thuần túy, có nhiều đóng góp cho các hoạt động tại địa phương. “Hằng năm, người phụ trách các nhóm này phải gửi nội dung, chương trình sinh hoạt tôn giáo, danh sách tín đồ cho phường nắm. Các hoạt động không có trong đăng ký tín ngưỡng thì phải đăng ký bổ sung. Ngoài ra, hằng tuần khi tổ chức các hoạt động sinh hoạt tôn giáo có đông người hoặc các chương trình lớn trong năm thì phải báo cáo, cam kết đảm bảo an ninh trật tự” - ông Nghĩa thông tin.

Không cần siết các quy định về tôn giáo

Trong quá trình xây dựng pháp luật về tôn giáo, cho tới nay chúng ta đã có khung luật pháp đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chính đáng và phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đâu đó siết chặt hay buông lỏng quản lý chỉ là cá biệt, đây là vấn đề liên quan con người chứ không phải lỗi ở hệ thống pháp lý về tôn giáo. Theo tôi, hệ thống pháp luật đang ngày càng hoàn thiện; chúng ta tăng cường quản lý nhà nước mà không cần phải siết các quy định.

Ông NGUYỄN HOÀNG GIANG, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM

Các hành vi bị nghiêm cấm về tôn giáo

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

(Trích Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016)

Hội thánh Đức Chúa Trời hoạt động vi phạm pháp luật

Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội phản ánh nhiều về hoạt động của Hội thánh của Đức Chúa Trời (còn gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ). Các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến nhiều, đặc biệt là về phương thức truyền đạo và cách thức lôi kéo của người cầm đầu các nhóm.

Vừa rồi các địa phương, các cơ quan thẩm quyền đã vào cuộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, có bốn văn bản hướng dẫn về việc này.

Nói chung, về tín ngưỡng tôn giáo là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trung ương và địa phương. Thực chất trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có những quy định nghiêm cấm các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, ứng xử chưa đúng theo truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà của dân tộc Việt Nam. Những tổ chức hoạt động chưa đúng quy định của pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Bộ Công an đã chỉ đạo, công an các địa phương đã tiến hành, đặc biệt là tại Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Nguyên, kể cả Hà Nội. Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp tích cực với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ thực chất hoạt động này, tránh việc lôi kéo làm ảnh hưởng tới đời sống bình thường của người dân, thực chất là quay lưng lại đời sống, gia đình của những người theo đạo này.

Tinh thần chung là sẽ kiên quyết nhưng chúng ta phải bảo đảm tinh thần tôn trọng tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhân dân. Tuy nhiên, cũng phải chỉ rõ hành vi vi phạm, tuyên truyền để người dân hiểu rõ thực chất của các hoạt động này. Tinh thần chung là như vậy.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ NGUYỄN DUY THĂNG (trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ vào chiều tối 3-5) 

TRỌNG PHÚ

Đà Nẵng cảnh báo tính chất cực đoan của “Hội Thánh Đức Chúa Trời”

Ngày 3/5, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các quận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Lan- Hồng Minh (Pháp Luật TPHCM)
Hội thánh Đức Chúa Trời Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN