Hồi sinh sông Tô Lịch

Việc thí điểm xử lý sông Tô Lịch bằng công nghệ nano bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, song để hồi sinh dòng sông này cũng như những sông, hồ khác thì cần nhiều biện pháp căn cơ.

Việc thí điểm xử lý sông Tô Lịch bằng công nghệ nano bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, song để hồi sinh dòng sông này cũng như những sông, hồ khác thì cần nhiều biện pháp căn cơ

Sau 8 ngày bắt đầu thử nghiệm công nghệ nano bioreactor của Nhật Bản xử lý nước sông Tô Lịch, chiều 24-5, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã lấy mẫu nước để phân tích hiệu quả làm sạch của hệ thống này.

Giải pháp tạm thời

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết việc lấy mẫu lần đầu này của tổng cục là độc lập và đối chứng, còn việc lấy mẫu thường xuyên để kiểm tra là do UBND TP Hà Nội thực hiện. Càng nhiều đơn vị lấy mẫu kiểm tra thì càng có nhiều kết quả để làm cơ sở đánh giá tốt hơn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE), nói rằng việc xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch không chỉ dừng lại ở việc tách nước thải. Có 3 vấn đề lớn cần giải quyết, đó là mùi hôi thối bốc lên, lớp bùn tầng đáy vẫn cần nạo vét cơ học, đặc biệt là mức độ ô nhiễm chì rất nặng dẫn đến các sinh vật không thể tồn tại được. Với công nghệ mà phía Nhật Bản mang tới, mỗi máy bioreactor được coi là những nhà máy xử lý nước thải tí hon đặt ngay dưới lòng sông. Những thiết bị này được giới thiệu có khả năng xử lý nước "nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh", sẽ phân giải hoàn toàn lớp bùn tầng đáy, loại bỏ mùi hôi thối. "Đây được coi là "cuộc cách mạng" về xử lý nước ô nhiễm sông, hồ, giúp chúng ta thay đổi suy nghĩ, cách làm cũ để thực hiện theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay, vừa đơn giản, dễ áp dụng lại tiết kiệm được ngân sách nhà nước" - ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

Tuy nhiên, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT, lại cho rằng giải pháp xử lý nước sông Tô Lịch của Nhật Bản chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, vẫn cần phải có giải pháp căn cơ cho việc ô nhiễm ở con sông này, nhất là ô nhiễm từ nguồn nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp xuống sông.

Hồi sinh sông Tô Lịch - 1

Người dân thủ đô đang kỳ vọng vào những động thái hồi sinh dòng sông Tô Lịch và nhiều sông, hồ khác

Ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cũng cho rằng việc thí điểm xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ nano của Nhật Bản diễn ra trong vòng 2 tháng và đây chỉ là một trong nhiều giải pháp mà TP cho thử nghiệm, sau đó mới chọn ra giải pháp tối ưu. Công ty cũng đang trình UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.

Làm sống lại các sông, hồ ở Thủ đô

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) thuộc Hội Tưới tiêu Việt Nam (VNCID) - Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng sông Tô Lịch và nhiều con sông khác ở Hà Nội mỗi ngày phải hứng chịu hàng trăm ngàn mét khối nước thải và lượng nước thải này không giải thoát được.

"Đã gọi là sông thì phải có nguồn cấp nước, phải có dòng chảy nhưng do ảnh hưởng của quy hoạch đô thị, dòng chảy của sông, hồ ở Hà Nội đang bị "bí". Nhiều sông, hồ chỉ có nước thải và nước mưa đổ vào chứ không có nguồn khác. Ngay cả những con sông lớn như sông Nhuệ, sông Đáy cũng đang rất bí bách về dòng chảy, chủ yếu là nước thải và nước mưa. Khi có nguồn nước cấp sạch, giải quyết được dòng chảy thì sông, hồ sẽ sạch, còn chỉ nhận nguồn nước cấp bẩn thì chắc chắn sẽ vẫn bị ô nhiễm. Ở Hà Nội bây giờ hiếm có sông hay hồ nào được gọi là sạch" - ông Tứ chỉ rõ.

Theo PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, những giải pháp của Hà Nội thời gian qua chỉ là tạm thời và chỉ thêm tốn tiền mà thôi. "Giải pháp căn cơ nhất, đầu tiên là phải tách toàn bộ nguồn nước thải đang đổ vào sông Tô Lịch hằng ngày. Không làm việc này thì không thể có một biện pháp nào khác để làm sạch được" - ông Côn nói.

PGS-TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh từ rất lâu rồi rất nhiều người đã bàn về giải pháp để cứu sông Tô Lịch cũng như các con sông, hồ ở thủ đô bị ô nhiễm nặng, song các giải pháp chỉ là tình thế. Điều cơ bản nhất là những cái gì tự nhiên thì phải trả lại và để nó tuân theo tự nhiên chứ không được ép nó theo mình. Một con sông hay hồ không thể cứ quanh năm sục khí, như thế thì không khác nào biến nó thành "bể cá", trái với quy luật tự nhiên. 

Phải tách nguồn nước thải

Suốt nhiều năm qua, người dân sống dọc bờ sông Tô Lịch lúc nào cũng khốn khổ vì mùi hôi thối từ con sông này. Từ khi lắp đặt hệ thống xử lý bằng công nghệ nano, mùi hôi giảm hẳn, người dân rất phấn khởi. "TP nên nhân rộng dự án này dọc cả sông Tô Lịch và những sông, hồ khác để người dân được hưởng cuộc sống sạch sẽ, mát mẻ" - ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân địa phương, kiến nghị.

Dù vậy, theo phản ánh của nhiều người dân, mỗi ngày hàng chục ngàn hộ dân vẫn xả thải xuống dòng sông Tô Lịch vì không còn cách nào khác. Do đó, dù giảm mùi hôi nhưng nước vẫn còn màu đen kịt, váng vẫn còn rất nhiều. Theo họ, phải làm thế nào để tách nguồn nước thải này thì mới hy vọng hồi sinh sông Tô Lịch cũng như những sông, hồ khác.

Sự khác biệt của nước sông Tô Lịch sau 6 ngày đặt “bảo bối” Nhật Bản

Sau 6 ngày đặt những chiếc máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor của Nhật Bản, sông Tô Lịch đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Huy Thanh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN