Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Xác định điểm chung để đi xa hơn
Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (diễn ra ngày 27-28/2 tại Hà Nội) có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định điểm chung giữa hai nước để đi xa hơn hiện trạng.
GS. Carlyle Thayer
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất (diễn ra hồi tháng 6/2018 ở Singapore) đã dẫn tới việc giảm đáng kể tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên đã ngừng phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân. Triều Tiên cũng bắt đầu cho hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, chưa có tiến bộ rõ ràng về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Một số nhà quan sát còn cho rằng, Triều Tiên tiếp tục sản xuất các vật liệu dành cho đầu đạn hạt nhân.
Hội nghị thượng đỉnh lần hai (diễn ra ngày 27-28/2 tại Hà Nội) có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định điểm chung giữa Mỹ và Triều Tiên để đi xa hơn hiện trạng, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và đi những bước đi đầu tiên trong con đường dài dẫn tới phi hạt nhân hóa. Theo tôi, con đường duy nhất tiến về phía trước dành cho cả hai bên là nhất trí về một số hình thức thuộc dạng “có đi có lại cho toại lòng nhau”. Nếu không đạt được điểm chung, không có cảnh “ông đưa chân giò bà thò chai rượu” thì hai bên có nguy cơ căng thẳng trở lại, khôi phục chính sách “bên miệng hố chiến tranh”.
Các vấn đề liên quan phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đan móc vào nhau, rối như tơ vò. Theo tôi, có ba nhóm vấn đề nổi bật.
Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un phải nhất trí được về định nghĩa phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hoàn toàn tập trung vào việc loại bỏ tổ hợp vũ khí hạt nhân, vật liệu phân hạch và các bệ phóng của Triều Tiên. Triều Tiên có quan điểm rộng hơn về vấn đề này. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, “khi chúng tôi đề cập “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, nó có nghĩa là loại bỏ tất cả các nguồn nguy cơ hạt nhân, không chỉ từ Triều Tiên và Hàn Quốc mà còn từ tất cả các khu vực láng giềng nhằm vào bán đảo… Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên phải được định nghĩa là “hoàn toàn loại bỏ sự đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên trước khi nó có thể loại bỏ sự răn đe hạt nhân của chúng tôi”.
Nhóm vấn đề thứ hai liên quan tiến trình phi hạt nhân hóa. Điều này bao gồm ít nhất sự đình hoãn vô thời hạn đối với việc thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân; kiểm kê toàn bộ tổ hợp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên; loại bỏ các thanh nhiên liệu khỏi các lò phản ứng hạt nhân; dỡ bỏ tất cả các cơ sở liên quan sản xuất vũ khí hạt nhân cùng các phương tiện dùng để phóng chúng; phá hủy các tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân; loại bỏ các kho chứa vật liệu phân hạch. Những bước đi này cần được các thanh sát viên quốc tế giám sát.
Nhóm vấn đề thứ ba bao gồm chuỗi bước đi tương ứng, “có đi có lại” từ phía Mỹ. Chúng có thể bao gồm nhiều bước, ví dụ như dừng tất cả các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc; trao đổi các sĩ quan liên lạc; viện trợ nhân đạo; dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt của Mỹ và/hoặc của LHQ; Mỹ đảm bảo an ninh; ký hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên; bình thường hóa quan hệ ngoại giao và phát triển quan hệ kinh tế…
Nếu cuộc gặp thượng đỉnh lần hai dẫn tới những bước tiến tích cực thì kết quả tích cực nhất liên quan phi hạt nhân hóa sẽ là các nước liên quan thành công trong việc quản lý tiến trình này và duy trì hòa bình ở Đông Bắc Á.
GS. CARLYLE THAYER (ĐẠI HỌC NEW SOUTH WALES, ÚC)
Nhiều chuyên gia kỳ vọng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 sẽ đạt được thỏa thuận chung. Điều này...