Hội đồng thẩm định nhà nước kết luận gì về siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam đi qua 20 tỉnh/thành phố từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, là một trong những dự án rất quan trọng, mang tính chiến lược của đất nước. Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam kết hợp chở khách với chở hàng, tốc độ khai thác khoảng 200km/h, rút ngắn thời gian đầu tư dự án xuống 16 năm, nghiên cứu đầu tư theo PPP là những kết luận mới nhất của Hội đồng thẩm định nhà nước.
Còn 12 tỉnh chưa đồng thuận với phương án tuyến và vị trí nhà ga
Trong thông báo kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vừa gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Văn phòng Chính phủ, các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt chạy qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một loạt đánh giá, khuyến nghị đối với việc đầu tư siêu dự án nhiều tỉ USD này.
Cụ thể, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo đề xuất của Bộ GTVT có chiều dài 1.559km, điểm đầu là ga Ngọc Hồi (TP Hà Nội), điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Nhưng trong báo cáo thẩm định dự án, Hội đồng thẩm định nhà nước đã đề nghị giữ nguyên điểm đầu, điểm cuối tuyến nhưng rút ngắn chiều dài toàn tuyến xuống còn 1.508,6km.
Về phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT hoàn thiện phương án - kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200-250km/h, tốc độ khai thác khoảng 200km/h.
Về hướng tuyến, số lượng nhà ga và vị trí nhà ga, theo Hội đồng thẩm định, đây là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cũng như phát huy vai trò của dự án. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá của Tư vấn thẩm tra, cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước xin ý kiến của 20 tỉnh/thành phố về hướng tuyến, số lượng nhà ga và vị trí nhà ga theo đề xuất của Tư vấn thẩm tra, theo đó tất cả 20 tỉnh/thành phố đồng thuận với phương án số lượng nhà ga do Tư vấn thẩm tra đề xuất.
Tuy nhiên, chỉ có 8 tỉnh/thành phố đồng thuận với phương án hướng tuyến và vị trí nhà ga do Tư vấn thẩm tra đề xuất gồm Hà Nội, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh; còn 12 tỉnh chưa đồng thuận với phương án này gồm Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai.
Dựa trên kết quả này, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Tư vấn thẩm tra tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm việc cụ thể với 12 địa phương nêu trên để rà soát, nghiên cứu và thống nhất hướng tuyến, vị trí nhà ga đảm bảo phù hợp, khả thi, hiệu quả cũng như phát huy vai trò của dự án.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ là khâu đột phá, chiến lược cho thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Rút ngắn thời gian để kiểm soát rủi ro
Về tiến độ thực hiện dự án, kết quả phân tích độc lập của Tư vấn thẩm tra cho thấy, dự án phải thông toàn tuyến thì mới đạt hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian thực hiện dự án theo đề xuất tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đến năm 2050 mới đưa vào khai thác toàn tuyến) là quá dài, sẽ dẫn đến rủi ro về tăng tổng vốn đầu tư, bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế xã hội. Do đó, Hội đồng thẩm định nhà nước cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp thu kiến nghị của đơn vị tư vấn thẩm tra, đơn vị tư vấn thẩm định kiến nghị rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam xuống còn 16 năm, sẽ giúp kiểm soát được rủi ro tiềm ẩn tăng tổng vốn đầu tư dự án.
Ngoài ra, theo đề xuất của Bộ GTVT, nếu thực hiện đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam chuyên chở khách, với tốc độ thiết kế khoảng 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h thì tổng mức đầu tư dự án khoảng 58,7 tỉ USD. Nhưng kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước thì nếu đầu tư theo phương án này, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 64,6 tỉ USD, tăng khoảng 5,89 tỉ USD. Nếu đầu tư theo phương án đường sắt tốc độ cao, với vận tốc khai thác từ 160-225km/h, vốn đầu tư theo đề xuất của Bộ GTVT khoảng 76,39 tỉ USD, nhưng theo tính toán của Hội đồng thẩm định nhà nước là khoảng 61,02 tỉ USD, giảm 15,34 tỉ USD. Và theo đề xuất của cả Bộ GTVT và đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nếu đầu tư theo PPP, vốn nhà nước tham gia vào dự án chiếm khoảng 80%, và tư nhân sẽ góp khoảng 20% tổng vốn đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định nhà nước cũng cho rằng, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam sẽ là cơ hội và yếu tố quan trọng để phát triển ngành Đường sắt Việt Nam thành một trong những ngành kinh kế trọng điểm quốc gia. Do đó, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu các đề xuất của Tư vấn thẩm tra để hoàn thiện giải pháp xây dựng các chính sách phát triển nguồn nhân lực, sản xuất thiết bị, công nghiệp phụ trợ làm cơ sở xây dựng, phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Ngoài ra, để triển khai dự án cần phải có cơ chế đặc biệt, phải báo cáo Chính phủ để xem xét trình Quốc hội. Do đó, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu kết quả thẩm tra của tư vấn thẩm tra và xây dựng cơ chế đặc biệt của dự án.
Đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh;...
Nguồn: [Link nguồn]