Hội chẩn ghép phổi cho phi công của Vietnam Airlines nhiễm COVID-19
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), hôm nay (10/5), sẽ hội chẩn chuyên môn về vấn đề ghép phổi cho phi công của Vietnam Airlines.
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), hôm nay (10/5), sẽ hội chẩn chuyên môn về vấn đề ghép phổi cho bệnh nhân 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi).
Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất tại nước ta hiện nay.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đến sáng 10/5, nam phi công nằm yên với thuốc an thần, mạch và huyết áp ổn định, có dùng thuốc vận mạch. Ống dẫn lưu màng phổi cho dịch màu hồng nhạt khoảng 200 ml.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện.
Kết quả siêu âm tim cho thấy tim tăng động. Phổi phải không có hình ảnh tràn khí, xẹp thuỳ sau dưới, không dịch màng phổi. Phổi trái có nhiều B lines mặt trước, mặt bên hông, đông đặc thùy dưới, không dịch màng phổi.
Xét nghiệm PCR dịch mũi họng, dịch rửa phế quản và nước bọt của bệnh nhân ngày 9/5 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trước đó, bệnh nhân nhiều lần cho kết quả đan xen âm tính lẫn dương tính. Ngày 6/5, mẫu phết họng của bệnh nhân cho kết quả dương tính sau 5 lần liên tiếp âm tính.
Toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân 91 được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chi trả. Đến nay, chi phí đã hơn 4 tỷ đồng. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm và phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Tiên lượng còn rất nặng.
Ngày 8/5, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đề nghị Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế TP HCM và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chuẩn bị phương án ghép phổi cho bệnh nhân 91.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID -19 diễn biến nặng, nguy kịch cho biết, muốn ghép được phổi cho bệnh nhân 91 phải đợi tình trạng phổi của bệnh nhân không còn bị nhiễm trùng. Ngoài ra, còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố khác như nguồn cho phổi, độ tương thích của người cho phổi và người nhận phổi...
Tại Việt Nam đã có ba bệnh viện là Bệnh viện 103 ghép phổi từ người cho còn sống, Bệnh viện 108 và Bệnh viện Việt Đức ghép phổi từ người hiến đã chết não.
Trước đó, bệnh nhân đã có năm ngày có kết quả âm tính và ngày 7/5 lại có kết quả dương tính. Trong khoảng thời gian trước đó, bệnh nhân cũng có kết quả âm tính, sau đó dương tính trở lại.
Kể từ ngày nhập viện, bệnh nhân suy hô hấp tăng dần. Bác sĩ phải hỗ trợ từ biện pháp hô hấp bằng cách thở oxy qua mũi, sau đó chuyển sang thở oxy qua mặt nạ, thở máy xâm lấn và tới ngày 6/4 phải can thiệp ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) đến ngày thứ tư.
Hệ miễn dịch của bệnh nhân 91 đã phản ứng quá mức khi bị SARS-CoV-2 tấn công, khiến cơ thể tiết ra nhiều chất cytokine chống lại chính cơ thể, gây ảnh hưởng phủ tạng. Hiện tượng này y học gọi là Hội chứng giải phóng cytokine, hay cơn bão cytokine nhưng không thể lý giải được nguyên nhân.
Để điều trị, các bác sĩ chọn duy trì can thiệp ECMO để giúp hoạt động chức năng của phổi phải đã bị tổn thương, chờ phản ứng viêm qua đi.
Theo các chuyên gia y tế, nam phi công người Anh, 43 tuổi, cao 1,83m, nặng 100kg (chỉ số khối cơ thể là 30.1 - có yếu tố béo phì) được can thiệp ECMO từ hôm 6/4, đến nay đã 33 ngày, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 15.
Đây là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi) và không có bệnh nền.
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - phản ứng miễn dịch dữ dội - tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Do bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho bệnh nhân này.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Hơn 1.000 người đã phải xếp hàng và nhận những phần ăn miễn phí tại Geneva, thủ đô của Thụy Sĩ – một trong những...
Nguồn: [Link nguồn]