Học thuê, thi mướn: Sinh viên học để mua danh?

“Người học có cảm giác nhiều điều họ được học là rất vô bổ, không thực dụng trong cuộc sống. Trong khi xã hội lại quá chuộng bằng cấp, vì vậy nếu người ta thuê người khác đi học hộ thì cũng không có gì là lạ”.

Sau khi đăng tải loạt bài phóng sự điều tra về học thuê, thi mướn, rất nhiều nhà giáo dục đã lên án mạnh mẽ thực trạng này. GS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển có cuộc trò chuyện với PV về vấn đề này.

Thưa GS, chúng tôi vừa thực hiện loạt bài phóng sự điều tra nhập vai phản ánh thực trạng bát nháo trong giáo dục đại học. Trong đó, sinh viên không đi học mà bỏ 30 nghìn ra để thuê người học hộ và bỏ 400 nghìn ra để thuê người khác thi hộ mình. Nghĩa là, họ chỉ cần bỏ ra một đến 2 triệu là đã có một môn đạt điểm tốt? Thông tin này khiến ông suy nghĩ gì?

GS Đặng Cảnh Khanh: Ngày xưa Tuân Tử viết rằng: “Người xưa học là vì mình, người nay học là vì người”. Có nghĩa là người xưa học nhằm mục đích hoàn thiện bản thân mình, người đời nay học chỉ là để kiếm tiền người khác. Điểm xuất phát khác nhau nên người xưa học vì muốn theo gương thánh hiền, còn người nay không ít thành tiểu nhân.

Tôi cho rằng, chuyện này xuất phát từ việc xã hội chuộng hình thức nên con người cũng chạy theo hình thức. Ai cũng cần địa vị, danh tiếng để có điều kiện phát triển nhiều hơn. Có người tự rèn luyện, tìm ra và nâng cao thực lực của mình, nhưng cũng có người muốn phát triển nhanh nên cần phải có phương thức này, phương thức khác giống như quảng cáo vậy để tiến thân.

 Do vậy, người ta tìm mọi cách tự đẩy mình lên, mua danh vị, chức tước, kể cả làm những điều không đẹp để có danh tiếng, dù là danh tiếng xấu.Trong xã hội, người ta xét nhau nhiều khi chỉ ở vẻ bề ngoài nên cũng khiến nhiều người đã chạy tìm hư danh. Bằng cấp là một thứ để làm người ta oai hơn, danh tiếng hơn, dễ kiếm việc hơn là thực chất. Nếu xã hội còn xét con người theo hình thức mà không theo thực chất thì hiện tượng này sẽ tiếp tục tồn tại.

Học thuê, thi mướn: Sinh viên học để mua danh? - 1

GS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển.

Có nhiều bạn sinh viên bỏ tiền ra thuê người học hộ đơn giản vì “không thích”. Phải chăng bây giờ, nhiều sinh viên đang coi thường kiến thức, kỹ năng ở trường đại học?

GS Đặng Cảnh Khanh: Trong giáo dục của chúng ta có điểm khá “lạ” là, có nhiều ngành cần đến những kiến thức thực tiễn, thì chúng ta lại dạy quá nhiều lý thuyết. Để kiếm sống được thì phải làm “thợ rèn” nhưng trong trường học người ta lại dạy toàn những “nguyên lý tồn tại của kim loại”. Người học có cảm giác họ phải học nhiều điều xa vời, vô bổ, không thực dụng trong cuộc sống. Trong khi đó, chỉ cần cái bằng là được. Vì vậy người ta thuê người khác đi học hộ chứ không cần đến kiến thức phải học.

Trên thực tế, chưa hẳn người thuê người khác đi học đã là để họ đi chơi, có khi họ phải đi làm hoặc học những cái khác thiết thực hơn cho bản thân. Điều đó cho thấy, giáo dục của chúng ta không đi vào thực chất. Ngành giáo dục cần xem lại vấn đề này, làm sao để kiến thức chuyên môn gắn với thực tế, gắn với nhu cầu của xã hội và của chính người học.

Nhiều sinh viên cho rằng, không hẳn do không thích học, mà một phần do giảng viên dạy chán nên sinh viên không muốn đến lớp. Nhiều giảng viên là những người không có nghề mà chỉ có lý thuyết trong sách vở. Theo ông, làm sao để giải quyết vấn đề này?

GS Đặng Cảnh Khanh: Trong thời gian học đại học, chương trình đào tạo phải gắn với thực tiễn để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được công việc. Hiện nay, không phải là không có nhiều trường học, người đi dạy kiến thức chuyên môn còn yếu, không hiểu thực tiễn, không tham gia công việc thực tiễn, thậm chí không biết làm nghề, chỉ biết dạy sinh viên lý thuyết. Do vậy, cần có sự luân chuyển, cần tạo điều kiện cho các thầy cô hiểu và tham gia nghiên cứu thực tiễn.

Học thuê, thi mướn: Sinh viên học để mua danh? - 2

Lời rao của sinh viên có nhu cầu đi học thuê, thi thuê. Để đảm bảo mình học có uy tín, sinh viên thường gắn thêm nội dung mình xin hứa là đi học có trách nhiệm đi học và về đúng giờ, chép bài đấy đủ nếu có yêu cầu. 

Theo ông, sinh viên thuê người đi học hộ, thi hộ thay mình bắt nguồn từ nguyên nhân nào? Là ý thức sinh viên kém hay họ không thích học?

GS Đặng Cảnh Khanh: Cái sinh viên cần, trước hết là một tấm bằng đại học để sau này xin việc một cách dễ dàng. Nhưng như thế là chưa đủ. Bởi vậy, nếu kiến thức được học là bổ ích và thiết thực họ sẽ có hứng thú và say mê học tập. Nếu không thì ngược lại. Không phải không có hiện tượng sinh viên thuê  người đi học, còn mình lại cặm cụi học một nghề khác. Thanh niên bây giờ rất bận bịu với cuộc sống. Kinh tế thị trường đòi hỏi họ phải có những suy nghĩ thực tế, thậm chí là thực dụng. Về điều này, chúng ta không thể trách họ, mà nên trách những gì đã buộc họ phải làm như thế.

Những người thuê người khác học hộ thi hộ mình, sau này ra trường có tiền chạy chọt rồi làm ở cơ quan công quyền, nhà nước... sẽ gây hệ quả gì?

GS Đặng Cảnh Khanh: Những sinh viên không có thực chất này nếu được bổ nhiệm sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, “sai một li đi một dặm”, thậm chí một sai phạm không được xử lý đúng có thể còn gây đại họa. Điều tệ hại hơn nữa là những kẻ có bằng cấp giả lại đem “kiến thức” và “đạo đức” của mình đi dạy học, lại chuyển tiếp “tấm gương” xấu đó cho một thế hệ khác nữa thì xã hội sẽ thế nào đây.

Thưa GS, ông cũng từng là lãnh đạo cơ quan, ông cũng tuyển lao động, vậy ông có tin vào bằng cấp của họ không?ông có tin vào chất lượng, kỹ năng sinh viên học trong trường đại học không?

GS Đặng Cảnh Khanh: Tôi phải xem cả hai: năng lực và bằng cấp. Tôi không đặt niềm tin hoàn toàn bằng cấp. Bằng cấp chỉ là tấm vé để đi qua cửa. Quan trọng là quá trình làm việc có đáp ứng được công việc không.

Ông có ý kiến gì để loại bỏ việc học hộ, thi hộ trong sinh viên?

GS Đặng Cảnh Khanh: Chương trình đào tạo phải đi vào thực chất, phải gắn liền với thực tiễn, gắn với nhu cầu của xã hội và của chính người học để sinh viên ra trường có thể làm nghề được ngay. Phối hợp chặt chẽ giữa trường học với cơ quan sử dụng lao động. Phải xử lý ngay những người vi phạm học hộ, thi hộ. Cải tiến các phương thức tuyển dụng để chọn người lao động có thực chất, không chỉ dựa vào hư danh, bằng cấp đặc biệt không để tồn tại tham nhũng, tiêu cực trong tuyển dụng ở các cơ quan nhà nước, khiến người giả, bằng giả cũng vào lọt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng (thực hiện) ([Tên nguồn])
Bát nháo thị trường học thuê, thi mướn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN