Học thuê, thi hộ: ĐH Kinh tế QD rà soát lại SV
Đại diện trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Kinh tế Quốc dân đã lên tiếng sau thông tin sinh viên của các trường này bỏ tiền ra thuê người đi học thay, thi hộ.
Vừa qua, Khampha.vn thực hiện loạt bài phóng sự điều tra nhập vai phản án hiện trượng sinh viên bỏ tiền thuê người đi học, đi thi. Trong số đó có sinh viên của các trường đại học uy tín, tên tuổi như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Sư phạm Hà Nội... Ngoài ra, trên mạng xã hội còn xuất hiện nhiều diễn đàn học hộ, thi hộ với số thành viên tham gia lên tới hàng chục ngàn người. |
ĐH Bách khoa sẽ có hệ thống kiểm soát thẻ sinh viên
Như đã phản ánh, trong vai người thi thuê, chúng tôi liên lạc với sinh viên N.T.T với lời rao trên mạng: “Nhờ thi hộ môn Đồ họa kỹ thuật cơ bản ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội”. Sau gần chục cuộc điện thoại, T. mới chốt được địa điểm gặp gỡ ở căng tin trường này vào lúc 12h trưa 13/3. Theo thỏa thận, nếu đạt điểm B, tôi được trả 400.000 đồng. Làm tốt hơn, được thưởng thêm từ 50.000 đến 100.000 đồng...
Sinh viên N.T.T và bạn gái (bên trái) thuê người thi hộ môn Đồ họa kỹ thuật cơ bản (Ảnh chụp tại căng tin Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngày 13/3)
Trước thông tin trên, đại diện Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - TS. Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác chính trị và Công tác sinh viên cho biết, nhà trường hết sức lên án việc học hộ, thi hộ.
Ông Hải cho rằng, với truyền thống luôn được xã hội ghi nhận tốt về đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường, nếu có hiện tượng sinh viên bỏ tiền thuê người thi hộ thì đây là điều đáng tiếc. Hiện tượng này cần bị lên án vì đó là việc vi phạm nghiêm trọng quy chế đào tạo.
“Học hộ, thi hộ tạo nên các sản phẩm 'giả chất lượng' và phản ánh về việc xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức nói chung và ý thức học tập của sinh viên nói riêng. Do vậy, phải có biện pháp ngăn chặn để không xảy ra hiện tượng này”, ông Hải nhấn mạnh.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng học hộ, thi hộ, đại diện trường ĐH Bách khoa cho biết, tính tới thời điểm hiện nay, ĐH Bách Khoa Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào nên chưa thể đưa ra nguyên nhân cụ thể.
Tuy nhiên, ông Hải cũng khẳng định, qua thông tin phản ánh của báo chí, nhà trường sẽ rà soát lại các quy định, quy chế về đào tạo, thi, kiểm tra của nhà trường xem còn kẽ hở nào không. Bởi theo ông Hải, bấy lâu nay, ĐH Bách khoa vẫn được coi là trường có hệ thống quản lý, kiểm soát khá chặt chẽ.
Ông Hải nói thêm: “Chúng tôi sẽ có thông báo đến sinh viên và giảng viên để ý hơn đến chuyện học hộ, thi hộ. Nếu phát hiện sinh viên vi phạm sẽ xử lý nghiêm”.
Bình luận về hình thức đào tạo theo tín chỉ, ông Hải chỉ ra rằng, do sinh viên được tự do chọn lớp, nên kết cấu lớp học truyền thống bị phá vỡ, gây khó khăn trong quá trình triển khai và quản lý các hoạt động của sinh viên. Để khắc phục tình trạng này, ông cho rằng vai trò của "cố vấn học tập" cần được chú trọng hơn nữa.
"Cố vấn học tập" được ông Hải giải thích là những giảng viên có kinh nghiệm của nhà trường, sẽ định hướng cho sinh viên về học tập, hòa nhập xã hội nghề nghiệp… Cũng thông qua "cố vấn học tập", sinh viên được giải đáp mọi thắc mắc về chương trình đào tạo, quy chế, quy định của nhà trường. Từ đó có các biện pháp lên án và ngăn chặn hiện tượng học hộ, thii hộ trong sinh viên.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn việc làm giả thẻ sinh viên nhằm "qua mặt" các cán bộ coi thi, ông Hải cho biết, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang phát triển một hệ thống kiểm soát thẻ sinh viên. Hệ thống sẽ tích hợp việc điểm danh sinh viên, xác nhận sinh viên trong các kỳ thi, kiểm tra… qua một hệ thống quét thẻ.
Như vậy, người quản lý cụ thể chỉ cần biết mã số sinh viên là đã có đầy đủ những thông tin về sinh viên cần tìm. Khi sử dụng quét thẻ, người quản lý có thể đối chiếu thông tin của sinh viên, hạn chế hoàn toàn việc gian lận trong thi cử.
TS. Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác chính trị và Công tác sinh viên - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
ĐH Kinh tế Quốc dân: “Kiểm tra ngay”
Như đã phản ánh, ngày 7/3, PV nhập vai người đi học thuê môn Toán cao cấp của lớp Tài chính công, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Sĩ số lớp học khoảng 40 sinh viên, nhưng chỉ khoảng 20 sinh viên có mặt đầu giờ học. Bài giảng của thầy giáo luôn bị cắt ngang bởi các tốp đi học muộn và tiếng nói chuyện xì xào.
Lân la làm quen với sinh viên tên T., quê ở Thái Bình, PV được biết: Lớp học thường bắt đầu từ 13h đến 16h. Lớp vẫn có sinh viên lạ đến học thuê. Kết thúc “trót lọt” buổi học thuê, PV được sinh viên trả thù lao tương đương… một bát phở (30.000 đồng).
Trước thông tin này, đại diện trường ĐH Kinh tế Quốc dân - ThS. Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên bày tỏ: “Nhà trường cho rằng đây là một hành động trái với các văn bản quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của nhà trường”.
Ông cũng cho hay, sau khi biết thông tin trên, nhà trường ngay lập tức rà soát, kiểm tra sự việc. Nếu đúng là có chuyên sinh viên nhờ ngưới khác học hộ, nhà trường sẽ giao cho các đơn vị có liên quan để làm rõ vấn đề và xử lý theo quy định. Đồng thời, thông báo rộng rãi đến sinh viên toàn trường. Ông Hà cho hay, đây cũng là một biện pháp để ngăn chặn sinh viên học hộ.
Bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền, giáo dục phối hợp với tổ chức đoàn, hội sinh viên phát động phong trào sân chơi lành mạnh giúp sinh viên có động lực vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống và rèn luyện.
Clip PV đi học thuê: