Học sinh lớp 8 chế tạo máy cấy lúa điều khiển bằng smartphone khiến nhiều người kinh ngạc

Sự kiện: Thời sự Bắc Giang

Trong một lần theo người thân ra đồng, cậu học trò lớp 8 đã nảy ra ý tưởng chế tạo máy cấy lúa nhằm giảm sức lao động cho người nông dân.

Đó chính là ý tưởng của Nguyễn Đức Dương, lớp 8A, Trường THCS thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Dương cũng là gương mặt gây ấn tượng khi đạt giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2019.

Nguyễn Đức Dương, học sinh lớp 8A, Trường THCS thị trấn Tân Dân

Nguyễn Đức Dương, học sinh lớp 8A, Trường THCS thị trấn Tân Dân

Học sinh trường làng chế tạo máy cấy lúa

Chúng tôi gặp Dương vào cuối tháng 10/2019, sau giờ tan học tại trường THCS Tân Dân. Khuôn mặt sáng, Dương nở một nụ cười tươi khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về chiếc máy cấy lúa em mới chế tạo. Dương kể, khoảng 2/2018, trong một lần theo người thân ra đồng, em đã nảy ra ý tưởng chế tạo máy cấy lúa nhằm giảm sức lao động cho người nông dân.

Ngay sau đó, Dương chia sẻ với ý tưởng này với gia đình và thầy Nguyễn Đức Quỳnh (SN 1980, giáo viên Vật lý trường THCS thị trấn Tân Dân). Nghe xong, mọi người đều khen ý tưởng hay và khuyến khích em bắt tay vào thực hiện luôn.

Cậu học trò lớp 8 khởi động ý tưởng của mình bằng việc đặt mua linh kiện trên mạng và bố mẹ cậu là người trả tiền mua linh kiện. Sau những giờ học trên lớp và vào dịp cuối tuần, Dương bắt tay vào chế tạo máy cấy với sự trợ giúp của thầy Quỳnh. Từ lúc có bản vẽ đến lúc hoàn thành chiếc máy cấy lúa, hai thầy trò mất khoảng 6 tháng với khá nhiều chi tiết phải chỉnh sửa nhiều lần.

Đến tháng 8/2018, chiếc máy cấy của Dương hoàn thiện và được đưa ra cánh đồng để thử nghiệm. “Lần đầu tiên thử nghiệm trên cánh đồng gần nhà, chiếc máy cấy không đem lại hiệu quả như em mong đợi, mạ không đều và nhiều cây lúa bị nổi lên mặt ruộng. Sau đó, hai thầy trò phải tiếp tục ghép thêm 2 thanh ép nhằm đẩy đất 2 bên vào, giữ chắc mạ đứng yên dưới bùn, tránh việc mạ bị nổi lên. Chỉnh sửa thêm một số chi tiết khác khoảng 2 lần nữa thì chiếc máy cấy được hoàn thiện, thành công”, Dương kể.

Chiếc máy cấy lúa của học sinh lớp 8 ở Bắc Giang

Chiếc máy cấy lúa của học sinh lớp 8 ở Bắc Giang

Chiếc máy cấy của cậu học trò lớp 8 được làm bằng sắt gồm một số bộ phận chính như: khung máy, bàn trượt, giàn đựng mạ, hệ thống truyền động, tay cấy… Trọng lượng của máy là 23 kg, dễ di chuyển ở mọi địa hình.

Theo Dương, kết quả sau những buổi thử nghiệm máy cấy khiến nhiều người kinh ngạc. 1 phút máy cấy được 120 khóm, 1 giờ cấy được 180 m2 (tức 0,5 sào Bắc bộ), công suất này bằng 6 người cấy thủ công. Máy cấy cùng lúc 2 hàng lúa, mật độ hàng cách hàng 200 mm - 230 mm. Máy để được 2 khay mạ, mỗi khi hết mạ, người nông dân có thể tiếp mạ một cách dễ dàng.

“Điều đặc biệt, chiếc máy cấy lúa này không sử dụng động cơ chạy bằng xăng, dầu mà là sử dụng bằng động cơ bằng điện ắc quy, thân thiện với môi trường”, Dương nói.

Cậu học trò lớp 8 kể thêm rằng, chi phí sản xuất máy khoảng 10 triệu đồng. Hiện chiếc máy cấy của em được điều khiển qua phần mềm trên điện thoại thông minh (smartphone). Người điều khiển máy cấy chỉ cần đứng trên bờ và điểu khiển máy thông qua phần mềm, không phải lội xuống ruộng hay ngồi trên máy cấy.

Sẽ cải tiến, sản xuất hàng loạt máy cấy với giá thành rẻ

Cậu học trò lớp 8 có sở thích đọc sách Nguyễn Đức Dương cho hay, trong quá trình chế tạo, em đã gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn nhất là việc thiết kế bộ điều khiển từ xa. Ban đầu em định gắn động cơ vào máy, sau đó điều khiển bằng tay. Tuy nhiên, sau đó các thầy cô gợi ý em nên làm điều khiển tự động để người dân không phải lội xuống ruộng điều khiển máy, tránh được cái rét vào mùa đông. Tiếp đó là đến bộ phận khung máy, thầy giáo Quỳnh là người giúp đỡ em hàn, cắt sắt để ra được chiếc máy cấy đúng như thiết kế.

“Thời gian tới em cùng thầy Quỳnh có ý định cải tiến thêm tính năng quay đầu của máy cấy để việc cấy lúa được đều hơn. Thêm nữa, em cũng sẽ lắp đặt thêm các bóng đèn Led để máy có thể hoạt động được cả vào ban đêm. Còn xa hơn, em mong muốn đưa chiếc máy này vào sản xuất hàng loạt, với giá thành rẻ để phục vụ nhu cầu của người dân”, Dương chia sẻ.

Nhiều năm liền, Dương đều là học sinh xuất sắc của trường

Nhiều năm liền, Dương đều là học sinh xuất sắc của trường

Bà Nguyễn Thị Kim (Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Dân) cho hay, Dương sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, bố mẹ đều là giáo viên, chính vì vậy, em được bố mẹ ủng hộ và hỗ trợ rất lớn với những ý tưởng, sáng tạo của mình.

“Ngoài ra, phía nhà trường cũng tạo điều kiện hết sức để Dương có thể sáng tạo, chế tạo ra các sản phẩm mới giúp ích cho người dân. Về thành tích học tập của Dương, trong nhiều năm liền đều là học sinh xuất sắc của trường. Năm vừa rồi em đạt giải Nhì và Ba cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện môn Tiếng Anh và Toán. Em cũng từng đạt giải Nhì quốc gia môn Tiếng Anh qua mạng Internet”, bà Kim chia sẻ.

___________________

Đón đọc kỳ tiếp theo: Clip: Máy cấy điều khiển bằng smartphone của học sinh lớp 8 chạy dưới ruộng, năng suất bằng 6 người cấy tay vào 10h ngày 30/1/2020 trên mục Tin tức trong ngày.

Cận cảnh “siêu xe F1” do người Việt Nam chế tạo

Đại diện nhóm chế tạo cho biết “siêu xe F1” có thể đạt tốc độ 120km/h.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN