Học sinh bị cây phượng bật gốc đè tử vong ở sân trường, ai sẽ bồi thường?
Luật sư Trương Văn Tuấn cho biết, học sinh bị cây phượng bật gốc đè tử vong, chủ sở hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại.
Luật sư Trương Văn Tuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, học sinh bị cây phượng bật gốc đè tử vong, chủ sở hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại.
Ngày 26/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Trương Văn Tuấn – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, vụ học sinh bị cây phượng bật gốc đè tử vong trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng, quận 3, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Luật sư Tuấn phân tích, căn cứ qui định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.
Do đó, trường hợp cá nhân, tổ chức bị cây xanh gãy đổ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe và tài sản thì cá nhân, tổ chức bị thiệt hại đó có quyền khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại. Người bị kiện là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh đó phải bồi thường thiệt hại căn cứ vào yếu tố lỗi và mức độ thiệt hại...
Hiện trường vụ cây ngã đè 1 học sinh tử vong trong sân trường.
Đây là trường hợp khởi kiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Chương XX của Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, đối với trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Khoản 2, Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Đối với việc quản lý cây xanh trong khuôn viên trường học thì pháp luật đã qui định tại Khoản 4 Điều 2 của Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị, cụ thể: “Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng”.
Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 64 qui định: “Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây”.
Đối với cây xanh trồng trong khuôn viên nhà trường là cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị cũng được quy định rõ tại Điều 16 của Nghị định này: “Các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý”.
Bệnh viện Nhi đồng II đang điều trị tích cực cho 8 học sinh bị tai nạn - Ảnh: Thanh Hà
Luật sư Tuấn cho rằng, đối với vụ việc em học sinh của Trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TP.HCM bị cây phượng đổ đè dẫn đến tử vong vào sáng 26/5 có một phần lỗi của nhà trường. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật, nhà trường phải có trách nhiệm chăm sóc định kỳ, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển thường xuyên của cây xanh trong trường để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh những sự cố đáng tiếc. Do đó, nhà trường mà cụ thể là Ban giám hiệu phải chịu một phần trách nhiệm...
Để hạn chế những vụ việc thương tâm xảy ra đối với các em học sinh khi đến trường, thiết nghĩ các trường nên định kỳ, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển thường xuyên của cây xanh trong trường để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là trong thời điểm TP.HCM đang vào mùa mưa.
Như Báo Giao thông đưa tin, khoảng 6h sáng 26/5, nhiều học sinh đang trong khuôn viên trường THCS Bạch Đằng, quận 3 bị 1 cây phượng bật gốc, đè trúng khiến 1 học sinh tử vong, 12 em khác bị thương.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã đến bệnh viện thăm hỏi các em học sinh gặp nạn. Đồng thời, Công an TP.HCM cũng chỉ đạo Công an quận 3 vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Nguồn: [Link nguồn]
Lãnh đạo công ty cây xanh cho biết, cây phượng bị bật gốc khiến nhiều em học sinh thương vong không do đơn vị quản lý.