Hoàng Sa mãi là một phần lãnh thổ của Việt Nam
Chính phủ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Cách đây 48 năm, ngày 19-1-1974, Trung Quốc đã xua quân tấn công lực lượng đồn trú của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trên quần đảo Hoàng Sa. Đến ngày hôm sau thì toàn bộ quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc...
Chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam
Hoàng Sa là sự kiện khởi đầu cho một chuỗi những hành động quân sự thể hiện tham vọng của Trung Quốc đối với các đảo, đá ngoài khơi trên vùng biển Đông. Tiếp sau sự kiện Hoàng Sa năm 1974, đó là sự kiện Trường Sa năm 1988, sự kiện bãi Vành Khăn năm 1995.
Bản vẽ Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mạng thể hiện rõ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh: tư liệu
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô nhỏ và rất nhỏ ở giữa biển Đông. Hai quần đảo này đang là tâm điểm tranh chấp giữa một số nước ven biển Đông.
Đối với việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, pháp luật quốc tế, cho tới nay đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền, đó là chiếm hữu thông qua sự thực hiện các hoạt động của Nhà nước một cách thật sự, liên tục và với biện pháp hòa bình. Nguyên tắc này đã được các quốc gia và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới, mà điển hình như vụ đảo Palmas, đảo Pedra Branca…
Chính phủ Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ thứ 17.
Nhà nước Việt Nam là quốc gia đầu tiên, với tư cách Nhà nước, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo một cách hòa bình, thực sự và liên tục qua tất cả các thời kỳ kể từ khi hai quần đảo này chưa thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.
Đại Nam thực lục - bộ biên niên sử thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
Các nguồn tư liệu lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hết sức phong phú, đa dạng. Trong đó, quan trọng nhất là các tài liệu chính sử của các nhà nước quân chủ Việt Nam lúc bấy giờ. Đại Nam thực lục là bộ sử lớn nhất của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép nhiều tư liệu nhất về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các hoạt động của Triều Nguyễn trong việc quản lý, khẳng định, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.
Thêm nữa, các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được phản ánh đậm nét và cụ thể trong các Châu bản triều Nguyễn. Đây là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn, có châu phê của Hoàng đế và ấn tín các cơ quan nhà nước, là những văn bản mang tính pháp lý cao nhất của một quốc gia theo chế độ quân chủ tập quyền. Do đó, nó có giá trị lịch sử và giá trị pháp lý mạnh, sức thuyết phục cao về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các văn bản này cho thấy nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, hàng năm cử các đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải ra cắm mốc, đo đạc vẽ bản đồ, dựng bia, lập miếu, khai thác các tài nguyên sản vật trên biển, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè Việt Nam cũng như tàu thuyền nước ngoài gặp nạn trên vùng biển Việt Nam, ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được triều đình cử đi thực thi công vụ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lễ rước bằng Di tích lịch sử quốc gia Đình làng An Vĩnh và bằng Di sản văn hóa phi vật thể Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: TỬ TRỰC
Ngoài ra, nhiều bản đồ của phương Tây từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 đều thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng ghi chú vị trí của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở trong vùng biển Việt Nam, ghi nhận hai quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam.
Ví dụ, trên bản đồ An Nam đại quốc họa đồ (do giám mục người Pháp Jean Louis Taberd vẽ và xuất bản, đính kèm trong cuốn từ điển Latin An Nam năm 1838) có ghi dòng chữ Latin: Paracel seu Cát Vàng, nghĩa là "Paracel hoặc là Cát Vàng". Trong các bản đồ và các Atlas liên quan chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt quan trọng là bộ Atlas Universel de gesographie physique, politique, statistque et mineralogique (Atlas địa lý tự nhiên, chính trị, thống kê và khoáng sản thế giới, gọi tắt là Atlas Thế giới hay Atlas Toàn cầu) do Philippe Vandermaelen (1795 - 1869) - nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ - biên soạn, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827. Trong đó, tờ bản đồ Partie de la Cochinchine ở tập 2 khẳng định Paracels (quần đảo Hoàng Sa) thuộc Việt Nam.
Sau khi người Pháp đặt ách cai trị thuộc địa tại Đông Dương vào thế kỷ 19, người Pháp đã đại diện cho chính quyền triều Nguyễn tiếp tục quản lý hai quần đảo.
Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực như thế nào?
Tháng 1-1947, Trung Quốc (lúc đó là quân của Tưởng Giới Thạch) đổ bộ lên đảo Phú Lâm (Woody) của quần đảo Hoàng Sa. Pháp lập tức phản đối việc chiếm hữu trái phép này của Trung Quốc và cử một phân đội ra quần đảo Hoàng Sa, lập đồn binh và xây trạm khí tượng. Năm 1947, Pháp đề nghị đưa vấn đề tranh chấp ra Trọng tài quốc tế nhưng Trung Hoa từ chối. Năm 1950, sau khi chính phủ phải chạy ra đảo Đài Loan, quân của Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm (quần đảo Trường Sa).
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: CSIS/AMTI
Tháng 10-1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Tháng 5-1950, quân đội Quốc dân Đảng phải rời khỏi các đảo Phú Lâm và Ba Bình (quần đảo Trường Sa).
Lúc này, các trại đồn trú của Pháp vẫn được tiếp tục duy trì ở Hoàng Sa. Đến ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý quần đảo này. Thủ hiến Trung phần Việt Nam lúc bấy giờ là Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành quản lý quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1954, 2 quần đảo này được đặt dưới sự quản lý của chính quyền VNCH
Tháng 4-1956, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, đội tuần tra của Pháp trên đảo Hoàng Sa được thay thế bởi đội tuần tra của chính phủ VNCH. Nhưng khi đó, chính quyền Trung Quốc đại lục đã bí mật cho quân đổ bộ chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (cụm An Vĩnh). Trong khi phía Tây, nhóm Lưỡi Liềm, còn gọi là Nguyệt Thiềm vẫn do quân đội Việt Nam đóng trên đảo Hoàng Sa nắm giữ.
Ngày 1-6-1956, ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫu xác nhận lại chủ quyền của Việt Nam trên cả hai quần đảo. Ngày 22-8-1956, một đơn vị hải quân của VNCH đã cắm cờ trên quần đảo Trường Sa và dựng bia đá.
Năm 1956 Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng.
Từ những năm 50 của thế kỷ 20, tình hình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở nên phức tạp hơn. Lợi dụng tình hình rối ren khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Genève năm 1954, Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Chính quyền VNCH đã kịch liệt phản đối.
Ngày 20-1-1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm các đảo do quân đội VNCH đóng, 64 sĩ quan và binh sĩ Sài Gòn hy sinh, Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Bị thế giới lên án, không chấp nhận
Mặc dù hiện nay, Trung Quốc đang kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, theo luật quốc tế, từ đầu thế kỷ XX, việc dùng vũ lực để chinh phục một lãnh thổ đã bị lên án và không được chấp nhận.
Cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Quang Liêm
Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24-10-1970 ghi rõ: "Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lưc. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp".
Do đó, các hành động dùng vũ lực trái ngược với luật quốc tế của Trung Quốc không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với quần đảo Hoàng Sa.
Cho đến nay, Trung Quốc đã bồi lấp và quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa cùng với bảy cấu trúc địa lý mà họ cũng chiếm giữ bằng vũ lực tại Trường Sa. Họ muốn sử dụng các cấu trúc này thành căn cứ để có thể phục vụ cho mưu đồ độc chiếm được biển Đông.
Tuy nhiên, các hành động đi ngược với luật pháp quốc tế như vậy sẽ không thể thành công. Hoàng Sa vẫn mãi là một phần lãnh thổ của Việt Nam.
Các tư liệu chính sử thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cùng với Đại Nam thực lục - bộ sử lớn nhất của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép nhiều tư liệu nhất, về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, còn có nhiều tư liệu chính sử thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bao gồm: Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 10, tờ 24) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đời Minh Mạng (1820 - 1841) chép về hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải thời chúa Nguyễn; Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ, quyển 22, tờ 2) chép việc vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa, tiếp tục các hoạt động khai thác và thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1803; Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ, quyển 50, tờ 6) chép việc vua Gia Long sai người ra khảo sát và đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa vào năm 1815; Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhất kỷ, quyển 52, tờ 15) chép việc vua Gia Long tiếp tục sai người đi khảo sát Hoàng Sa vào năm 1816; Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 154, tờ 4) chép việc vua Minh Mạng sai người chở vật liệu ra lập miếu thờ thần Hoàng Sa và dựng bia ở Hoàng Sa vào năm 1835; Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 165, tờ 24-25) chép việc vua Minh Mạng sai Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi khảo sát và cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa vào năm 1836; Đại Nam thực lục chính biên (đệ tam kỷ, quyển 49, tờ 5) chép việc phạt tội lưu đày một viên quan của triều đình đã có những hành động càn quấy ở Quảng Ngãi trong thời gian được phái công vụ ở Hoàng Sa vào năm 1845. Sách Đại Nam nhất thống chí có hai tư liệu, trong đó một tư liệu miêu tả về hình thế quần đảo Hoàng Sa, một tư liệu viết về đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Sách Quốc triều chính biên toát yếu có 03 tư liệu, trong đó có một tư liệu chép việc vua Minh Mạng cho lập miếu và dựng bia trên đảo Hoàng Sa vào năm 1835; một tư liệu chép việc vua Minh Mạng sai Thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem người ra đo đạc hình thế các đảo ở Hoàng Sa vào năm 1836; một tư liệu chép việc vua Minh Mạng sai người cứu giúp thuyền buôn của nước Anh Cát Lợi bị nạn khi đi qua vùng biển Hoàng Sa vào năm 1836. |
Đòi công lý cho Hoàng Sa là điều rất chính đáng và được đặt ra thường xuyên, đòi hỏi sự chung tay góp sức của mỗi...
Nguồn: [Link nguồn]