Hoàng Sa luôn là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam
Mỗi người con Việt Nam khi nghĩ đến quần đảo Hoàng Sa đều có một tình cảm thiêng liêng đặc biệt, coi đó là một phần máu thịt của dân tộc.
Ngày 19-1-2024 là tròn 50 năm Trung Quốc đơn phương dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19-1-1974 – 19-1-2024).
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho hay: “Những ngày này tôi nhận được rất nhiều sự chia sẻ, động viên của mọi người. Điều đó đã giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao”.
Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa. Ảnh: TẤN VIỆT
Tình cảm thiêng liêng đặc biệt
. Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình trong những ngày đặc biệt này?
+ Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa: Không riêng gì tôi mà ai là người Việt Nam khi nghĩ đến Hoàng Sa đều có một tình cảm thiêng liêng đặc biệt, coi đó là một phần máu thịt của dân tộc. Mặc dù đang bị Trung Quốc chiếm giữ và tổ chức nhiều hoạt động phi pháp trên các đảo, song Việt Nam luôn đấu tranh, tuyên truyền khẳng định Hoàng Sa là quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hằng năm vào dịp này, huyện đảo luôn tổ chức thăm hỏi, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử Hoàng Sa, cùng nhau nhắc lại quá trình khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền của Việt Nam một cách liên tục, hòa bình trên quần đảo Hoàng Sa.
Hằng ngày, các ngư dân vẫn vươn khơi bám biển Hoàng Sa, nhờ đó mà Hoàng Sa lại càng gần gũi trong lòng Tổ quốc, trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Cảm xúc trong những ngày này rất đặc biệt, như được nhân lên bởi trách nhiệm đối với vùng lãnh thổ thiêng liêng.
. Thời gian qua, UBND huyện Hoàng Sa đã chăm lo, kết nối thế nào với các nhân chứng Hoàng Sa tại Đà Nẵng và các địa phương khác?
+ Việc kết nối với các nhân chứng Hoàng Sa đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Khi quần đảo Hoàng Sa được giao cho TP Đà Nẵng quản lý, bên cạnh việc tăng cường quản lý nhà nước, UBND huyện Hoàng Sa đã thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phát động và tiếp nhận tư liệu hiện vật về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong đó có việc quan trọng là kết nối với các nhân chứng Hoàng Sa ở mọi miền đất nước và việc này hiện vẫn được duy trì thường xuyên.
Các nhân chứng Hoàng Sa cũng đã chép lại hồi ký, cung cấp nhiều tư liệu, hiện vật, kỷ vật cho UBND huyện Hoàng Sa để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (bìa phải), thăm hỏi các nhân chứng lịch sử Hoàng Sa ngày 11-1. Ảnh: TẤN VIỆT
Chúng tôi không chỉ thu thập tư liệu mà còn thăm hỏi khi các cụ ốm đau hay qua đời vì tuổi cao sức yếu. UBND huyện Hoàng Sa chủ động tổ chức các đoàn tới thăm hỏi, động viên các nhân chứng còn sống và thăm hỏi thân nhân, thắp hương tri ân, tưởng nhớ những người đã mất.
Bên cạnh những nhân chứng được kết nối từ trước, trong những năm qua, UBND huyện Hoàng Sa vẫn tiếp tục kết nối thêm các nhân chứng mới và bổ sung vào hồ sơ nhân chứng lịch sử Hoàng Sa.
Tăng cường giáo dục về chủ quyền biển, đảo
. Vậy cụ thể các công việc mà UBND huyện Hoàng Sa đã và đang thực hiện để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là gì, thưa ông?
Tại Đà Nẵng có 15 nhân chứng Hoàng Sa, đến nay 7 nhân chứng còn sống. Ngoài ra, tại Quảng Nam hiện có 5 nhân chứng còn sống, tại Thừa Thiên-Huế có 2 nhân chứng còn sống. Đây là những người từng sống, làm việc, bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa VÕ NGỌC ĐỒNG |
+ Trong những năm qua, với trách nhiệm quản lý quần đảo Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa đã thực hiện nhiều hoạt động để tiếp tục khẳng định chủ quyền, trong đó có việc tuyên truyền đấu tranh, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
UBND huyện Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo hình thức đặc thù, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền theo đúng chủ trương của Đảng và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Chúng tôi còn thu thập và tổ chức nhiều triển lãm tư liệu, các cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, cung cấp nhanh chóng các thông tin, tư liệu về Hoàng Sa cho các tổ chức, cá nhân trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung.
Lãnh đạo huyện Hoàng Sa trao tặng cuốn sách tư liệu Hoàng Sa giới thiệu chung về Hoàng Sa và ảnh chân dung, tiểu sử, hồi ký của các nhân chứng. Ảnh: TẤN VIỆT
. Cùng với Nhà trưng bày Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa sẽ làm gì để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay luôn nhớ về quần đảo Hoàng Sa cũng như chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc?
+ Trong những năm qua, Nhà trưng bày Hoàng Sa với chức năng được giao đã thực hiện hiệu quả nhiều hoạt động tuyên tuyền. Đến nay đã có hơn 120.000 lượt khách tham quan, trong số đó thế hệ trẻ chiếm gần 50%.
Chúng tôi luôn ý thức được rằng công cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa phải kiên trì và thực hiện lâu dài. Do đó, cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, với các hình thức thực hiện đa dạng, có hiệu quả nhằm tạo nhận thức sâu sắc và nâng cao trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong giới trẻ về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.
Thời gian tới, Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ tăng cường các hoạt động trải nghiệm, lồng ghép việc tham quan với giáo dục lịch sử địa phương trong chương trình giáo dục mới. Cạnh đó, phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng, Sở GD&ĐT, Sở Du lịch đưa tư liệu Hoàng Sa đến du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây không chỉ được tham quan mà còn được chiêm nghiệm, tư vấn, góp ý để chúng tôi làm tốt hơn trong việc tổ chức các hoạt động.
Mọi nỗ lực này đều hướng đến để Nhà trưng bày Hoàng Sa không chỉ là nơi lưu giữ, cung cấp tài liệu mà còn là nơi nuôi dưỡng ý chí giành lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
. Xin cảm ơn ông.
Tặng sách tư liệu Hoàng Sa cho các nhân chứng Nhân dịp này, hôm 11-1, lãnh đạo huyện Hoàng Sa đã đến thăm hỏi, tặng quà Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho các nhân chứng Hoàng Sa còn sống và thắp hương tri ân những nhân chứng đã qua đời. Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, đã trao tặng cuốn sách tư liệu Hoàng Sa dày 68 trang giới thiệu chung về Hoàng Sa và ảnh chân dung, tiểu sử, hồi ký của những người từng đặt chân và làm việc ở Hoàng Sa. Ông Đồng bày tỏ mong muốn các nhân chứng giới thiệu cho con cháu biết về Hoàng Sa, luôn nhắc nhớ Hoàng Sa là quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
(NLĐO)- Ngư dân tố cáo bị tàu nước ngoài rượt đuổi, tấn công bằng vòi rồng ở Hoàng Sa khiến 2 người bị thương.
Nguồn: [Link nguồn]