Hoang phí "làng năng lượng mặt trời"

Gần 300 bếp năng lượng mặt trời được hỗ trợ cho các hộ dân của hai khối phố Bình Kỳ và Bá Tùng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) - khu vực tập trung đông hộ nghèo. Nhưng sau một thời gian, những chiếc bếp thân thiện môi trường trở thành phế liệu.

Năm 2007, Tổ chức phục vụ năng lượng mặt trời (Solar Serve) Đà Nẵng hỗ trợ các hộ dân thuộc khu vực Hòa Quý thiết bị bếp parabol sử dụng năng lượng mặt trời.

Sau khi xem xét điều kiện kinh tế, xã hội, 300 hộ dân Bình Kỳ và Bá Tùng may mắn được hỗ trợ và tập huấn sử dụng thiết bị bếp nấu sử dụng năng lượng mặt trời nhằm phục vụ cho sinh hoạt, cuộc sống.

“Hồi đó mới nhận thiết bị, ai cũng hào hứng. Không tốn kém tiền bạc gì nên người thì nấu cơm, nước, chiên bánh cũng đem ra… sân” - chị Phạm Thị Linh (tổ 12 Bình Kỳ), chia sẻ.

Hoang phí "làng năng lượng mặt trời" - 1

Bà Phùng Thị Tiết (76 tuổi): “Nấu thế này tiết kiệm gas nhưng chang chang cả ngày nắng, lại phụ thuộc thời tiết”. Ảnh H. Văn.

Bếp parabol thiết kế hình chiếc chảo hội tụ ánh sáng mặt trời tại một điểm tạo ra sức nóng làm chín thức ăn. Phần chân bếp được cơ động điều chỉnh theo hướng mặt trời để tích tụ lượng nhiệt cao nhất. Dạng bếp này nấu nhanh, nhiệt độ cao như ngọn lửa tự nhiên nhưng người nấu phải để ý thường xuyên.

“Cách sử dụng rất dễ, chỉ cần chỉ dẫn qua là biết. Tính trung bình mỗi năm tiết kiệm được mấy triệu tiền gas, nhất là việc nấu nước sôi hay nấu những nồi thức ăn cho gia súc cỡ lớn đúng là rất tiện lợi” - anh Hồ Thanh Tiến (tổ 12, Bình Kỳ, Hòa Quý) một trong những hộ dân hiếm hoi còn sử dụng bếp năng lượng mặt trời, cho biết.

Anh Tiến kể, trước đây khi mới được cấp phát, cả làng ai cũng nấu ăn ngoài sân râm ran cười nói. Nhưng giờ số nhà còn sử dụng bếp này thì chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Bếp thân thiện thành phế liệu

Dùng loại bếp này mất thời gian chạy ra chạy vào, giữa nắng chang chang, nguy hiểm với trẻ em do di chuyển bếp cồng kềnh nặng, nên nhiều người dân quyết định bỏ.

300 hộ này đang nằm trong diện giải tỏa, thuộc dự án Khu nhà ở và biệt thự dọc sông Cổ Cò. “Khi giải tỏa rồi, diện tích đất ở thu hẹp, nhà cửa san sát không còn chỗ nào để thu hứng nhiệt mà để cái bếp này nữa” - chị Phạm Thị Ngọc Tâm (tổ 9, Bình Kỳ) lý giải.

Hộ chị Tâm được hỗ trợ bếp parabol từ năm 2007, nhưng dùng được một thời gian thì dẹp vào một góc vườn không dùng nữa.

Chị nói đùa, chẳng biết tiết kiệm được bao nhiêu tiền ga chứ cứ chạy vô chạy ra thế này tiền tiết kiệm được không đủ mua kem chống nắng, hơn nữa sợ nguy hiểm cho trẻ em. “Giờ chẳng còn mấy ai dùng, người thì vứt chỏng chơ, người bán đồng nát”.

Chị Trần Thị Mỹ, cán bộ dân số phường Hòa Quý (người trực tiếp đại diện chính quyền địa phương phối hợp cùng tổ chức cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời đến trao tặng và hướng dẫn cách sử dụng cho người dân) cho biết: Trước đây họ dùng chứ giờ họ bỏ gần hết rồi. Những đợt mưa bão khiến bếp hư hỏng không sửa chữa được. Hơn nữa, số hộ này thuộc diện giải tỏa nên lược bớt những dụng cụ cồng kềnh, bởi thực ra số tiền đền bù giải tỏa giúp họ có cuộc sống khá hơn nhiều nên họ không nghĩ tới chuyện tiết kiệm như trước nữa.

Theo ông Nguyễn Tấn Bích, Giám đốc Tổ chức phục vụ năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng: Thiết bị bếp sử dụng năng lượng mặt trời rất tiện ích, tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Sản phẩm được phân phát hỗ trợ cho bà con nhiều nơi như Cẩm Nam (Hội An), Thăng Bình (Quảng Nam), Phan Rang (Ninh Thuận)… Riêng đối với những hộ dân thuộc khu vực Bình Kỳ và Bá Tùng trước khi được tặng bếp gia đình họ chưa thuộc diện giải tỏa. “Việc trao tặng diễn ra khá dễ dãi, người dùng thì không có, người không dùng lại đăng ký rồi đem về vứt bỏ gây lãng phí” - Ông Bích nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Văn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN