Hoang mang với “người nhện” trên đường
Mới đây, một clip ghi lại cảnh người phụ nữ đu bám sau những bao hàng chất chồng trên yên xe máy làm “dậy sóng” cộng đồng mạng khi được chia sẻ.
Hình ảnh người phụ nữ đu bám như “người nhện” khiến nhiều người tham gia giao thông ngán ngẩm về sự chủ quan, coi thường tính mạng. Ảnh: FB Thu Thủy Nguyễn
Theo tìm hiểu, clip được ghi lại trên tuyến đường Trần Nhật Duật, Hà Nội. Chiếc xe máy BKS 89E1-472.3x dù đã chất “có ngọn” với 7 - 8 bao hàng nhưng dường như vì muốn tiết kiệm chi phí, chiếc xe vẫn “cõng” thêm một người phụ nữ đu bám phía sau.
Chứng kiến hình ảnh đó, một số người dí dỏm để lại bình luận: “Người nhện phiên bản Việt Nam”, “Như người nhện”. Một số người khác thì tỏ ra bức xúc trước thái độ chủ quan của người điều khiển chiếc xe máy: “Tiếc mấy chục xe ôm rồi chẳng may tuột tay lại mất hàng trăm triệu đồng đi bệnh viện”.
Sáng 24/7, một clip khác quay lại cảnh một chiếc xe thương binh chở hàng “siêu quá khổ” do một người có tên Đoàn Hưng ghi lại bằng camera hành trình cũng thu hút sự chú ý của cư dân mạng trên một diễn đàn facebook hội tụ hơn 840.000 thành viên.
Hình ảnh xuất hiện trong clip là một chiếc xe ba gác dù có hình dạng nhỏ bé, song chủ xe vẫn chất hai khung sắt kích thước gấp 7 - 8 lần kích thước thùng xe (rộng khoảng 3m, dài khoảng 5m) và vô tư lưu thông trên tuyến đường Định Công, Hà Nội mà không vướng phải bất cứ sự xử lý của lực lượng chức năng nào.
Vụ việc không chỉ khiến người tham gia giao thông trên tuyến đường phải ngán ngẩm mà một số cư dân mạng khi xem lại hình ảnh còn phải thảng thốt: “Không khác gì giăng mạng nhện bẫy người đi đường”, “Nhìn ông điều khiển chiếc xe có khác gì con nhện lọt thỏm trong cái mạng nhện không”…
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, những hành vi trên không chỉ thể hiện sự vô cảm của người điều khiển phương tiện giao thông mà còn là hành động coi thường pháp luật, làm xấu đi hình ảnh văn hóa giao thông tại Việt Nam mà các cơ quan quản lý cùng nhiều người dân đang chung tay xây dựng.
Theo TS. Đức, để hạn chế những vụ việc xảy ra trên đường, bên cạnh việc xác minh, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các cuộc tuyên truyền về văn hóa giao thông, pháp luật giao thông đến người dân trên địa bàn.
“Những hình ảnh xấu trong tham gia giao thông được ghi lại cũng cần phổ biến rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng, báo chí để cảnh báo sự nguy hiểm đối với cộng đồng. Trong quá trình tuyên truyền đó, nếu “nhân vật chính” trong clip vô tình xem lại được hình ảnh xấu xí của mình, bản thân họ cũng sẽ biết xấu hổ và tự điều chỉnh lại hành vi để đảm bảo an toàn cho chính mình và người khác”, TS. Đức nói.
Lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để vận động, thuyết phục nam thanh niên quay trở về mặt đất.
Nguồn: [Link nguồn]