'Hố tử thần' ở Nghệ An: Người dân tháo chạy giữa đêm
Các điểm sụt lún, vết nứt kéo dài xuyên qua sân, vườn, nhà ở của nhiều hộ gia đình thuộc xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An khiến nhiều hộ dân phải rời nhà đi lánh nạn, cuộc sống bị đảo lộn.
Cuộc sống thấp thỏm
Liên tục nhiều buổi sáng, tiếng loa phát thanh của xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vang lên thông báo về tình trạng sụt lún, nứt nẻ, “hố tử thần”… cảnh báo người dân rời khỏi khu vực nguy hiểm, đến nơi an toàn. Mấy tháng qua, người dân vùng miền núi Phủ Quỳ đã quen với cảnh sẵn sàng di dời.
Theo chính quyền sở tại, thực trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà cửa của người dân Châu Hồng bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2020, ở diện tích đất ruộng lúa. Đầu năm 2022 đến nay, hiện tượng này lan rộng đến nhà ở của các hộ dân, cơ quan, trường học, gây các hậu quả nghiêm trọng như mất đất sản xuất, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, đe dọa tính mạng người dân và gây hư hỏng một số công trình, nhà cửa.
Nhà ông Điền Viết Tứ bị sụt lún dưới móng nhà
Đã 4 ngày trôi qua kể từ lúc ngôi nhà bị sụt lún, nguy cơ đổ sập, ông Điền Viết Tứ (SN 1965, trú tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Tứ kể: “Lúc đó khoảng 4h, cả gia đình đang ngủ thì nghe tiếng động lớn, nghĩ ngoài ruộng lại sụt lún nên gia đình tiếp tục ngủ. Mơ màng chẳng yên giấc, tiếng động thứ 2, thứ 3 tiếp tục vang lên. Choàng tỉnh dậy ra kiểm tra, tôi hoảng sợ phát hiện phía dưới móng nhà xuất hiện một hố lớn, đất sụt lún không ngừng. Tôi cùng vợ gọi anh em họ hàng tới giúp vận chuyển đồ đạc, vật dụng ra ngoài, đến bây giờ, gia đình tôi vẫn còn kinh sợ”.
Mặt trời ló rạng, người dân bản Na Hiêng tập trung trước cửa nhà ông Tứ đông hơn, trên khuôn mặt mỗi người hiện lên nỗi lo sợ. Hôm nay xảy ra ở nhà ông Tứ, ngày mai có thể là ngôi nhà khác, bởi tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất công trình, nhà ở chưa có dấu hiệu ngừng lại. Bàn ghế, tủ lạnh, tivi… chất ngổn ngang ngoài đường.
“Nhà không thể ở, các con phải ở nhờ nhà người thân còn vợ chồng nay đây, mai đó, chạy đi, chạy lại kiểm tra vết sụt lún, quét dọn nhà cho đỡ ẩm mốc. Ngôi nhà trước đây được xây dựng kiên cố, móng nhà được đào sâu chứ một ngôi nhà cấp bốn bình thường thì chắc chắn đã sập. Hiện hố sâu khoảng 6m, đường kính 10m. Mong rằng cơ quan chức năng sớm có kết luận, để gia đình được ổn định”, bà Lê Thị Nga (vợ ông Tứ) nói.
Cách nhà ông Tứ không xa là gia đình anh Vi Văn Hòa (SN 1988, trú bản Na Hiêng). Một vệt nứt lớn từ ngoài ruộng chạy vào vườn và trong nhà. Cột nhà bằng gỗ cũng bị nhổ lên khỏi bục đỡ bê tông, nghiêng về một phía. “Tôi đã đưa các con và bà cố đến nhà anh em trú ngụ. Các thành viên khác vẫn phải ở trong nhà vì không biết đi đâu. Mỗi khi nghe tiếng động, tiếng răng rắc của thanh gỗ là hoảng hốt gọi nhau dậy rời khỏi nhà. Giấc ngủ chẳng yên, cứ bị ám ảnh bởi tiếng động bên ngoài”, anh Hòa kể.
Chỉ tay về những vết nứt lớn chạy thành đường rãnh xuất hiện khắp nơi trên các bức tường, một phụ nữ ở bản Na Hiêng cho biết: “Sự đe dọa an toàn tính mạng luôn thường trực trong nhà tôi. Chỉ đi trong nhà thôi cũng phải ngó nghiêng, cẩn thận, chân sợ vấp đúng viên gạch bong tróc khỏi nền, đầu sợ vôi vữa rơi trúng. Ở trong nhà của mình mà cũng phải lo sợ như thế đấy”.
Vật dụng được dọn ra ngoài, không có hơi người sinh hoạt, căn nhà trở nên lạnh lẽo. “Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dành dụm xây được ngôi nhà che nắng che mưa mà giờ nhà cũng không vào ở được. Lúa gặt về để ngoài sân, cơn mưa lớn ập đến bị ướt lên mầm. Bữa cơm của gia đình lâu nay phải dọn ra ngoài sân, người dân nghèo chúng tôi đang gặp khó khăn”, bà Lan (bản Na Hiêng) chia sẻ.
Cần làm rõ trách nhiệm của các cấp ngành
Các điểm sụt lún ở xã Châu Hồng có diện tích trung bình khoảng 1,5 đến 2,5m; vết nứt kéo dài, xuyên qua sân, vườn, nhà ở của nhiều hộ gia đình. Các vết nứt xuất hiện tại trường THCS Hồng Tiến, bưu điện, trụ sở UBND xã. Thực trạng sụt lún gây ảnh hưởng đến 232 hộ dân trên địa bàn 6 bản, 299 giếng nước của hộ dân, trạm y tế, trường học bị khô cạn.
Trong cuộc đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, người dân xã Châu Hồng đã đặt câu hỏi: Vì sao tình trạng giếng nước khô cạn, sụt lún đã xảy ra hơn 2 năm nay, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân; mặc dù chính quyền và các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng đến nay chưa giải quyết dứt điểm, trái lại tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng hơn?
Vì sao người dân đã phản ánh nhiều năm, nhưng các công ty khai thác quặng vẫn tiếp tục bơm hút nước ngầm khiến cho tình trạng sụt lún ngày càng diễn ra nặng nề hơn. Cuộc sống của nhân dân bị đảo lộn, tính mạng của nhân dân luôn tiềm ẩn nguy hiểm. Trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các công ty khai thác tài nguyên như thế nào? Trả lời các vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá, công tác phối hợp để xử lý tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô cạn tại xã Châu Hồng chưa kịp thời. Mặt khác, huyện và các ngành cũng chưa kịp thời đề xuất biện pháp xử lý dẫn đến tình hình diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, nguy cơ an toàn về tính mạng, tài sản người dân là rất hiện hữu. Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cũng khẳng định, nguyên tắc xử lý chung là đặt sự an toàn, cuộc sống ổn định của người dân lên trên hết, trước hết. Mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn tối đa về tính mạng và tài sản cho người dân.
Địa bàn xã Châu Hồng là một thung lũng, được bao quanh bởi những dãy núi, dưới núi là hệ thống hang cát - tơ và suối ngầm. Phía Đông Bắc của xã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác 6 mỏ đá trắng, 2 mỏ quặng thiếc. Trong quá trình khai thác, nhiều doanh nghiệp lắp đặt hệ thống bơm hút nước trong hang cát - tơ dưới lòng đất sâu hàng trăm mét để công nhân tiếp xúc với vỉa quặng khai thác. Vị trí mỏ gần nhất cách khu dân cư khoảng 500m.
Trong khi người dân và chính quyền Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An) đang lo lắng thì các sở ngành ở tỉnh này còn thờ ơ, bất nhất.
Nguồn: [Link nguồn]