Họ hàng rùa Hồ Gươm đang ở đâu?
Nhiều chuyên gia cho rằng rùa Hồ Gươm thuộc loài Rafetus swinhoei mai dẹt có hình dạng thuôn gần giống hình chữ nhật. Tính cả "cụ" rùa Hồ Gươm mới chết, trên thế giới chỉ còn 4 cá thể.
Khoảng 17 giờ ngày 19.1, người dân phát hiện rùa Hồ Gươm nổi lên tại khu vực đối diện trụ sở báo Hà Nội Mới và đã có dấu hiệu bốc mùi. Sau đó, rùa Hồ Gươm được xác định là đã chết. Xác rùa Hồ Gươm được cơ quan chức năng di chuyển vào khuôn viên đền Ngọc Sơn.
Sau cuộc họp khẩn, UBND TP Hà Nội đã quyết định đưa xác rùa Hồ Gươm về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để bảo quản lâu dài và nghiên cứu.
Rùa Hồ Gươm trong một lần nổi gần đây
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học VN, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho hay ông cảm thấy buồn và đáng tiếc khi một sinh vật quý hiếm của Việt Nam, một biểu tượng mang tính lịch sử, văn hóa của Hà Nội mất đi.
“Tôi thực sự rất tiếc nhưng chuyện này trước sau gì cũng xảy ra. Rùa cũng như con người, đến một tuổi nào đó sẽ phải "ra đi". Đó quy luật của tự nhiên”, GS Huỳnh chia sẻ.
GS Huỳnh bày tỏ ông rất đồng tình với cách xử lý của Hà Nội khi đưa xác rùa Hồ Gươm vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để bảo quản, nghiên cứu. Bởi đây là bảo tàng đầu ngành về lịch sử tự nhiên, có đầy đủ cơ sở vật chất để bảo quản tốt mẫu vật.
Theo GS Huỳnh, sau khi Hà Nội hoàn tất việc công tác bảo quản rùa Hồ Gươm, nên tiếp tục điều tra, nghiên cứu xem loài rùa này còn tồn tại ở nơi nào của Việt Nam.
Là người nghiên cứu nhiều năm về các loài động vật trong đó có loài rùa, GS Huỳnh cũng tham gia đoàn cố vấn chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm năm 2011. Ông Huỳnh cho rằng rùa Hồ Gươm thuộc loài Rafetus swinhoei mai dẹt có hình dạng thuôn gần giống hình chữ nhật.
Giáo sư Mai Đình Yên – nhà nghiên cứu động vật học, nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng khẳng định như vậy. Theo GS Yên, hiện nay trên thế giới chỉ còn 4 con rùa thuộc loài Rafetus swinhoei. Tại Việt Nam có 2 con, một con ở Hồ Gươm, một con ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). 2 con còn sống đang được nuôi trong một vườn thú ở Trung Quốc.
Giáo sư Mai Đình Yên – nhà nghiên cứu động vật học, nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm 2012, Giám đốc Chương trình rùa châu Á, ông Douglas Hendrie khẳng định đã làm xét nghiệm AND rùa Đồng Mô tại Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật và kết quả xét nghiệm cho thấy rùa Đồng Mô cùng loài với rùa Hồ Gươm.
“Đại bộ phận các nhà khoa học sau khi nghiên cứu về hình thái, AND đều đồng tình rằng cả 4 cá thể rùa còn lại trên thế giới đều cùng một loài Rafetus swinhoei. Cá thể rùa ở Đồng Mô cũng cùng loài với rùa Hồ Gươm”, Giáo sư Yên chia sẻ.
“Tôi cũng đã từng đề nghị đưa rùa Đồng Mô về Hồ Gươm để nghiên cứu, ghép đôi với hy vọng có thể sinh sản được. Hiện nay, rùa Hồ Gươm đã chết, thành phố Hà Nội cũng nên xem xét đưa rùa Đồng Mô về nghiên cứu xem xét có phù hợp để thả ở Hồ Gươm hay không. Tất nhiên, rùa Hồ Gươm có đặc trưng khác với rùa nơi khác vì giá trị lịch sử, tâm linh nhưng không vì thế mà để mất đi một sinh vật quý hiếm của Hà Nội”, GS Huỳnh bày tỏ.
Theo nhà nghiên cứu động vật học Mai Đình Yên, để xác định được tuổi thọ của loài rùa có thể dựa vào trọng lượng, kích thước mai rùa… Ông Yên cho rằng rùa Hồ Gươm có tuổi thọ dưới 300 tuổi.
“Hiện nay loài rùa sống lâu nhất trên thế giới có tuổi thọ 300 năm, hiện đang sống tại Plantation House trên đảo St. Helena - một hòn đảo nhỏ ở Nam Đại Tây Dương. Tuổi thọ của loài rùa này đã được sổ sách ghi lại và có hình ảnh”, giáo sư Yên nói thêm.
Năm 2011 rùa hồ Gươm được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trong hơn ba tháng. Sau đó rùa được trả về môi trường tự nhiên trong hồ, nơi người ta đã thả nhiều cá để làm thức ăn cho rùa. Khi đó rùa có chiều dài toàn thân là 185 cm, chiều rộng mai 100 cm, chiều dài đuôi là 35 cm, nặng 169 kg.
Rùa Đồng Mô có cân nặng chừng 80-90kg, mép màu vàng, đầu đốm rằn ri và mai màu xanh xám. Rùa có chiều dài 90cm, ngang 70cm.
Giáo sư Mai Đình Yên chia sẻ: “Khi nhận được thông tin rùa Hồ Gươm qua đời, tôi rất tiếc vì đây là loài rùa nằm trong tốp 25 cá thể quý hiếm của thế giới. Tôi đã từng theo dõi việc chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm, đã vui mừng khi thấy rùa khỏe mạnh nên có nhiều kỷ niệm với cá thể này”.
Về thông tin cho rằng Hồ Gươm không phải có một “cụ” rùa duy nhất mà còn có thêm một “cụ” khác vẫn đang sống. GS Đặng Huy Huỳnh khẳng định, nhiều năm nghiên cứu, ông chưa phát hiện thêm cá thể rùa Hồ Gươm nào khác ngoài cá thể rùa đã chết mới đây.
Hình ảnh rùa Hồ Gươm là một trong những biểu tượng lịch sử, gắn liền với ký ức của người dân Hà Nội.