HN: Sống lại tết Trung thu truyền thống
Những loại đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, các con giống hay mặt nạ bằng giấy bồi... được tái hiện lại tại ba điểm di tích trong khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội).
Từ ngày 13 đến 19/9, đúng vào dịp tết Trung thu, người dân thủ đô đã có dịp sống lại không khí của Trung thu truyền thống tại ba điểm di tích trong khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), với nhiều chương trình giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi dân gian đặc sắc.
Những loại đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, các con giống hay mặt nạ bằng giấy bồi... được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm đến các bậc phụ huynh và các em nhỏ.
Theo ban quản lý phố cổ, việc giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống nhằm giúp mọi người hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị của những loại đồ chơi này, qua đó, các em nhỏ gắn bó hơn với truyền thống dân tộc.
Tại không gian đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), các em nhỏ có dịp trải nghiệm cách làm đèn trung thu truyền thống.
Chị Loan (Hậu Ái, Hoài Đức, Hà Nội) hướng dẫn các bé cách làm đèn trung thu truyền thống.
Con giống làm bằng giấy một thời là những đồ chơi rất thân thuộc với thiếu nhi Việt Nam mỗi dịp đón Trung thu.
Đồ chơi tiện con quay được tái hiện lại qua bàn tay tài hoa của những thợ thủ công phố Tô Tịch (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Nặn tò he của người thợ đến từ làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
Chiêm ngưỡng sản phẩm tò he hình Psy trong điệu nhảy nổi tiếng Gangnam Style.
Tò mò ngắm chiếc thuyền sắt chạy trong chậu nước.
Tại ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), các em nhỏ được giới thiệu và hướng dẫn cách chơi trò Trí Uẩn.
Đây là trò chơi để rèn luyện trí tưởng tượng và sáng tạo, rất được yêu thích vào dịp Trung thu.
Tại đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc), chị Hồng Vân đang kể cho cô con gái nghe về ý nghĩa của mỗi loại đèn trung thu.
Mặt nạ hình con giống, các nhân vật trong bộ truyện tranh nổi tiếng Đôrêmon được trưng bày tại đình Kim Ngân.
Du khách nước ngoài thích thú ghi lại hình ảnh về Trung thu truyền thống của Việt Nam.