HN: Di chuyển hàng cổ thụ tuyệt đẹp trên đường Kim Mã

Sự kiện: Tin Hà Nội

Thay vì chặt bỏ, hơn 100 cây cổ thụ sẽ được cắt tỉa, đào gốc đưa về vườn ươm để tiếp tục trồng lại.

HN: Di chuyển hàng cổ thụ tuyệt đẹp trên đường Kim Mã - 1

Từ ngày 16.9, hơn 100 cây cổ thụ trên đường Kim Mã sẽ bắt đầu được đánh chuyển đến vườn ươm (Ảnh: Tất Định)

Sáng 16.9, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc di dời cây xanh trên phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội phục vụ thi công dự án Đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, từ ngày 16.9, đơn vị này sẽ di chuyển 106 cây xanh trên đường Kim Mã, đoạn từ Đền Voi Phục đến đối diện ngõ 575 Kim Mã đến vườn ươm ở Văn Giang, Hưng Yên.

“Dự kiến, trong vòng 90 ngày, toàn bộ cây trên đoạn đường này sẽ được đưa về vườn ươm chăm sóc. Riêng cây đa trước cổng đền Voi Phục sẽ không bị di chuyển mà chỉ cắt tỉa cành lá. Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình này”, ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, Phó trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội chưa tiết lộ kinh phí thực hiện việc đánh chuyển cây xanh.

Ông Thẩm Thế Hoàn, Phó Tổng giám đốc công ty Beepro, đơn vị thực hiện việc di chuyển cây xanh về vườn ươm cho biết, công ty này áp dụng phương án đào thủ công, đánh chuyển cây vào ban đêm.

“Phương án đào thủ công khá tốn kém, để hoàn thành di chuyển một cây có đường kính trên 1m đòi hỏi 30 công nhân. Hiện tại chúng tôi chưa có định mức, giá cả trong việc đánh chuyển cây cổ thụ. Đây là đợt thí điểm cho các dự án sau”, ông Hoàn cho hay.

Trước ý kiến cho rằng những cây cổ thụ khi đánh chuyển không đảm bảo tỉ lệ sống sót, ông Hoàn cho biết công ty này đã có kinh nghiệm trên 5 năm, di chuyển các cây có đường kính 2 m từ Yên Bái về khu đô thị Ecopark.

“Thành phố bỏ tiền ra mua những cây to như vậy sẽ rất tốn kém. Phương án di chuyển những cây về ươm rồi dùng lại tránh lãng phí. Di chuyển không đảm bảo cây xanh sống 100% tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng tỉ lệ sống tốt nhất có thể”, ông Hoàn nói.

Theo đại diện Beepro, công ty này sẽ đảm bảo tỉ lệ sống sót của cây là khoảng 60%. Nếu thí điểm thành công, sẽ áp dụng thi công trên những khu vực khác.

Trước đó, tháng 3.2015, Hà Nội chặt bỏ gần 500 cây xà cừ cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi để phục vụ thi công tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Sự việc này đã khiến nhiều người dân Thủ đô bức xúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Tin Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN