HN: 8 trẻ nhập viện sau tiêm vắc xin Quinvaxem

Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 8 trường hợp bị phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem.

Thông tin được bác sĩ Nguyễn Văn Lâm – phó Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết ngày 11/11.

Theo BS Lâm, trong 8 bệnh nhi nhập viện có 4 cháu bị sốt và phát ban nhẹ ở chân, bụng, 1 bé bị phát ban đỏ toàn thân. Ngoài ra, có 1 trường hợp không bị sốt, nhưng gia đình nghi cháu bị tím tái nên đưa vào viện. Bệnh nhi này, sau điều trị 1-2 ngày thì không có biểu hiện gì, sức khỏe bình thường.

Trường hợp của bé T.C.C (7,5 tháng, Quốc Oai, Hà Nội) được tiêm vắc xin Quinvaxem sáng ngày 7/11, đến chiều bé sốt nhẹ và xuất hiện phát ban đỏ ở bụng. Hôm sau bệnh nhi bị phát ban đỏ toàn thân, nên gia đình đưa vào viện Nhi. Bác sĩ Lâm cho biết, đây chỉ là dị ứng thông thường khi sốt. Hiện sức khỏe bé đã ổn định, có thể xuất viện.

HN: 8 trẻ nhập viện sau tiêm vắc xin Quinvaxem - 1

Bé C bị sốt phát ban toàn thân sau tiêm vắc xin Quinvaxem. (Ảnh: Dân Việt)

Trong 8 trường hợp này, có một cháu bé bị phản ứng sau tiêm khá đặc biệt, bệnh nhi bị sốt cao co giật, đến nay, đã hết sốt cao nhưng mỗi ngày đều xuất hiện cơn co giật một lần và hiện vẫn đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tất cả các ca có phản ứng không mong muốn sau tiêm này đều đã được báo cáo. Riêng với bé gái 10 tháng tuổi bị sốt cao, co giật, hiện Trung tâm vẫn đang phối hợp chặt với BV Nhi Trung ương theo dõi và điều trị bệnh nhi để xác định nguyên nhân co giật của bé.

Một trường hợp khác, bé gái 10 tháng tuổi (Phú Xuyên, Hà Nội) được tiêm mũi thứ 3 vắc xin Quinvaxem sau 5 tháng tạm dừng. Bé được gia đình đưa đến trạm Y tế xã tiêm khoảng hơn 9h sáng ngày 4/11. Sau khoảng 4 tiếng sau tiêm, bệnh nhi sốt, có lúc lên đến 39 độ C, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, đến 6h30 phút chiều bệnh nhi xuất hiện co giật gia đình đưa vào chạm y tế xã, sau đó được chuyển ngay lên BV Nhi T.Ư.

BS Lâm cho biết, khi được chuyển đến BV Nhi Trung ương, bé gái này có sốt cao co giật. Với những trẻ phản ứng mạnh với vắc xin, sau tiêm bị sốt cao có thể gây co giật nhưng là co giật do sốt cao chứ không phải do vắc xin. Vì thế, sau tiêm cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ, sốt cao cần kịp thời hạ sốt để tránh nguy cơ co giật.

Sau khi được chuyển vào khoa Truyền nhiễm, bệnh nhi đã được hạ sốt. Sau một đêm nhập viện bé không còn sốt cao, chỉ còn sốt nhẹ 37 độ C. Tuy nhiên, mỗi ngày bệnh nhi này đều xuất hiện một cơn co giật kéo dài khoảng 1 phút.

HN: 8 trẻ nhập viện sau tiêm vắc xin Quinvaxem - 2

Trước khi tiêm vắc xin, trẻ phải được khám sàng lọc

Bác sĩ Cao Vũ Hùng, Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, cháu N.M bị động kinh nên phải ở lại điều trị. Hiện không có bằng chứng gì cho thấy việc động kinh của cháu liên quan đến vắc xin. Việc cháu N.M bị lên cơn động kinh sau khi tiêm là do sốt gây co giật và phát bệnh trùng hợp.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai mạnh mẽ Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, các địa phương trên cả nước đã thanh tra, kiểm tra 11.714 điểm tiêm chủng (đạt 83%) trong đó 8.336 điểm đủ điều kiện tiêm chủng (đạt 90%). Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tiếp tục đi kiểm tra đồng thời các đoàn của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur cũng đang tiến hành đi các địa phương để kiểm tra và hướng dẫn các địa phương triển khai tốt các hoạt động đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Ông Phu cho biết, trong thời gian từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, theo báo cáo của Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã có 36 tỉnh, thành phố triển khai tiêm lại vắc xin Quinvaxem tại 4 khu vực (miền Bắc: 15 tỉnh, thành phố, miền Trung: 5 tỉnh, thành phố, khu vực Tây Nguyên: 4 tỉnh, miền Nam: 12 tỉnh, thành phố) và đã tiêm khoảng 300.000 liều vắc xin.

Do tính chất quan trọng của việc tiêm vắc xin đợt này nên Bộ Y tế đã chỉ đạo rất chặt chẽ quá trình tiến hành tiêm chủng của các địa phương nhằm đảm bảo tốt nhất cho sự an toàn đối với các cháu. Qua giám sát của ngành y tế các tỉnh cũng như các viện Vệ sinh dịch tễ cho thấy trong quá trình tiêm chủng có một số trường hợp có phản ứng sau tiêm song các phản ứng sau tiêm được ghi nhận chủ yếu là quấy khóc, sưng tại chỗ tiêm, sốt, rất ít một vài trường hợp có biểu hiện tím tái, co giật nhưng không nặng, đều đã được theo dõi, chăm sóc và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế, hiện các trẻ đều ổn định và ra viện

Theo Cục Y tế dự phòng, trẻ phảm ứng sau tiêm là những dấu hiệu phản ứng nhẹ sau tiêm chủng. Những ghi nhận này thể hiện quá trình theo dõi sát sao của các cơ sở y tế, cũng như sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ hơn của các bà mẹ nhằm phát hiện sớm các trường hợp phản ứng sau tiêm để kịp thời đưa trẻ đến theo dõi và chăm sóc tại cơ sở y tế. Đối với những trường hợp xảy ra các phản ứng phụ này, các cơ sở tiêm chủng sẽ theo dõi chặt chẽ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN