“Hít đất” sai tư thế có ảnh hưởng đến sinh lý?
“Tuyệt đối không tùy tiện chống đẩy khi chưa được bác sĩ tư vấn và kiểm tra sức khỏe”, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao khuyến cáo.
Nhiều người tranh thủ mọi lúc mọi nơi để "hít đất"
Thời gian gần đây, trào lưu thách đố chống đẩy (hít đất) lôi cuốn nhiều người tham gia. Nhiều người tranh thủ mọi lúc mọi nơi để “hít đất”.
Luật của trò chơi này là ai bị thách đố sẽ phải quay clip thực hiện 22 cái chống đẩy mỗi ngày trong 22 ngày liên tiếp và với mỗi clip thì gửi lời thách đố đến một người bạn trong danh sách của mình. Tuy nhiên, phong trào này lan rộng, có nhiều thích thú, hứng khởi nhưng cũng có người phải nhập viện.
Người ít vận động dễ bị chấn thương nặng
Tiến sỹ, bác sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, chống đẩy là một trong những môn thể thao quần chúng. Nhiều người dùng chống đẩy để thách đố, kiểm tra sức khỏe. Thông thường, trong y học thể thao, nằm sấp chống đẩy để kiểm tra thể lực, đánh giá sức bền cơ tay, cơ vai, cơ đùi... Do vậy, tùy thuộc vào thể trạng từng người mà số lần chống đẩy khác nhau/một phút.
Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cũng cảnh báo, đối với người có bệnh viêm phế quản, loãng xương, nếu chống đẩy không đúng có thể xuất hiện các bệnh cấp tính kèm theo như tăng huyết áp, nhồ máu cơ tim, chấn thương cơ, xương, khớp…
Nhiều người băn khoăn, liệu chống đẩy sai tư thế có ảnh hưởng đến vấn đề sinh lý. Bác sĩ Kha khẳng định: “Chưa có mối liên quan nào giữa môn thể thao chống đẩy và sức khỏe sinh lý. Chống đẩy sai tư thế chỉ gây chấn thương”.
Tiến sỹ, bác sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam
Tiến sỹ, bác sĩ Võ Tường Kha lý giải, chấn thương thường xảy ra đối với những người chưa từng tập luyện. Họ bắt đầu một “thử thách” mà cơ thể rất khó thích nghi được. Vì thế, một người dù có sức khỏe tốt, không bệnh tật nhưng không thường xuyên tập luyện, nay lại bắt đầu với một động tác mới dễ bị tổn thương cơ - xương - khớp. Do đó, mọi người hãy cân nhắc giờ giấc, lịch làm việc, sinh hoạt… để duy trì việc tập luyện thường xuyên.
Ngoài ra, những người ít vận động, nhóm người trên 40 tuổi cũng nên lưu ý vì ở tuổi này, hệ xương khớp bắt đầu lão hóa, cố tập với cường độ mạnh dễ bị chấn thương. Chấn thương cơ - xương - khớp ở tuổi này thường nặng và lâu khỏi hơn so với người trẻ.
Do đó, trước khi tập phương pháp chống đẩy phải được bác sĩ chuyên khoa hoặc huấn luyện viên thể thao được đào tạo kiểm tra sức khỏe, tư vấn nên “hít đất” ở mức độ nào, có tiền sử bệnh tật ra sao? Dự báo có nguy cơ bệnh cấp tính xảy ra khi tập không?.
“Tuyệt đối không tùy tiện "hít đất" khi chưa được bác sĩ tư vấn và kiểm tra sức khỏe”, Tiến sỹ, bác sĩ Võ Tường Kha khuyến cáo.
Chuyên gia về y học thể thao cũng lưu ý trước khi “hít đất”, người tập phải khởi động các vùng cơ liên quan như: tay, vai, cẳng chân…. Sau khi “hít đất” phải thả lỏng các cơ.
“Sau khi hít đất nếu thấy xuất hiện dấu hiệu căng cơ, co cơ, đau cơ phải dừng lại ngay. Nếu tiếp tục cố dễ dẫn bị gãy xương, kiệt sức, ngất, tụt đường huyết, khó thở, nhồi máu cơ tim…”, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cảnh báo.
Cũng theo tiến sỹ, bác sĩ Võ Tường Kha, để đảm bảo sức khỏe, trước khi chống đẩy phải chuẩn bị sàn nhà sạch sẽ, không trơn, trượt..
Tư thế đúng khi “hít đất”
Theo Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, đối với nam giới, chuẩn bị chống đẩy theo tư thế: Tay chống xuống sàn, ngón chân chạm sàn, thân người, chân, thẳng, hai bàn chân cách nhau 30 cm, hai tay thẳng và mở rộng bằng vai, giữ tay và thân tạo thành một góc vuông.Ở tư thế này, trọng lực của cơ thể sẽ dồn vào hai tay và hai bàn chân.
Đối với nữ, tư thế chuẩn bị chống đẩy giống như nam (tay chống xuống sàn, ngón chân chạm sàn, thân người, chân, thẳng, hai bàn chân cách nhau 30 cm, hai tay thẳng và mở rộng bằng vai, giữ tay và thân tạo thành một góc vuông) nhưng có thể cho phép trùng đầu gối.
Khi có hiệu lệnh bắt đầu, người “hít đất” thực hiện chống đẩy theo đúng yêu cầu như sau: Khi hạ người xuống sàn, hai bàn tay chạm ngực, hai cánh tay song song với sàn và luôn phải giữ lưng thẳng. Khi đẩy người lên hai tay phải thẳng. Sau đó tiếp tục thực hiện động tác cho tới khi cảm thấy kiệt sức.
Ngoài ra, tiến sỹ, bác sĩ Võ Tường Kha cũng cho biết, trong y học thể thao cũng có đánh giá kết quả dựa theo số lần thực hiện động tác. Do đó, mọi người nên tham khảo bảng phân loại sức khỏe dưới đây để so sánh với kết quả chống đẩy của bản thân.
Bảng phân loại sức bền thông qua test số lần chống đẩy đối với nam
Bảng phân loại sức bền thông qua test số lần chống đẩy đối với nữ