Hình hài Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau gần 30 năm ra đời
Sau gần 30 năm quy hoạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức, TPHCM đã mọc lên nhiều công trình giao thông, khu biệt thự sang trọng, nhà cao tầng hiện đại quy mô.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1996, có vị trí thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh thuộc TP.Thủ Đức, nằm tại phía bờ đông của sông Sài Gòn, có tổng diện tích 657 ha.
Bản đồ được cho là quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 1996.
Hiện tại, Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành "đất vàng" của TPHCM.
Theo quy hoạch 1/2.000, khu đô thị Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm khu lõi trung tâm, các khu dân cư phía Bắc, dọc đại lộ Mai Chí Thọ, phía Đông, châu thổ phía Nam với 8 khu chức năng chính.
Một góc Khu đô thị Sala ở Thủ Thiêm. Khu đô thị này được xây dựng trên quỹ đất rộng hơn 150ha, nằm tại số 10 Mai Chí Thọ, Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là dự án khu đô thị đầu tiên được triển khai xây dựng tại Khu đô thị Thủ Thiêm, ra mắt từ năm 2015.
Sông Sài Gòn chảy qua trung tâm TPHCM, một bên là Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một bên là quận 1.
Hiện tại, Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn còn hơn nửa diện tích là đầm lầy, kênh rạch và rừng rậm vẫn chưa được khai phá hay xây dựng.
Đường Nguyễn Cơ Thạch nằm trong Khu đô thị Sala, là tuyến đại lộ đẹp nhất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đường Nguyễn Cơ Thạch là nơi phát triển hoàn chỉnh, sầm uất nhất ở Thủ Thiêm hiện tại với nhiều nhà hàng, cà phê, siêu thị...
Khu đô thị Sala do Công ty Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Đại Quang Minh cũng chính là doanh nghiệp làm 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng BT.
Vào tháng 4/2022 cầu Ba Son - Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn đã chính thức được thông xe sau 7 năm trễ hẹn. Cây cầu này có chiều dài gần 1,5 km, kết nối quận 1 với phân khu chức năng số 1 của bán đảo Thủ Thiêm. Cách cầu Ba Son không xa là cầu Thủ Thiêm 1, đã đưa vào sử dụng năm 2007, kết nối từ quận Bình Thạnh. Trong tương lai, thành phố sẽ đầu tư xây dựng Cầu Thủ Thiêm 3 và 4, nối quận 4, quận 7 với Khu đô thị Thủ Thiêm. Các công trình khi hoàn thành sẽ kết nối, hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh cho khu vực và khu đô thị mới này.
Toàn cảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao.
Hiện tại, nhiều dự án bất động sản trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đua nhau mọc lên.
Tuy nhiên, việc thu hồi đất để làm Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu kiện đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Tính đến nay, Khu đô thị Thủ Thiêm đã giải phóng mặt bằng hơn 99%.
Hiện vẫn còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.
Hầm Thủ Thiêm tọa lạc tại đại lộ Đông Tây và chính thức được thông xe vào năm 2011. Hầm có tổng chiều dài là 1.490m, bắt đầu từ cầu Calmette đi xuyên qua sông Sài Gòn về phía khu đô thị Thủ Thiêm. Hầm Thủ Thiêm có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông khu vực quận 1 và TP Thủ Đức.
Tại các buổi đối thoại, người dân yêu cầu UBND TPHCM đưa ra bản đồ quy hoạch 1/5000 được Thủ tướng phê duyệt kèm theo quyết định 367 năm 1996 để đối chiếu ranh ban đầu của dự án.
Tuy nhiên, TPHCM không tìm được tấm bản đồ nên việc khiếu kiện kéo dài suốt hàng chục năm qua.
Đại lộ Mai Chí Thọ - một đường trục xương sống của Khu đô thị Thủ Thiêm giúp kết nối nhanh chóng với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tổng số dân định cư của Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 130.000 người. Cơ sở hạ tầng hoàn thiện, số lượng dự án bất động sản đang bàn giao tăng nhanh khiến xe cộ lưu thông qua các tuyến đường ở khu đô thị này ngày càng tăng.
Sau gần 30 năm quy hoạch, Khu đô thị Thủ Thiêm đã thay đổi diện mạo với hàng loạt công trình, dự án mới.
Nguồn: [Link nguồn]