Hình hài hầm Phượng Hoàng kết nối ‘rừng - biển’
Kỹ sư, công nhân của nhà thầu đang ngày đêm triển khai các mũi thi công khoan núi mở hầm Phượng Hoàng, khơi đường cho cao tốc kết nối “rừng - biển”.
Những ngày cuối tháng 6, trời Tây Nguyên vẫn oi ả khắc nghiệt. Từng tổ thi công khoan hầm Phượng Hoàng thay nhau thực hiện nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Đình Thương, đội làm máy khoan thi công hầm Phượng Hoàng, chia sẻ, trong hầm rất oi nóng. Thiết bị khoan hầm hiện đại đã giảm tải được sức lực của cán bộ, công nhân kỹ thuật tham gia. Khoan hầm xuyên núi là nhiệm vụ rất đặc biệt, do đó, khi vào kíp làm việc, các thành viên trong đội tập trung cao độ, tuân thủ yêu cầu kỹ thuật, an toàn trong quá trình lao động.
Mũi khoan đang khoét từng lớp đá trong hầm.
Hầm Phượng Hoàng dài 1,7km, nằm trong gói thầu XL01 có tổng chiều dài 11km (trong đó 0,9km thuộc địa phận Khánh Hòa và 10,1km thuộc địa phận Đắk Lắk). Gói thầu này thuộc dự án thành phần 2 của dự án cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) làm đại diện chủ đầu tư. Gói thầu XL01 được thực hiện bởi liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.
Đội khoan hầm tập trung cao độ trong lúc làm việc.
Sau hơn 1 tháng thi công, hầm Phượng Hoàng phía Tây đã khoan được hơn 41m dài. Ngoài hầm Phượng Hoàng, trong gói thầu XL01 còn có 10 cầu. Do đó, ngoài 2 mũi thi công hầm Phượng Hoàng, nhà thầu còn triển khai đồng loạt 10 mũi thi công (5 mũi thi công đường và 5 mũi thi công cầu, đường), để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Những mét đường hầm đầu tiên.
Theo Ban điều hành gói thầu XL01, đến thời điểm này, nhà thầu đã thực hiện được sản lượng 80,5/3.083 tỷ đồng (đạt 2,6%).
Kế hoạch đặt ra đến 31/12/2024 sản lượng thực hiện đạt 19%, dự kiến gói thầu được hoàn thành vào tháng 6/2027.
Ông Nguyễn Thanh Tú - Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu XL01, cho biết, nhà thầu đang gặp 3 khó khăn chính gồm: Vị trí bãi thải đổ vật liệu không thích hợp, điện, nguồn cát thi công.
Theo tính toán, trong gói thầu sẽ có tới 2,1 triệu m 3 vật liệu không thích hợp. Nhà thầu đã khảo sát, hoàn tất thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 3 vị trí bãi thải.
Ông Tú thông tin thêm, tổng phụ tải của ngành điện Đắk Lắk hiện mới đáp ứng 1 phần thi công. Ngoài ra, theo tính toán của nhà thầu, cần lượng lớn nguồn cát để phục vụ xây dựng công trình.
Hình hài hầm Phượng Hoàng đã hình thành.
Ông Ngô Hữu Khoa – Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01, cho biết, vướng mắc về nguồn điện ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện gói thầu. Để đảm bảo tiến độ, các nhà thầu đã chủ động tự bỏ kinh phí đầu tư hệ thống đường dây 22kV và các trạm biến áp phục vụ thi công. Nhưng sau nhiều tháng hoàn thành, các trạm biến áp đến nay vẫn chưa được đóng điện. Nhiều máy móc thiết bị, cụm sản xuất vật liệu phải sử dụng máy phát điện để thi công, gây phát sinh phụ phí rất lớn cho nhà thầu.
Công nhân trên công trường chuẩn bị giàn sắt để đưa vào hầm.
Theo tính toán, tổng nhu cầu phụ tải của các nhà thầu trong dự án thành phần 2 khoảng 20,6Mw. Tuy nhiên, khi Công ty điện lực Đắk Lắk kiểm tra, phụ tải còn cấp được của đường dây cung cấp điện cho dự án chỉ khoảng 6,4Mw.
Do đó, nhà thầu rất mong tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn trên để tranh thủ thời tiết nắng ráo tổ chức thi công thuận lợi trước khi mùa mưa tới.
Một khoan đường tại gói thầu XL01.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án khoảng 116,577km, được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 18/6/2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Dự án được chia làm 3 thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư và dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk thực hiện.
Với chiều dài 3.200m nối hai tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định, sau khi hoàn thành, hầm số 3 sẽ là hầm đường bộ dài nhất dự án cao tốc Bắc Nam và là hầm đường bộ dài thứ 3 của cả nước sau Hải Vân và Đèo Cả.
Nguồn: [Link nguồn]