Hình ảnh xúc động nhất 2016: Mẹ từ chối chữa ung thư để cứu con
Năm 2016 khép lại, dù có rất nhiều sự kiện y tế nổi bật nhưng có lẽ hình ảnh Thiếu úy công an Đậu Thị Huyền Trâm bị ung thư phổi giai đoạn cuối từ chối điều trị ung thư, dành sự sống cho con để lại nhiều dấu ấn nhất.
Cuộc chiến của sản phụ bị ung thư phổi
Chị Đậu Thị Huyền Trâm phát hiện mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối khi đang mang thai tuần thứ 19. Chị đã kiên quyết từ chối điều trị để mong giọt máu của mình được lớn lên từng ngày.
Ngày 10/7 vừa qua, các bác sĩ đã mổ bắt con cho chị Trâm khi chị có biểu hiện suy hô hấp nặng, nếu không được mổ thai ngay sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Cháu bé cất tiếng khóc chào đời khi vừa tròn 29 tuần, được bố mẹ đặt tên ở nhà là bé Gấu.
11 ngày sau khi sinh, chị Trâm được các bác sĩ Bệnh viện K đưa đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để thăm con... Đây cũng là lần cuối cùng hai mẹ con được gặp mặt nhau.
Trưa 26/7, gia đình đã đưa chị Trâm về Hà Tĩnh trong vòng tay của bạn bè, đồng đội. Dù còn nhiều tiếc nuối nhưng có lẽ người mẹ này đã toại nguyện khi quyết tâm không điều trị ung thư để nhường lại sự sống cho con. Hiện bé Gấu đã được 5 tháng tuổi và khỏe mạnh, ở cùng với người cha nghị lực, kiên cường.
Virus Zika bùng phát và không ngừng gia tăng
Năm 2016, lần đầu tiên virus Zika bùng phát và không ngừng gia tăng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tính đến thời điểm này, cả nước có 128 người mắc Zika, trong đó TP.HCM vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm bệnh nhất. Đáng chú ý, TP.HCM đã có 17 thai phụ mắc Zika. Cho đến thời điểm này ngành y tế vẫn chưa thể kiểm soát virus Zika.
Các chuyên gia khuyến cáo, những phụ nữ nhiễm virus Zika ở 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ sinh con mắc hội chứng đầu nhỏ cao hơn. Vì thế, cộng đồng không nên lo lắng quá mức về việc phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika có nguy cơ sinh con mắc hội chứng đầu nhỏ.
Trong khi đó, trên thế giới, tình hình dịch bệnh do virus Zika vẫn diễn biến phức tạp. Hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 12 quốc gia ghi nhận trường hợp nhiễm từ người sang người như: Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha,…
Tại các nước khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận sự lưu hành virus Zika tại 7/10 quốc gia, đặc biệt tại một số nước như Singapore (442 ca nhiễm), Thái Lan (trên 200 ca nhiễm), Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia; các trường hợp mắc chủ yếu mang tính đơn lẻ không bùng phát thành dịch lớn.
WHO cảnh báo dịch Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.
Việt Nam sản xuất được vắc-xin sởi- rubella
Năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vắc-xin sởi – rubella. Đây là vắc-xin phối hợp đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường Năng lực sản xuất vaccine phối hợp sởi – rubella” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.
Trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc- xin và Sinh phẩm Y tế sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm, để có thể cung cấp vaccine phối hợp sởi-rubella cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam dự kiến từ năm 2017.
Bé gái đầu tiên ra đời nhờ mang thai hộ
Tháng 6/2014, Quốc hội chính thức thông qua quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là quy định mang tính nhân đạo, đưa những người không có tử cung, từ tuyệt vọng đến hy vọng có con.
Theo Bộ Y tế, quy trình mang thai hộ rất đơn giản. Bệnh viện sẽ tư vấn những điều kiện được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Khi các cặp vợ chồng có đủ hồ sơ pháp lý, bệnh viện sẽ thực hiện kỹ thuật này.
Theo đó, tháng 1/2016, Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã mổ cho sản phụ đầu tiên mang thai hộ. Cháu bé ra đời khỏe mạnh, nặng 3,6 kg.
Kinh phí cho trường hợp này bằng chi phí như thụ tinh trong ống nghiệm thông thường nhưng trường hợp này dùng lượng thuốc cao hơn nên chi phí cao hơn (khoảng 60 triệu đồng).
Nước uống C2, Rồng đỏ nhiễm chì
Lần đầu tiên Bộ Y tế thanh tra một loạt các sản phẩm nước ngọt đóng chai. Theo đó, tháng 5/2016, Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu lưu thông đối với 3 lô sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH URC Hà Nội, địa chỉ tại Lô CN 2.2 khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, huyện Thạch Thất, Hà Nội vì lý do hàm lượng chì không đạt theo tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Với vi phạm này, Công ty URC Hà Nội bán 2 lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2, và nước tăng lực Rồng đỏ bị phạt 5,826,867,000 đồng tiền phạt vì vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
Gần 7.000 người đăng ký hiến tạng
Một trong những thành tựu nổi bật của ngành y tế trong lĩnh vực hiến ghép tạng của năm 2016.
Năm 2014 số người đăng ký hiến tạng sau khi chết là 265 người. Năm 2015 số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não tính là 3.542 người.
Năm 2016, Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia vận động, đẩy mạnh phong trào hiến tạng, mô, bộ phận cơ thể người nên số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não tính là 6.659 người.