Hiểu đúng về việc tưới nhớt trên rau muống

Ngày 12-1, ông Dương Đức Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM, phát biểu về việc báo chí đăng tải thông tin ‘rau muống tưới nhớt’.

Theo ông Trọng, điều này khiến không ít người cho rằng nhớt được tưới trực tiếp lên rau muống trước khi thu hoạch. “Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn sai, bởi tưới nhớt lên rau muống sẽ làm cháy lá, hư cọng, không bán được” - ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, mục đích người trồng rau muống sử dụng nhớt là để diệt rầy, vừa hiệu quả vừa đỡ tốn chi phí. Rau muống được trồng theo lô, trên diện tích rộng. Chu kỳ thu hoạch hơn 20 ngày. Sau khi thu hoạch phần rau non, người trồng bơm nước ngập vào lô rồi nhiễu nhớt xuống. Khi nhớt loang rộng thành váng, người trồng dùng cây gạt những con rấy bám trên gốc rau muống xuống. Gặp nhớt, cánh rầy bị dính lại, rầy sẽ chết.

Vài tiếng sau, người trồng tháo nước, nhớt cũng trôi ra ngoài. Người trồng tiếp tục cắt cọng rau muống sát phần gốc, gom bỏ rồi bơm nước vào. Cứ thế, nước được thay thế liên tục. Do nhớt chỉ được sử dụng lần đầu nên dần dần thoát ra ngoài mỗi khi tháo nước. Vì vậy, rau muống non phát triển rất hiếm bị dính nhớt.

Hiểu đúng về việc tưới nhớt trên rau muống - 1

Thùng nhớt của một hộ trồng rau muống nước bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: Chi cục BVTV TP.HCM

TP.HCM hiện có 1.000 hộ trồng rau muống nước với tổng diện tích gần 650 ha, tập trung ở xã Bình Mỹ (Củ Chi), phường Thạnh Lộc và phường Thạnh Xuân (quận 12). Trong đợt kiểm tra cao điểm vào đầu tháng 12-2015, Chi cục BVTV TP.HCM lấy 20 mẫu rau muống nước kiểm định 174 hoạt chất thuốc BVTV và tám chỉ tiêu kim loại nặng, trong đó có chì.

“Chì là thành phần chủ yếu trong nhớt thải. Tuy nhiên, kết quả kiểm định không phát hiện hàm lượng chì trong rau muống. Riêng các chỉ tiêu Asen, đồng, kẽm, mặc dù hiện diện trong rau nhưng không vượt mức giới hạn tối đa cho phép” - ông Trọng nói.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng phòng Quản lý An toàn thực phẩm Chi cục BVTV TP.HCM, do thiếu hiểu biết nên vẫn còn người sử dụng nhớt để diệt rầy trên rau muống. “Đặc tính của nhớt là nóng, dễ làm rụi gốc rau muống trong vòng một năm. Trong khi đó, nếu sử dụng chất bám dính (được phép sử dụng, giá khoảng 15.000 đồng/lít) để diệt rầy sẽ rất hiệu quả và hai năm sau gốc rau muống mới hư” - bà Thoa hướng dẫn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN