'Hiệp sĩ' vẫn tay không bắt cướp
Không hưởng lương, không được trang bị công cụ hỗ trợ… chỉ với đôi bàn tay và lòng dũng cảm, các “hiệp sĩ” đã lao vào hiểm nguy để giữ bình an cho phố phường.
Nhóm "hiệp sĩ" khống chế được các đối tượng hung hãn.
Việt Nam chưa có quy định cho phép “hiệp sĩ” được trang bị công cụ hỗ trợ để trấn áp tội phạm. Đó cũng là một trong những thiệt thòi mà “hiệp sĩ” chưa được hưởng, dù rằng công việc họ đang làm không khác gì những trinh sát công an thực thụ. “Anh em “hiệp sĩ” không được trang bị công cụ hỗ trợ, áo giáp và những thứ khác để thuận lợi trong việc bắt cướp. “Hiệp sĩ” không chỉ bắt cướp mà còn trấn áp các đối tượng phạm tội nguy hiểm khác. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ sử dụng duy nhất đôi bàn tay nên độ nguy hiểm càng lớn”, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải - Đội trưởng một Câu lạc bộ (CLB) Phòng chống tội phạm Bình Dương nói.
Theo lời các “hiệp sĩ”, họ nhận thức rất rõ việc phải đối mặt với nguy hiểm, có khi thiệt mạng trong gang tấc mỗi lần tiếp cận và truy bắt kẻ phạm tội. Bởi, các đối tượng rất manh động, luôn thủ vũ khí để tấn công khi bị cản trở, trong khi đó, “hiệp sĩ” lại chỉ đôi bàn tay không. “Hiệp sĩ” Lương Hóa ở Bình Dương nói: “Xác định phải đối mặt với tội phạm là rất nguy hiểm nên mỗi khi tiếp cận chúng, tôi và các “hiệp sĩ” khác quan sát kỹ, nắm rõ tình hình. Khi áp sát thì không để chúng có cơ hội ra tay. Nếu chúng còn cơ hội “phản đòn” tức là mối đe dọa tính mạng của mình càng lớn vì chúng có vũ khí còn mình chẳng có gì”.
Cũng vì tay không bắt giặc mà nhiều “hiệp sĩ” đã bị thương khi cướp tấn công lại. Câu chuyện xảy ra với các “hiệp sĩ” ở Tân Bình, TPHCM làm 5 người thương vong là bài học đau xót. Theo “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, sau vụ án mạng đầy thương tâm ấy, nhiều người nói rằng có thể các “hiệp sĩ” thiếu kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống chưa tốt, không có võ thuật… nên để tội phạm tấn công. Nhưng cũng có người cho rằng, trong trường hợp ấy, nếu “hiệp sĩ” được trang bị công cụ hỗ trợ thì sự việc sẽ khác.
Tất cả những nhận định của dư luận đều có lý, bởi “hiệp sĩ” hành hiệp chỉ với đôi bàn tay cùng với lòng dũng cảm và một bản năng sinh tồn. “Khi đối diện với tên cướp, cảm giác tôi lúc ấy như đang đối mặt giữa sự sống và cái chết. Chỉ có sự căm ghét tội phạm, tôi mới đủ dũng khí để quật ngã chúng. Lắm lúc, tôi cũng có cảm giác lo sợ khi đối mặt với kẻ phạm tội vì sau lưng tôi còn những người thân. Và rồi, tôi lại nghĩ có thể kiếp này mình sinh ra để đi bắt cướp”, “hiệp sĩ” Hải chia sẻ.
Khi còn cướp thì còn trăn trở
Nguyễn Thanh Hải cho biết, đã có nhiều đêm trằn trọc không ngủ được khi chưa tìm lại được tài sản cho nạn nhân. “Nghe xong điện thoại cầu cứu của nạn nhân nhiều lần tôi không kìm nén được cảm xúc. Họ vừa nói vừa khóc rằng, chiếc xe máy vừa mua trả góp nhưng bị cướp giờ không còn phương tiện để đi làm. Lúc ấy, tôi chỉ biết cố gắng tìm đủ cách để tìm cho được tài sản về cho họ”, anh Hải bộc bạch.
Nhớ lại những lần truy bắt cướp, “hiệp sĩ” Hải nói có lần truy đuổi cướp bằng xe máy với tốc độ cao dù rất nguy hiểm nhưng cứ sợ đối tượng chạy thoát nên cố gắng theo đến cùng. Cũng vì thế, đã rất nhiều lần “hiệp sĩ” bị tên cướp liều mình chèn ép xe té ngã bị thương tích. Mỗi lần “hiệp sĩ” gặp nạn, nhiều người nghĩ có thể họ sẽ chùn bước, nghĩ cho bản thân để tránh liều mình. Thế nhưng, hầu hết các “hiệp sĩ” ở đây những lần gặp nạn họ càng bức xúc hơn và cố tìm bắt cho bằng hết cướp giật.
Tâm sự với PV Tiền Phong sau một ngày mệt mỏi truy bắt cướp, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải nói rằng, khi còn tội phạm cướp giật thì anh em “hiệp sĩ” còn nhiều trăn trở, chưa yên lòng. Thế nên, dù ở hoàn cảnh, thời gian nào trong đầu các “hiệp sĩ” vẫn không thôi nghĩ về những tên cướp còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Với các “hiệp sĩ” , cướp là “kẻ thù” số 1 của họ.
Liên quan hoạt động phòng chống tội phạm của “hiệp sĩ”, Thượng tá Hà Văn Thanh - Phó Trưởng phòng Phong trào Công an tỉnh Bình Dương cho biết, tại tỉnh Bình Dương có đến 91 CLB Phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, đội “hiệp sĩ” do anh Nguyễn Thanh Hải làm đội trưởng hoạt động mang tính chuyên nghiệp và hiệu quả nhất. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất trang bị áo giáp cho các anh em để họ phòng thân, để đảm bảo tính mạng”, ông Thanh nói. Theo luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng văn phòng luật sư Người nghèo, mô hình “hiệp sĩ đường phố” đã có một số hiệu quả được xã hội ghi nhận nên cũng cần duy trì, khuyến khích nhưng để mô hình “hiệp sĩ đường phố” hoạt động hiệu quả, an toàn, đúng pháp luật thì cần có điều lệ tiêu chuẩn rõ ràng để tuyển chọn thành viên. Cần có các chuyên gia pháp lý, tâm lý, điều tra hỗ trợ và đào tạo các kỹ năng, kiến thức pháp luật để đánh giá được các tình huống cần giúp đỡ, tránh những trường hợp “hiệp sĩ” hành động vượt quá chức năng, nhiệm vụ dẫn đến vi phạm pháp luật. |
Hiện nay tại TPHCM xuất hiện nhiều mô hình “hiệp sĩ đường phố” hoạt động săn bắt cướp,... Tuy nhiên các mô hình...