Hiệp sĩ cứu người mất phanh ở Tam Đảo: "Khi tôi cứu, có người tưởng cướp!"
Cứu thành công 3 người đi xe máy đổ đèo Tam Đảo bị mất phanh, báo chí gọi anh Chiến là “hiệp sĩ”, “người hùng”. Nhưng ít ai biết, anh đã nhiều lần làm người hùng bất đắc dĩ như thế.
Anh Đinh Văn Chiến, 36 tuổi, trú tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được thư khen của Chủ tịch nước sau khi cứu tính mạng 3 người đi xe máy mất phanh trên đèo Tam Đảo chiều 29/5.
Cộng đồng mạng gọi anh là người hùng. Clip về cuộc giải cứu nghẹt thở được chia sẻ cực nhanh với cả triệu lượt like (ưa thích) trên mạng xã hội. Hình ảnh anh Chiến tăng ga đuổi theo chiếc xe mất phanh để cứu người, một tay nắm đuôi xe gặp nạn, một tay gồng tay lái bóp phanh… khiến nhiều người sững sờ.
Nhiều bình luận cho rằng người bình thường không ai phản ứng được như thế.
Sự bình tĩnh, quyết đoán trong xử trí của anh Chiến đã ghìm giữ được chiếc SH sau khi đâm vào đuôi xe 29 chỗ, đang lao xuống dốc vùn vụt trong sự hoảng loạn của người lái và hai người ngồi phía sau.
Mà thực ra, đúng là anh Chiến không phải “người bình thường”. Anh đã cứu không ít người rơi vào tình huống như vậy mà không bao giờ kể công hay nhận lợi lộc gì.
Hỏi vì sao, anh Chiến nói “việc này bình thường, nếu không có camera hành trình của ô tô đi sau ghi lại, có nói cũng chả ai tin. Thực ra tôi không để ý mọi người nói gì vì từ trước đến giờ tôi đã giúp nhiều người bị mất phanh như vậy”.
Ngồi đối diện chúng tôi, anh Chiến khăng khăng nói việc mình làm không có gì đặc biệt. Lần này cũng như nhiều lần khác, hẳn cũng không ai biết đến anh nếu không có đoạn clip được đăng tải trên mạng.
Vì kinh tế khó khăn, mấy năm đầu tư trồng lan và làm nhiều việc khác nhưng không thành công, vài năm gần đây anh lên khu du lịch Tam Đảo bán hàng nước. Nhiều lần gặp người hỏng xe khi đi đường đèo không có người sửa chữa nên anh quyết định đi học sửa xe và bắt đầu công việc mới.
Việc vất vả nhưng cũng tạm đủ chi tiêu. Ngoài việc vá xăm, thay má phanh, sửa chữa hỏng hóc thông thường, anh Chiến hầu như không bỏ qua một tình huống nào người đi đường cần anh hỗ trợ.
Anh Chiến vui vẻ kể: “Xe mất phanh khi đổ đèo không hiếm. Có lần tôi phát hiện đuổi theo, ghì xe gặp nạn dừng lại bên đường, lúc an toàn rồi người gặp nạn còn không biết mình vừa rơi vào tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”.
Chỉ khi tôi bóp hai phanh rồi dắt xe trôi dốc họ mới tin”. Thậm chí có người quá bất ngờ, tưởng bị cướp. Thấy có người túm lấy xe, phản ứng đầu tiên là hốt hoảng rồi nghi ngờ sự giúp đỡ của người lạ”.
Sau năm bảy lần cứu người kỳ lạ như vậy, thường là người sửa xe dạo sẵn đồ nghề lại thay luôn má phanh cho chiếc xe hỏng, nhận thù lao vừa phải và đường ai nấy đi. Câu chuyện cứu người không ai nhắc lại.
Một người quen biết anh Chiến chia sẻ, có thể do một thời đi lính đã trui rèn sự can đảm, quyết đoán cho người thanh niên này.
Do là gia đình chính sách (ông nội là liệt sỹ), lại neo người, có hoàn cảnh khó khăn nên anh Chiến không nằm trong danh sách thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự tại địa phương. Nhưng muốn nối tiếp truyền thống gia đình, anh nhiều lần viết đơn xin đi bộ đội.
Chị Nguyễn Thị Phượng, vợ anh Chiến tâm sự: “Sau khi xuất ngũ, chồng em làm nghề sửa xe dọc tuyến này cũng vài năm rồi. Em lo lắm, có lần suýt bị xe mất phanh lao vào. Nhiều lần kéo xe mất phanh không trôi dốc, tay cứng đơ, về mấy ngày không đỡ. Có đợt kéo xe phải vận động mạnh, lại bất ngờ nên đau lưng kéo dài”.
Lo cho chồng, chị Phượng gợi ý đổi công việc khác nhưng do không có vốn làm ăn nên anh Chiến vẫn ngày ngày đi sửa xe. Vừa làm vừa đưa đón con đi học. Gia đình chỉ đủ ăn nhưng vợ chồng đồng lòng, cả nhà luôn vui vẻ.
“Mấy ngày nay, em rất bất ngờ vì chồng được Chủ tịch nước viết thư khen”, chị Phượng khoe, không giấu được niềm vui trong ánh mắt.
Anh Chiến cũng chia sẻ, những ngày qua, nhất là sau khi anh được lên báo, lên ti vi, các thành viên trong gia đình anh đều rất vui. Nhất là 2 đứa con của anh do đang nghỉ hè nên ngày nào cũng đi khoe với các bạn trong xóm.
Ông Lưu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn, Tam Đảo ghi nhận đây không phải là lần đầu anh Chiến cứu được người và xe mất phanh trên đường đèo Tam Đảo. Ông Minh nói người sửa xe lưu động của xã là người có “tấm lòng vàng”.
Đại diện Công an huyện Tam Đảo cũng cho biết, việc làm của anh Chiến rất đáng trân trọng vì trên đèo Tam Đảo đã xảy ra nhiều TNGT thương tâm do xe mất phanh gây ra.
Với kinh nghiệm 7 năm làm nghề sửa xe máy lưu động trên đường đèo Tam Đảo, nói chuyện với phóng viên, anh Chiến nhắn nhủ mọi người không nên sử dụng xe tay ga, nhất là xe cũ, nhiều năm không được bảo dưỡng để đi đèo.
Xe máy phải thường xuyên bảo dưỡng, thay dầu phanh. Khi xảy ra sự cố, bắt buộc phải thả chân, lợi dụng chướng ngại vật trên đường tạo nên ma sát, tìm mọi cách cho xe di chuyển chậm và dừng lại để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Sau khi bất ngờ nổi tiếng, anh Chiến vẫn theo đuổi dự định bình dị của mình. Anh nói: “Tôi sẽ tiếp tục công việc sửa xe, chăm sóc gia đình, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi. Mình không làm được gì to tát thì cố sống thật tốt để làm gương cho các con, sau này lớn lên cũng thành người có ích cho xã hội”.
Đang lúc trò chuyện, anh Chiến nhận được điện thoại báo có người thủng xăm trên đèo Tam Đảo nên vội vã về ngay. Hành trang của người thợ sửa xe trên đèo Tam Đảo chỉ có mấy miếng vá, đôi má phanh, chiếc xăm xe, vài lít xăng, dầu... cùng đồ nghề và sự nhiệt tình đáng khâm phục.
Nguồn: [Link nguồn]