Hiếp dâm trẻ trai: Thiếu luật?
Cùng một hành vi hiếp dâm trẻ em, nếu nạn nhân là trẻ em gái, kẻ phạm tội sẽ đối mặt với khung hình phạt nặng: từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; nhưng khi nạn nhân là trẻ em trai, đối tượng sẽ “thoát”, cùng lắm chỉ bị kết tội dâm ô.
Tình trạng ngược đời này là do luật pháp chưa lường tới hay do không biết cách vận dụng luật?
Luật VN: không thể xử tội “hiếp dâm”?
Theo quy định của Bộ luật hình sự, mọi hành vi quan hệ tình dục với trẻ nữ dưới 13 tuổi (dù trẻ bị cưỡng bức hay đồng ý) đều cấu thành và bị xử lý về tội “hiếp dâm trẻ em”. Việc quy định trên nhằm bảo vệ sự phát triển bình thường của trẻ vì ở tuổi dưới 13, tâm sinh lý và nhân cách của trẻ em chưa phát triển đầy đủ.
Tuy nhiên, đối với trẻ nam bị lạm dụng, cưỡng ép quan hệ tình dục, cơ quan tố tụng lại không xử lý về tội danh hiếp dâm mà chuyển sang tội “dâm ô với trẻ em”, có khung hình phạt nhẹ hơn.
Thuận (trái) - một kẻ phạm tội tình dục với trẻ em trai - rao giá “đi khách” của bé trai ngồi bên cạnh là 2 triệu đồng vào chiều 8/10 tại một quán cà phê trên hương lộ 80B (P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) - Ảnh: N.Khải
Vướng quy định
Theo một kiểm sát viên cao cấp (viện kiểm sát xét xử phúc thẩm, Viện KSND tối cao), trong quy định về tội “hiếp dâm” thì khách thể bị xâm hại của tội danh này là quyền bất khả xâm phạm về tình dục, danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của người phụ nữ. Vì thế, chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là nam giới. Một số trường hợp nữ giới cũng có thể bị xử lý về tội này nhưng chỉ với vai trò đồng phạm giúp sức người nam thực hiện hành vi phạm tội. Thế nên, tội “hiếp dâm trẻ em” cũng là tội xử lý hành vi xâm phạm tình dục đối với trẻ nữ.
Thẩm phán Vương Văn Nghĩa, tòa hình sự TAND TP.HCM, cho biết từ trước đến nay tại TP.HCM chưa từng xét xử vụ “hiếp dâm trẻ em” nào mà nạn nhân là trẻ nam. Bộ luật hình sự tuy không quy định rõ “trẻ em” là trẻ nữ hay nam nhưng trong phần tội hiếp dâm có ghi “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ...”. Trong từ điển tiếng Việt, “giao cấu” được hiểu là sự giao tiếp của bộ phận sinh dục của giống đực với bộ phận sinh dục của giống cái, ở động vật, để thụ tinh. Khi ban hành Bộ luật hình sự, các nhà làm luật xây dựng điều luật xử hình sự những hành vi cưỡng ép giao cấu trái ý muốn. Mà phụ nữ, trẻ nữ thì mới có thể là đối tượng bị cưỡng ép.
Cần có văn bản hướng dẫn
Theo thẩm phán Nghĩa, cách quy định cụ thể dấu hiệu “giao cấu” trong Bộ luật hình sự đối chiếu với thực tế hiện nay đã có nhiều tình huống không phù hợp. Hiện nay, quan điểm về tình dục đã có nhiều thay đổi mà điều luật chưa lường hết, có những hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ tình dục không phải chỉ với cách tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục khác giới như cách hiểu về “giao cấu” trong từ điển tiếng Việt.
Để thống nhất trong xử lý hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, cần phải có văn bản hướng dẫn rõ cách hiểu về dấu hiệu “giao cấu” bao hàm cả những hành vi tình dục đồng giới không?
Bên cạnh đó, theo thẩm phán Nghĩa, cũng cần có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý hành vi liên quan việc tổ chức môi giới, chứa mại dâm nam. Từ trước đến nay cơ quan tố tụng chỉ mới xử lý các hành vi liên quan việc môi giới, chứa chấp việc mua bán dâm đối với mại dâm nữ. Thực tế có cả những đường dây mại dâm nam nhưng không thể vận dụng các điều luật về các tội môi giới mại dâm, chứa mại dâm để xét xử những người có liên quan cũng vì cách hiểu người làm mại dâm chỉ có thể là nữ giới.
Nạn nhân không chỉ là nữ giới Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đường lối xử lý đối với hành vi lạm dụng tình dục đồng giới đối với trẻ nam. Tuy nhiên, theo tôi, vẫn có các điều kiện và căn cứ pháp lý để có thể áp dụng xử lý được hành vi nói trên theo tội hiếp dâm trẻ em. LS Phan Trung Hoài Luật các nước: trừng phạt nặng, theo dõi suốt đời Khổng Loan Nữ giáo viên bị kết tội ấu dâm |