Hiến xác: Nỗi vật vã sau từng lá đơn

Đằng sau mỗi lá đơn hiến xác gửi đến Trường ĐH Y dược TP.HCM là cả một cuộc đấu tranh lớn lao của những người trong cuộc.

Với truyền thống coi trọng “mồ yên mả đẹp”, việc hiến xác vẫn chưa được nhiều người Việt Nam thông hiểu và chấp nhận. Do vậy, cống hiến thân xác cho khoa học không phải là chuyện dễ dàng, đối với người tự nguyện lẫn gia đình của họ.

Nhiều năm thuyết phục gia đình

Lặng lẽ đứng nhìn những thi hài đã sẫm màu do ướp formon được trang trí bởi hạt giấy, hoa tươi, anh Trần Quốc Huy, 25 tuổi, đến từ Quận 1 chia sẻ: “Họ không phải người thân hay bạn bè tôi, nhưng từ nhiều năm nay tôi luôn có mặt tại buổi lễ tri ân những người hiến xác, thắp nén nhang cho những hy sinh thầm lặng mà cao cả”.

“Rồi tôi cũng sẽ nằm đây cùng họ khi tim mình ngừng đập”, anh Huy nói. Cách đây hai năm anh đã làm đơn hiến xác cho y học. Anh Huy kể, ban đầu khi biết được điều này trong gia đình không ai ủng hộ. Bố mẹ phân tích: Thân xác con có được cũng là một phần bố mẹ, anh chị em trong gia đình nuôi nấng, nên sống đâu chết đó. Dù không biết gì nữa, nhưng thân xác con bị người khác mổ xẻ, quan sát như thế người sống sẽ đau lòng.

Hiến xác: Nỗi vật vã sau từng lá đơn - 1

Tìm hiểu thông tin hiến xác cho y học tại Trường ĐH Y dược TP.HCM

“Ý kiến của người thân trong gia đình không sai, nhưng tôi vẫn giữ quyết tâm hiến xác của mình”, anh Huy nói. Sau nhiều lần thuyết phục rằng “thân xác khi mất đi cũng thành đất, thành tro, còn đem hiến cho y học, sẽ giúp ích cho việc cứu người, vài ba năm sau thành tro bụi cũng không phải muộn…”, anh Huy rủ người thân trong gia đình cùng đi dự lễ tri ân người hiến xác. Trước quyết tâm của mình, thấy được sự trân trọng của các nhà khoa học, sinh viên hơn hai năm sau gia đình anh Huy mới đồng ý với tâm niệm của anh khi nằm xuống.

Bối rối vì cháu quyết giữ thi thể bà

Biết mình không thể qua khỏi với căn bệnh ung thư gan, bốn tháng trước khi mất, mẹ của chị Y Phi Thảo đã làm đơn hiến xác cho y học tại Trường ĐH Y dược TP.HCM. Mẹ chỉ có mỗi mình chị Thảo là con, dù biết ý định của mẹ có từ gần chục năm trước đó, nhưng khi biết mẹ quyết định, chị không dễ chấp nhận.

“Mẹ chết cũng vì căn bệnh mà y học dù phát triển nhưng cũng đành bó tay. Do vậy, mẹ muốn dùng thân xác mình để y học tìm hiểu, nghiên cứu nguyên nhân để những người mắc bệnh như mẹ sau này có cơ may được cứu sống”, trước những lời giải thích của mẹ, chị Thảo đã hiểu ra và đồng ý.

Hiến xác: Nỗi vật vã sau từng lá đơn - 2

Phòng nhận hiến thi hài ngay hôm nay được nhiều người tìm đến

Đến ngày mẹ chị Thảo mất tại bệnh viện Chợ Rẫy, thi thể được đội tiếp nhận đến chuyển về Trường ĐH Y dược TP.HCM. Lúc này con gái chị Thảo mới 15 tuổi dù đã biết tâm niệm của bà ngoại, nhưng nhất định không đồng ý cho chuyển thi thể bà đi, mà chỉ khóc đòi đưa về nhà. Người thân trong gia đình, bác sĩ phải giải thích cho bé hiểu bé mới thôi giữ bà để đội tiếp nhận thi thể mang bà đi.

Có mặt tại bệnh viện trong ngày lễ tri ân những người hiến xác cho y học, chị Thảo hiểu ra sự trân trọng, thành kính của các nhà khoa học, sinh viên với thi thể đang được hiến xác, chị Thảo cho biết, mình cũng sẽ làm đơn hiến xác, nhưng trước mắt phải giải thích cho đứa con gái duy nhất của chị hiểu ra việc làm cao đẹp này.

Quyết định không báo trước

Sinh ra tại Campuchia, bà Lê Thị Hoàng Oanh năm nay 66 tuổi, đã một lòng theo Cách mạng từ thuở bà mới 18 tuổi. Sau ngày đất nước thống nhất, bà được điều về công tác tại văn phòng phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP.HCM.

Hiến xác: Nỗi vật vã sau từng lá đơn - 3

Sinh viên ngành y thắp nhang tri ân những người đã hiến xác cho khoa học

Bà Oanh kể về quyết định hiến xác của mình, trong một lần đi cùng người bạn làm bác sĩ và chứng kiến người bạn thân mất trong một vụ tai nạn, bà suy nghĩ giữa sự sống và cái chết. Trong chiến tranh bom đạn của địch không làm mình ngã xuống. Nếu chẳng may trúng phải bom B52 thì còn đâu là thân xác, vậy tại sao giờ không chọn một cái chết có ý nghĩa.

Suy nghĩ vậy bà Oanh làm đơn hiến xác cho y học và chỉ báo cho chồng khi việc đã xong. Khi nghe bà nói, ông không buồn mà ngay buổi chiều hôm đó cùng bà đến làm đơn hiến xác của mình. Hai năm trước đây ông mất và thi hài của ông được Trường Đại học Y dược TP.HCM giữ lại như mong muốn của ông lúc còn sống để phục vụ cho khoa học.

Tại buổi lễ tri ân, bà Oanh cùng em chồng lần giở từng kỷ niệm về người đã khuất với phóng viên. “Đến một ngày nào đó tôi cũng theo ông ấy vào đây góp một phần nhỏ bé của của mình vào việc phát triển khoa học cứu người”, bà Oanh tâm sự.

Đến nay, Trường Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận 18.421 người đăng ký hiến xác bao gồm đủ các thành phần như: công an, bộ đội, trí thức, công nhân, cán bộ hưu trí, thương nhân, nông dân, sinh viên, học sinh, tu sĩ… Trường đã tiếp nhận và bảo quản tổng cộng 514 thi hài, phục vụ hiệu quả cho công tác giáo dục và nghiên cứu khoa học trong nhà trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Ngọc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN