Hiện vật di tích lịch sử "nằm trong kho doanh nghiệp" suốt 10 năm

Sự kiện: Tin ngắn

Suốt 10 năm qua, những hiện vật còn lại của Cầu treo Bến Tắt - di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt Đường Hồ Chí Minh, dường như bị quên lãng, nằm ngổn ngang trong khuôn viên doanh nghiệp.

Ngày 25-8, ông Lê Minh Tuấn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, cho biết đơn vị đang yêu cầu các phòng nghiệp vụ, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh tham mưu phương án cụ thể để đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh sớm đưa hiện vật Cầu treo Bến Tắt về quản lý, bảo vệ.

Theo tìm hiểu, Cầu treo Bến Tắt (huyện Gio Linh) được xây dựng hoàn thành vào tháng 11-1974, là chiếc cầu duy nhất bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải nhằm tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển hàng hóa, vũ khí và cơ động lực lượng cho chiến trường miền Nam.

Sau 10 năm, những hiện vật còn lại của di tích Cầu treo Bến Tắt vẫn nằm trong khuôn viên doanh nghiệp

Sau 10 năm, những hiện vật còn lại của di tích Cầu treo Bến Tắt vẫn nằm trong khuôn viên doanh nghiệp

Cầu dài hơn 100 m, rộng 6 m, có sức tải cho xe 10 tấn. Cầu treo Bến Tắt được đánh giá là chiếc cầu hiện đại nhất trên tuyến đường Trường Sơn thời bấy giờ.

Năm 2005, cây cầu lịch sử này bị lũ cuốn trôi, hầu hết kết cấu của cầu bị đẩy xuống lòng sông. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau đó đã đầu tư gần 22,5 tỉ đồng nhằm phục dựng lại di tích Cầu treo Bến Tắt.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, năm 2012, trong thời gian thi công, phục hồi di tích Cầu treo Bến Tắt, nhằm có mặt bằng triển khai, đơn vị thi công là Công ty CP C.H.Th (có trụ sở tại TP Đông Hà, Quảng Trị) đã chủ động vận chuyển toàn bộ kết cấu thép của di tích Cầu treo Bến Tắt về kho của công ty tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà. Đồng thời, công ty này chọn lựa 20% cấu kiện thép dầm còn khả năng tái sử dụng vào công trình phục hồi.

Số hiện vật cầu treo Bến Tắt sau khi sử dụng còn lại 20 thanh dầm dọc (I370 dài 12,2m), 20 thanh dầm ngang (I480 dài 6,4m), 1 hộp trụ cổng (kích thước 1,2m x 6,75m), 1 trụ cổng (I580 dài 6,4m), 1 trụ cổng (I480 dài 10,2m) và 2 cuộn dây cáp chủ. Tuy nhiên, sau 10 năm, những hiện vật này vẫn để trong khuôn viên của công ty CP C.H.Th.

Theo đại diện công ty này, những năm qua phía công ty đã nhiều lần đề xuất ngành Văn hóa tỉnh Quảng Trị có biện pháp thu hồi, đưa những hiện vật Cầu treo Bến Tắt về nhằm trả mặt bằng cho công ty. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được hồi đáp phương án cụ thể. 

Phía công ty cũng đề xuất có phương án hỗ trợ số tiền trông coi, bảo vệ cũng như chi phí vận chuyển các hiện vật này ở thời điểm trước…

Sau ngày đất nước thống nhất, Cầu treo Bến Tắt vẫn tiếp tục sứ mệnh trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Với vai trò và giá trị lịch sử quan trọng ấy, Cầu treo Bến Tắt được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1986 và Cầu treo Bến Tắt là một trong điểm di tích thành phần được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013.

Tháo dỡ công trình khách sạn xâm phạm di tích quốc gia Bàu Trắng

Lãnh đạo Bình Thuận đã chỉ đạo xử lý và bước đầu đã buộc chủ khách sạn tháo dỡ cây cầu dẫn ra hồ nước và trả lại hiện trạng ban đầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bài và ảnh: Đức Nghĩa ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN