Hiện trạng ngôi nhà nặng 500 tấn ở Nam Định được 'thần đèn' di dời sang vị trí mới ra sao?
Sau nhiều tháng triển khai, một ngôi nhà hai tầng ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định được "thần đèn" di dời đến vị trí mới và thực hiện các bước còn lại.
Theo tìm hiểu của PV, ngôi nhà 2 tầng đáng ra bị dỡ bỏ song một người ở Nam Định đã mua lại và thuê "thần đèn" di dời, né đường điện 500kV, giữ nguyên kết cấu. Chủ nhân ban đầu của ngôi nhà này là anh Dũng, người dân ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Thông tin với báo chí, theo lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nghĩa Hưng, ngôi nhà di dời nằm trong hành lang an toàn của dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định, thuộc diện phải giải tỏa. Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã hoàn tất, gia đình anh Dũng đã chuyển đến nơi ở mới.
Kết cấu ngôi nhà trong diện giải tỏa được anh Nguyễn Văn Thuế mua lại và thuê “thần đèn” di dời ra khỏi vị trí cũ, trả mặt bằng để thực hiện dự án
Sáng ngày 13/4/2024, ghi nhận của PV Gia đình và Xã hội, ngôi nhà nêu trên đã được "thần đèn" di dời đến vị trí mới và đang thực hiện các công đoạn làm móng nhà mới.
Một hệ thống móng đang được các công nhân thực hiện, ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn kết cấu.
Ngôi nhà hiện vẫn còn đang chống bằng hệ thống bơm kích thủy lực để xây dựng các hạng mục khác tiến đến hoàn thiện.
Theo anh Thuế (người mua lại kết cấu nhà) chia sẻ với báo chí, căn nhà có thiết kế hiện đại, kiên cố và mới đưa vào sử dụng được 3 tháng, nếu dỡ bỏ thì rất lãng phí. Vậy nên, anh quyết định mua lại “xác” ngôi nhà, sau đó thuê “thần đèn” dời nhà sang lô đất nhà mình, cách đó khoảng 100m.
Sau khi tìm hiểu thông tin, anh Thuế liên hệ đội “thần đèn” Phước Lễ ở tỉnh Đồng Tháp. Khảo sát qua về địa hình, địa chất ngôi nhà, đội "thần đèn" đã nhận lời di chuyển công trình này. "Việc di dời nhà mà không phải đập bỏ tiết kiệm được một khoản tiền lớn so với xây mới. Xây một căn nhà mới với diện tích như thế chi phí khoảng 2 tỷ đồng, trong khi thuê "thần đèn" di dời hết 600 triệu đồng. Làm thêm móng mới, tôi vẫn tiết kiệm được trên dưới nửa tỷ" - chủ mới ngôi nhà này chia sẻ.
Theo anh Phạm Phước Lễ (đội trưởng đội “thần đèn”) chia sẻ, căn nhà có kết cấu 2 tầng, diện tích mặt sàn 128m2, nặng khoảng 500 tấn. Căn nhà này cần xoay 180 độ so với hướng ban đầu nên chi phí cao hơn những căn chỉ cần di dời từ điểm A đến điểm B.
Để di dời một ngôi nhà, trước tiên phải kích nó lên do hạ tầng móng nằm sâu dưới lòng đất. Trước khi kích, cần gia cường, xử lý phần điểm tựa cho ngôi nhà. Sau đó, cắt từng trụ móng, dùng kích thủy lực tôn ngôi nhà lên khỏi mặt đất để đưa hệ thống ván gỗ và con lăn vào phục vụ việc di dời.
Để di dời một ngôi nhà, trước tiên phải kích nó lên do hạ tầng móng nằm sâu dưới lòng đất. Trước khi kích, cần gia cường, xử lý phần điểm tựa cho ngôi nhà. Sau đó, cắt từng trụ móng, dùng kích thủy lực tôn ngôi nhà lên khỏi mặt đất để đưa hệ thống ván gỗ và con lăn vào phục vụ việc di dời.
Tiếp theo, nhóm thợ sử dụng xi lanh thủy lực đẩy các con lăn đã được bố trí đồng đều ở các vị trí để dịch chuyển ngôi nhà, giảm sức kéo của con người. Trong quá trình kéo, đội thợ phải liên tục gia cố, kiểm tra gỗ chèn dưới các trụ nhà và các con lăn. Nếu di chuyển đường thẳng, mỗi ngày tốc độ trượt được khoảng 20m, còn di chuyển góc xoay thì mỗi ngày ngôi nhà “đi” được khoảng 6m.
Khi gặp khúc cua, cần xoay ngôi nhà thì bố trí lại hệ thống ray, con lăn theo hình rẻ quạt rồi tiếp tục kéo. Quá trình này yêu cầu độ chính xác tuyệt đối. Khi đến sát phần móng nhà mới đã được chuẩn bị sẵn, ổn định vị trí, hướng nhà, đội thợ sẽ gia cố lại phần móng nhà cũ và căn chuẩn để đặt ngôi nhà vào vị trí móng mới một cách chính xác.
Theo các thợ "thần đèn", cái khó của nghề di dời nhà là phải tính toán để sử dụng công cụ chia lực hợp lý, không được dồn lực vào một điểm khiến kết cấu bị rạn nứt, lún, nghiêng, thậm chí sụp đổ, gây mất an toàn. Điều đặc biệt, để di dời cả công trình đồ sộ như vậy nhưng cả đội “thần đèn” thường chỉ có 5 - 6 người. Đây là những nông dân không trải qua bất cứ trường lớp đào tạo bài bản nào.
Họ chỉ dựa vào kinh nghiệm đã tích lũy được trong suốt nhiều năm làm nghề thợ xây và xử lý nhà bị nghiêng, sụt lún. Mỗi thành viên đội “thần đèn” đều có ít nhất từ 10-20 năm kinh nghiệm. Tất cả thiết bị phục vụ việc di dời nhà đều do các thành viên trong đội tự sáng tạo ra. Mọi thao tác kỹ thuật cũng được “kỹ sư nông dân" này tính toán hết sức cẩn thận.
Theo anh Lễ, đối với ngôi nhà đội anh thực hiện di dời tại xã Nghĩa Trung, việc tính toán phải chuẩn đến từng xăng-ti-mét. Phần vì phía trên là đường điện 500kV, cần di dời gấp để trả mặt bằng; phần vì để đến được vị trí mới phải đi qua khúc cua 90 độ và một căn nhà khác, qua sát mép bờ sông, nên nếu xảy ra sai sót, cả công trình sẽ đổ bể.
Trong quá trình di dời, vấn đề an toàn luôn được đội đặt lên hàng đầu. Chẳng hạn, kết cấu của một trụ móng có sức chịu lực 30 tấn sẽ được tăng sức chịu lực của từng trụ lên 60 tấn để đảm bảo ngôi nhà không bị nứt, sụt lún trong quá trình sử dụng sau này. Chi phí di dời tùy kết cấu nhà, quãng đường di chuyển. Nếu chỉ di dời đường thẳng, chi phí sẽ ít hơn so với việc phải xoay, đổi hướng cả ngôi nhà...
Hình ảnh trước đó "thần đèn" di dời ngôi nhà nêu trên về vị trí mới - (ảnh ST).
Việc di dời ngôi nhà do nằm trong hành lang an toàn của dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhóm "thần đèn" nâng cao ngôi nhà 400 tấn thấp hơn mặt đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân, TP.HCM lên cao 1m.