Hiện trạng hầm chui 120 tỉ tại Đà Nẵng liên quan Tập đoàn Thuận An
Hầm chui Điện Biên Phủ tại Đà Nẵng có tổng giá trị gói thầu 120 tỉ đồng, do Tập đoàn Thuận An liên danh với một nhà thầu khác thi công.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thuận An (gọi tắt là Tập đoàn Thuận An) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Hầm chui Điện Biên Phủ hiện đang sử dụng
Tập đoàn Thuận An, tiền thân là Công ty CP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An là đơn vị có nhiều dấu ấn trong ngành hạ tầng xây dựng.
Hầm chui Điện Biên Phủ trong ngày khánh thành 1-11-2017. Ảnh: TẤN VIỆT
Tại Đà Nẵng, công trình xây dựng nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương thuộc Dự án phát triển bền vững TP Đà Nẵng (sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới) khởi công ngày 29-12-2016.
Liên danh nhà thầu thi công là Công ty CP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An – Tổng Công ty Thăng Long với tổng giá trị gói thầu gần 120 tỉ đồng.
Hạng mục chính của công trình là hầm chui Điện Biên Phủ. Chiều dài tuyến hầm chui là 409 m, gồm hầm kín dài 80 m, hầm hở dài 180 m và đường dẫn dài 149 m.
Theo thời hạn hợp đồng, đến tháng 12/2017 dự án được hoàn thành. Tuy nhiên, để chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng (từ ngày 6 đến 11-11-2017), liên danh nhà thầu đã hoàn thành công trình trước thời hạn gần hai tháng, chính thức thông xe kỹ thuật vào ngày 1-11-2017.
Hầm chui Điện Biên Phủ nhiều lần ngập nước, xe cộ không thể lưu thông vào tháng 3-2018. Ảnh: TẤN VIỆT
Tuy nhiên, chỉ năm tháng sau khi đưa công trình vào sử dụng, hầm chui Điện Biên Phủ đã xuất hiện những bất cập đầu tiên. Ngày 19-3-2018, trời không mưa nhưng bên trong hầm chui ngập nước sâu khoảng 0,5 m, các phương tiện không thể lưu thông.
Nguyên nhân được lý giải là do áp lực mạch nước ngầm tại vị trí hố thu cao hơn mặt cắt bên trong lòng hầm nên khiến nước trào ngược lên. Lãnh đạo Đà Nẵng lập tức đi kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng) và nhà thầu phải xử lý dứt điểm.
Hầm chui Điện Biên Phủ chìm trong biển nước sau các trận mưa lớn, bão vào tháng 10-2022. Ảnh: TẤN VIỆT
Tuy nhiên đến ngày 30-4-2018, hầm chui Điện Biên Phủ tiếp tục ngập nước kéo dài nhiều giờ liền. Từ ngày 8 đến sáng 9-12-2018, hầm chui Điện Biên Phủ cũng bị ngập nặng khiến giao thông qua hầm bị tê liệt.
Tình trạng ngập nước tái diễn vào ngày 7-9-2022. Đỉnh điểm đến ngày 14-10-2022, hầm chui Điện Biên Phủ ngập sâu 4 m.
Máy bơm hút nước tại hầm chui Điện Biên Phủ vào tháng 10-2022. Ảnh: TẤN VIỆT
Nước ngập sâu đã khiến hệ thống bơm tự hành không thể hoạt động. Đơn vị vận hành phải huy động ba máy bơm, công suất mỗi máy 700 m3/giờ và mất hơn một ngày mới khắc phục xong sự cố.
Doanh nghiệp của bị can Nguyễn Duy Hưng trúng thầu gói thầu số 7, tại dự án xây dựng cầu Đồng Việt (tỉnh Bắc Giang)
Nguồn: [Link nguồn]