Hiểm họa rình rập ở đô thị Đà Lạt: Để đô thị Đà Lạt phát triển bền vững (Bài 3)

Sự kiện: Lâm Đồng

Cần đánh giá toàn diện tác động môi trường của những quy hoạch chi tiết ở Đà Lạt, quy định chặt chẽ về cấp phép xây dựng dựa trên điều kiện thực tế của từng khu vực, vị trí cụ thể, hạn chế việc xây dựng những công trình to, lớn, tập trung ở khu vực nội ô, nơi có sự chênh lệch địa hình, đồng thời cởi bỏ “lớp áo” nhà kính đang che kín toàn bộ vùng ngoại ô Đà Lạt để ngăn chặn lũ lụt, sạt lở đất cục bộ...

Đó là những ý kiến đề xuất của các chuyên gia nhằm tiến tới kiến tạo một đô thị Đà Lạt phát triển bền vững, lâu dài.

Với địa hình đồi núi, chia cắt mạnh, sự bùng nổ về dân số, nhu cầu xây dựng các công trình, nhà ở tăng mạnh trong khi quỹ đất hạn hẹn không thể đáp ứng được sự phát triển của xã hội đang khiến cho TP Đà Lạt ngày càng phải gánh chịu nhiều áp lực. Những vụ sạt lở, trượt đất, đe dọa trực tiếp tới tính mạng và tài sản của nhân dân xảy ra ngày càng nhiều với quy mô lớn dần.

Đô thị Đà Lạt cần một quy hoạch mang tính thực tế và bền vững.

Đô thị Đà Lạt cần một quy hoạch mang tính thực tế và bền vững.

Giữa bài toán về bảo tồn những giá trị cốt cõi của đô thị Đà Lạt và phát triển kinh tế hội nhập trong tình hình mới luôn xảy ra xung đột, cần phải điều tiết lại một cách hài hòa. Phải thẳng thắn thừa nhận, mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng sự phát triển “nóng” của Đà Lạt nhưng cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị vẫn chưa thể theo kịp. Sự quá tải của Đà Lạt là nguyên nhân bộc lộ ra các “điểm yếu” trong phát triển đô thị của thành phố.

Theo kiến trúc sư Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt có địa hình phức tạp, chia cắt, chênh lệch lớn nên không thể cấm người dân xây dựng tại các khu vực đồi dốc. “Trong quá trình hình thành hàng trăm năm của thành phố này, con người đã phải tác động vào địa hình để có mặt bằng xây dựng. Tuy nhiên, những vụ sạt lở xảy ra liên tiếp những năm qua chính là lời cảnh tỉnh để chúng ta đánh giá, nhìn nhận một cách kỹ lưỡng, tổng thể hơn trong vấn đề quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn ở từng khu vực, từng vị trí!..”, ông Lê Tứ cho biết.

Cũng theo vị kiến trúc sư này, nơi nào đã xảy ra sạt lở, các cơ quan chức năng cần đánh giá lại tổng thể xem khu vực đó kết cấu địa chất ra sao, có phù hợp với xây dựng các công trình hay không. Riêng ở những nơi có nền đất yếu, cần phải kiên quyết không cho phép xây dựng. Những nơi này có thể chuyển sang trồng cây xanh, quy hoạch làm công viên cảnh quan. “Ở bước điều chỉnh sắp tới, cần đánh giá thêm về địa chất, hạn chế xây dựng, thậm chí cấm xây dựng ở nơi có địa hình nguy hiểm!..”, ông Lê Tứ đề xuất.

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, TP Đà Lạt cần khảo sát, đánh giá toàn bộ kết cấu nền đất ở những khu vực, vị trí chênh lệnh địa hình cao, nơi có nền đất yếu để đưa ra các quy định mới về cấp phép xây dựng riêng biệt cho những khu vực này. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng với việc giới hạn về mật độ xây dựng, chiều cao, độ lớn của công trình cũng như hướng dòng chảy của nước mưa, nước thải sinh hoạt tại các vị trí chênh lệch địa hình để đảm bảo an toàn.

Ông Bùi Quang Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cũng cho biết, các cơ quan chức năng đang tập trung điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống đô thị Đà Lạt, xác định vị trí, mức độ ảnh hưởng nhằm khoanh vùng, cảnh báo các khu vực có nguy cơ chịu tác động và có giải pháp ứng phó. Theo ông Sơn, về lâu dài, Đà Lạt cần phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu tại đô thị…

Trong khi đó, ông Lương Văn Ngự, nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, TP Đà Lạt hiện có quá nhiều nhà kính ở phía thượng nguồn, khiến mưa đổ tập trung rồi dồn về các khe suối, mương tạo dòng chảy lớn. Hệ thống thoát nước của thành phố cũng đang “có vấn đề”, việc khơi thông cống rãnh không thường xuyên, nước thoát không kịp nên gây ngập lụt cục bộ, nhất là nơi có địa hình dốc mạnh.

PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước đây người Pháp quy hoạch Đà Lạt rất bài bản, việc quản lý xây dựng, kiểm soát khai thác tài nguyên thiên nhiên rất nghiêm ngặt.

Nay do nhu cầu đô thị hóa, dân số tăng mạnh, rừng thông nội ô ngày càng thưa thớt, mật độ bê tông hóa ngày càng tăng, đến mức thiếu kiểm soát. “Những ruộng xà lách xoong biến thành các khu dân cư đông đúc, nhiều đoạn khe, suối bị lấn chiếm để xây dựng nhà cửa, nhà màng, nhà kính phủ kín hai bên khe, suối và các thung lũng, triền đồi. Khi mưa xuống, nước từ nhà kính tuôn thẳng ra khe, suối và do khe, suối bị thu hẹp nên nước không thoát kịp gây ngập lụt cục bộ!..”, ông Sinh chia sẻ.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng TP Đà Lạt được quy hoạch chưa tốt. Trước đây, không gian xanh của Đà Lạt rất cao nhưng bây giờ có nhiều nơi không gian xanh quá ít. “Cách khắc phục là phải lưu ý chuyện trả lại những không gian xanh, đồng thời phải giải quyết chuyện nhà kính và những khu vực thiếu không gian xanh thì không cho bê tông hóa tiếp nữa!..”, ông Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.

Cũng theo ông, TP Đà Lạt có nhiều đặc thù về địa hình, địa lý, thổ nhưỡng, nên việc xem xét quy hoạch, đánh giá tác động môi trường ở đây cũng phải có đặc thù, không nên áp dụng chung khuôn mẫu quy chuẩn cho các vùng khác.

Hiểm họa rình rập ở đô thị Đà Lạt: Quy hoạch còn nhiều bất cập

Hàng loạt vụ sạt lở bờ taluy, trượt đất hoặc gây ngập lụt cục bộ nghiêm trọng tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) từ đầu mùa mưa tới nay đã bộc lộ rõ những bất cập trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khắc Lịch ([Tên nguồn])
Lâm Đồng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN