Hiểm họa "nhạc ma túy"
Những bản nhạc “Bàn tay của Chúa”, “Cổng địa ngục”, “Cái chết cuối cùng”… với tiết tấu nhanh cùng phức hợp âm thanh ghê rợn như tiếng la hét, thét gào của hàng ngàn con người và muông thú bị dồn vào bước đường cùng, bị tra tấn, đang gây sốt trong giới… chíp hôi.
Trên nhiều diễn đàn, lắm đứa trẻ chia sẻ khi nghe loại âm nhạc quỷ quái này chúng có cảm giác “đã”, như trôi vào miền cực lạc sau khi “phê” các chất gây nghiện thứ thiệt.
Nhạc ma túy độc hại khiến người nghe lệ thuộc và lâu dần dẫn đến loạn thần đang xâm lấn, hủy hoại tinh thần, trí lực của nhiều đứa trẻ, điều đó quá rõ ràng. Nhưng điều đáng lo sợ hơn, thứ ma túy mỹ miều ấy đang nằm ngoài “vùng phủ sóng” của nhiều ông bố bà mẹ và các cơ quan chức năng!
Thú tiêu khiển… độc hại
Nhạc ma túy thực chất là dòng nhạc kích thích vốn dĩ chỉ dành riêng cho dân ăn chơi ở các nước phương Tây, chủ yếu tại Mỹ. Được du nhập vào Việt Nam qua những du học sinh vốn dĩ “giỏi chơi bời” có bố mẹ là đại gia nhiều tiền lắm của, chỉ trong khoảng một năm trở lại đây, dòng nhạc gây nghiện này lan rộng, trở thành thú đam mê chết người của nhiều thanh thiếu niên vốn khoái chuyện nghiện ngập, hút chích, cắn lắc…
“Cái này bọn Tây gọi là iDosing – có nghĩa ma túy ảo” – Minh Tùng, du học sinh ở Mỹ, môn đồ cuồng nhiệt của nhạc ma túy bật mí và giải thích: “iDosing rộ lên ở Mỹ hồi đầu năm 2010 và bây giờ thì quá phổ biến ở xứ mình. Nó phổ biến bởi ai cũng có thể phiêu, cũng có thể trôi theo nó mà hổng tốn tiền, Ở Mỹ, muốn phê iDosing, dân chơi chỉ việc ra các shop bán băng đĩa mua về… thưởng thức. Dùng chán thì mua đĩa mới. So với ma túy thì mỗi đĩa nhạc iDosing rẻ hơn rất nhiều, mà hậu quả để lại chẳng có bao nhiêu bởi ma túy khi đã phê rồi thì tốn kém dữ lắm. Ngày nào cũng tới cữ tới cơn, nếu không có thuốc để “độp” thì cơ thể cứ như có ruồi, dòi, sâu bọ rúc trong xương tủy đau đớn, bứt rứt vô cùng. Còn với iDosing, dùng nhiều cũng lên “đô” nhưng về khoản tốn kém thì cách xa ma túy thứ thiệt một trời một vực”.
Một thanh niên bịt mắt, đeo tai nghe và “phê” với iDosing
Không như ma túy khi lên cơn, con nghiện phải làm mọi thứ, bất chấp trộm cướp, thậm chí giết người… để có tiền mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện. Với nhạc ma túy, con nghiện chỉ việc lên mạng tải về vô số bản miễn phí! Trên một số trang mạng, bên cạnh việc cung cấp những bài nhạc chết người, lắm tay chơi còn bày vẽ những kỹ thuật, kỹ năng làm thế nào để phê nhạc ma túy hiệu quả nhất, khi nào thì tăng bass, tăng giảm âm lượng, khi nào dùng nhạc ma túy nội hoặc nhạc ma túy ngoại…
Quá trình tiếp cận, PV nhận thấy nhạc ma túy còn được đám con nghiện gọi bằng những tên gọi khác nhau như “nhạc chơi đá”, “nhạc bay”, “nhạc đập đá”, “nhạc ai đót (I dost)”… Dù là tên gọi gì thì cả thảy đều có điểm chung, đó là thứ nhạc vốn dĩ không phải dành cho những ai yêu thích giai điệu lãng mạn, tình tứ. Điều này đồng nghĩa vớ việc đại đa số môn đồ của dòng nhạc này là đám trẻ khoái “đập đá” (sử dụng ma túy tổng hợp). Để cơn phê thuốc lên đỉnh, chúng “sử dụng” nhạc ma túy đặng “2 cơn phê nhập làm 1” và nổ tung trong những cảm giác đê mê.
“Chẳng đứa nào con nhà lành, sống đàng hoàng, trong sáng… lại dính vô cái thứ nhạc gây nghiện này cả” – T.Huyền, 24 tuổi, vũ nữ ở vũ trường V. trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, khẳng định: “Người bình thường chỉ riêng việc nghe nhạc rock, nhạc vũ trường… là đã nhức óc, quay cuồng, nghe vài phút đã thấy loạn não. Huống chi nhạc ma túy, cái sự ầm ĩ, đinh tai nhức óc ấy nó gấp chục, gấp trăm lần. Nên chỉ có dân phê thuốc, dân đập đá (sử dụng ma túy tổng hợp) mới đủ sức nghe cái thứ nhạc chết người này thôi”.
Dòng nhạc ma túy iDosing có rất nhiều bài kích thích gây nghiện cao độ. Nhưng theo các con nghiện, đình đám hiện nay là bản nhạc được ráp lại rừ rất nhiều tiếng súng có tên Gun… Từ đầu đến cuối, bản nhạc dài gần 5 phút này ngồn ngộn tiếng súng của đủ loại vũ khí như súng lục, súng AK, súng liên thanh, tiếng đại bác, tiếng bom đạn, tiếng máy bay chiến đấu gầm rú rền trời, càng về sau càng tăng cấp độ. Lại có bản nhạc iDosing từ đầu chí cuối ngồn ngộn âm thanh la hét, gào thét của những con người nghe như gặp quái vật, bị tra tấn, bị hành xác…
“Nhạc ma túy nó cũng như phim kinh dị vậy đó. Chỉ dành cho những ai có thần kinh thép. Có điều dân xem phim kinh dị không cần cắn thuốc cũng có cảm giác đã khi xem phim. Còn với dân nghiện nhạc ma túy, nếu không muốn loạn thần thì chỉ có thể chìm trong âm thanh phấn khích khi phê thuốc”.
Đó là tâm tình của những con nghiện nhạc ma túy kiêm nghiệm các chất kích thích chết người. Thực tế cho thấy không phải dân nghiện nhạc ma túy nào cũng là “đệ tử”, “nô lệ” của “nữ hoàng heroin” hay là “phu đập đá” thứ thiệt. “Cái bọn vừa nghiện nhạc vừa nghiện thuốc là dân bệnh hoạn, hổng có chút khí chất của dân chơi. Đã là dân iDosing thứ thiệt thì không bao giờ phải cậy nhờ heroin hay hàng đá (ma túy tổng hợp) để trợ lực gì cả. Như các thành viên nhóm tui chẳng hạn, lúc đầu thì đến với iDosing theo dòng êm dịu, rồi tăng đô dần, càng nghe càng thấm, càng thấm càng phê, đâu cần gì phải phê thuốc rồi phải phê nhạc” – Xuân, 19 tuổi, cậu ấm của một chủ tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, khẳng định và bày vẽ: “Muốn nghe iDosing cho thật đã, cứ việc tắt hết đèn, ép chặt tai nghe vào tai, điều chỉnh âm thanh từ nhỏ đến to rồi nhập tâm sẽ rất phê mà không cần chơi đồ ma túy”.
Dù thế nào thì khi nghe và nghiện nhạc ma túy, con nghiện cũng có những biểu hiện “phê” chẳng khác gì đang phê heroin. Nằm dài trên ghế hoặc giường, tai nghe loại khủng bịt sát, trong âm thanh chớp giật đùng đoàng như muốn xé tan tất cả. Chúng tôi chứng kiến Khải, một cậu ấm chơi chung nhóm bạn với Xuân nắm chặt hai tay vào cấu khắp cơ thể, mặt nhăn nhó, toàn thân giật theo từng nhịp đật chát chúa của thứ nhạc quỷ quái. “Lúc đầu thì có cảm giác như mình bị bỏ vào cái thùng phuy bịt kín rồi bị người ta dùng bía gõ mạnh vào thùng, khiến đầu óc muốn nổ tung. Nhưng đến lần thứ 2 thứ 3 thì bắt đầu thấy thích, thấy nó lâng lâng, thấy mình như Tôn Ngộ Không có thể đi mây về gió, toàn thân bồng bềnh, phiêu dạt vô tận. Nói chung đã lắm!” – thằng nhóc có gương mặt búng ra sữa, diễn tả.
Đừng chết vì thiếu hiểu biết
Với người ngoại đạo, thứ nhạc ma túy iDosing chỉ đơn thuần là mớ tạp âm có tiết tấu dồn dập, la hét hỗn loạn được lặp đi lặp lại theo kiểu mỗi lúc một nhanh, mỗi lúc một to… Nhưng với đám con nghiện, âm thanh hỗn tạp ấy là thứ kích thích chúng. Khi nghe nhạc ma túy, nếu như một tai của người nghe đón nhận tần số âm thanh cực đại, tiết tấu cực nhanh thì tai còn lại “hứng” âm thanh, tần số ở cấp độ nhẹ hơn. Điều quan trọng là người nghe nhạc ma túy không biết được hiện tượng kỳ lạ này. Những nghiên cứu gần đây ở nước ngoài cho thấy, khi nghe vài lần, những chênh lệch về tiết tấu, tần số âm thanh, tiếng gào thét, gầm rú… sẽ kích thích não từ đó người nghe hình thành sóng não, từ đó tạo nên những ảo giác mà người ta sau khi dùng chất gây nghiện, uống rượu mới có được. Đó là cảm giác lâng lâng, hưng phấn, bồng bềnh, không tự chủ được hành vi.
Trở lại hội chứng phát cuồng vì nhạc ma túy của giới trẻ đất Sài thành. Bên cạnh những lời tán tụng sôi nổi của đám nô lệ iDosing rằng nhạc ma túy nghe phê nhưng hổng tốn kém, “giúp tay chơi phê tới bến”… thì có không ít bạn trẻ bày tỏ suy nghĩ, thái độ ngược lại. Trên trang w88…, một bạn có nick dongsonganh, tỏ ra ngán ngẩm: “Nhiều đứa thái quá, nghe nhạc rồi tự quay phim tung lên cho bá tánh xem cái cảnh tụi nó lúc phê mà co giựt, mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn ớt, nhìn rất bệnh hoạn. Người ta nghe nhạc là để thoải mái tinh thần, chứ nghe nhạc mà căng thẳng như thế kia thì nghe làm gì cho mệt”.
Một bạn khác có nick muahevang, thổ lộ, trước cơn sốt nhạc ma túy tràn lan, nghe nhiều người rỉ tai, lắm kẻ tán tụng nên cũng đã thử lên mạng tải vài bản nhạc iDosing về nghe thử: “Tôi nghe qua tá hỏa bởi nhạc gì mà gầm rú, gào thét đinh tai nhức óc quá trời. Ngặt nỗi không phải ai cũng như tôi chưa chiến đấu đã vội bỏ chạy. Nhiều đứa để chứng tỏ mình là dân chơi dù dội ngay từ đầu nhưng cũng bấm bụng nghe, nghe riết rồi mê và nghiện. Cũng có những đứa buồn chán sự đời nhưng không dám dính vào ma túy, nghe cụm từ “nhạc ma túy” hay hay cũng nằm ở nhà, tối ngày cắm đầu nghe rồi dứt ra không được”.
Muahevang ngán ngẩm: “Nhiều đứa ngờ nghệch, hễ gặp nhau là bàn tán, rồi bình phẩm bài nhạc iDosing này hay, bài kia lửa, tất cả đều nhằm chứng minh ta đây dân chơi, ta đây sành điệu. Lắm đứa suy nghĩ ngờ nghệch rằng tiếng là nhạc ma túy, tuy có gây nghiện nhưng tác hại của nhạc không bằng các chất kích thích nên không có gì đáng lo. Tụi nó nào biết tác hại của nhạc ma túy cũng kinh khủng không kém gì heroin, ma túy tổng hợp”.
Qua tham khảo một số tư liệu, chúng tôi được biết khoa học đã chứng minh rằng, nhạc iDosing vốn là thứ nhạc dành cho dân chơi ma túy. Người bình thường nghe loại nhạc quái quỷ này sẽ có những cảm giác căng thẳng, sợ hãi. Anh Nguyễn Hùng, một chuyên viên tâm lý cho biết loại hình nhạc ma túy đầu độc giới trẻ Mỹ từ giữa năm 2010 trở lại đây. Những nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho thấy đã có nhiều thanh thiếu niên đến với nhạc ma túy với suy nghĩ đơn giản rằng thà nghiện nhạc còn hơn nghiện heroin. Nhưng khi dấn sâu, khi đã trở thành nô lệ của dòng nhạc kích thích ảo giác, nhiều “nô lệ” của iDosing từ không nghiện ngập đã sa đà vào chuyện hút chích để cảm giác được thăng hoa.
Cũng theo chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Hùng, tuy chưa có nghiên cứu khoa học về tác hại của nhạc ma túy nhưng vì lo ngại những ảnh hưởng xấu của loại hình âm nhạc gây nghiện này mà giới chức giáo dục Mỹ đã đưa ra những cảnh báo… Thậm chí tại thành phố Oklahoma (Mỹ), Cục Phòng chống ma túy và chất hướng thần ở thành phố này đã khuyến cáo phụ huynh trong thành phố quan tâm, có biện pháp bảo vệ con em mình trước cơn bão iDosing vốn “lành ít dữ nhiều”. Thậm chí kênh truyền hình News9 của thành phố Oklahoma làm hẳn phóng sự đề cập đến vấn nạn nghiện iDosing trong giới trẻ với hình ảnh nhiều học sinh, sinh viên khi nghe loại hình nhạc gây nghiện có những biểu hiện kỳ quặc như khóc-cười, lắc người, gào thét… không dứt.
“Chỉ riêng việc nghe dòng nhạc bình thường, việc mở âm thanh cực đại đã gây tổn thương màng nhĩ, làm ù tai, điếc và thậm chí loạn thần. Đằng này với nhạc ma túy, cấp độ, tiết tấu, âm thanh còn cao gấp nhiều lần thì tác hại là…không tưởng. Không loại trừ khả năng người nghe sẽ tử vong do vỏ não bị khủng bố dẫn đến tổn thương” – bác sĩ Thế Dũng (CLB Y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin, quận Gò Vấp, TP HCM), cảnh báo. Nói một cách khác, nhạc ma túy chính là cửa tử đưa bất kỳ ai là nô lệ của nó trở thành con nghiện thứ thiệt, dẫn dắt họ vào hố đen của tệ nạn ma túy thật chứ không phải ảo.
Điều trăn trở là dòng nhạc gây nghiện iDosing đang nằm ngoài tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Chính dòng nhạc “chết người” ngày đã đánh lừa nhiều ông bố bà mẹ, nhìn thấy con tối ngày đeo head-phone, mắt lim lim mơ màng cứ nghĩ nghe nhạc là thú tiêu khiển lành mạnh, họ nào biết được đó là lúc quý tử đang trong cơn… phê!