"Hỉ, nộ, ái, ố" và ước nguyện năm mới
Năm 2013 là một năm hứa hẹn với nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, một năm mà nhiều ước vọng của người dân sẽ trở thành hiện thực.
Năm 2013, nhiều chính sách mới, thiết thực với cuộc sống người dân sẽ có hiệu lực như việc tăng lương tối thiểu vùng, miễn phí thủy lợi cho hộ nghèo, cải cách hiến pháp, tăng thời gian nghỉ thai sản... Tuy nhiên, khoảnh khắc năm cũ đang trôi qua với nhiều điều đáng suy ngẫm.
Năm cũ với nhiều suy ngẫm...
Năm 2012 với nhiều cảm xúc và không ít tâm trạng đang chuyển sang những thời khắc cuối cùng. Suy ngẫm lại, nhiều người đã trao đổi thẳng thắn với Kiến Thức những tâm trạng "hỉ, nộ, ái, ố".
Là một người tâm huyết với ngành giáo dục Việt Nam, PGS Văn Như Cương nhìn nhận năm 2012 ở góc độ bạo hành học đường ngày càng gia tăng trong ngành giáo dục: “Thực trạng học sinh, sinh viên đánh nhau ngày càng đến mức báo động, nó thể hiện sự băng hoại đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay. Năm 2012, một năm mà bạo hành học đường trở nên trầm trọng, không ít hình ảnh học sinh quay clip đánh nhau, quan hệ tình dục rồi tung lên mạng bình phẩm, nhiều học sinh bị bạo hành về tinh thần đã tìm cách tự tử cũng gia tăng. Hơn nữa, vụ sinh viên giết bạn ngay trong giảng đường trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng để lại nhiều suy ngẫm. Đó là một nguy cơ lớn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”, PGS Văn Như Cương bày tỏ.
PGS Văn Như Cương hy vọng giảm bạo lực học đường trong năm 2013
Năm 2012 cũng là năm để lại nhiều suy nghĩ với người dân chân lấm tay bùn cùng những chính sách giải phóng mặt bằng, đền bù và cưỡng chế đất đai ở một số địa phương: "Người nông dân như chúng tôi, mảnh đất nuôi trồng là miếng cơm manh áo của cả gia đình. Thời gian vừa qua, xem trên những phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi hết sức lo lắng. Từ vụ việc cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, đến Văn Giang (Hưng Yên) khiến những người nông dân quen cày cuốc ngoài đồng cũng phải suy nghĩ. Chúng tôi mong rằng, mọi chính sách và chủ trương chúng tôi luôn chấp hành, nhưng làm sao cho hợp lý hợp tình, đúng pháp luật", bác Nguyễn Thị Bấm (xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, Hải Dương) bày tỏ.
"Năm qua là một năm chứng kiến nhiều biến động của nền kinh tế, cũng là năm mà giá cả tăng chóng mặt, khiến cuộc sống của những người nông dân như chúng tôi gặp thật nhiều khó khăn. Đi chợ với ít đồng bạc, mua thứ gì cũng phải băn khoăn, khiến chúng tôi càng nặng lòng hơn với miếng cơm manh áo", anh Nguyễn Quang Nam (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
"Những vụ án giết người, cướp của, hiếp dâm... trong năm qua xảy ra quá nhiều. Đó là sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận người trong xã hội, họ ra tay tàn ác hơn, dã man hơn. Con người sống ngày càng vô cảm cũng là điều khiến những người làm nghề xe ôm như tôi phải băn khoăn, lo lắng", bác Nguyễn Đoàn, lái xe ôm ở Bến xe Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) nhìn nhận.
"Tôi mới ra trường, nhưng khi đi xin vào công chức rất khó khăn, bởi tôi có năng lực nhưng lại không có tiền. Điều tôi càng buồn hơn khi nghe ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội nói về chuyện chạy công chức không dưới 100 triệu đồng và “trưởng phòng nội vụ các quận huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền "chạy" của các thí sinh để đỗ công chức”. Đó cũng là điều đáng ngẫm nghĩ trong năm 2012", chị Nguyễn Thị Hà, sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Thương Mại cho biết.
"Năm 2012, một số chính sách gây nhiều tranh luận đáng ngẫm nghĩ như Thông tư 27 do Bộ Công an ban hành giữa tháng 5/2012 quy định về mẫu chứng minh thư mới có ghi tên cha mẹ nhận phản ứng từ dư luận là xâm phạm đời tư cá nhân, nhiều vướng mắc, bất cập. Hay như Nghị định 71/2012 của Chính phủ có đề cập đến nội dung nâng mức xử phạt ô tô, xe máy mua bán trao đổi nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Những chính sách kiểu "trên trời" này hi vọng không được đưa ra trong năm 2013", bác Nguyễn Hải Văn (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) cho biết.
Ước nguyện năm mới 2013
Năm 2012 sắp qua, mỗi người mang một tâm trạng, suy nghĩ khác nhau nhưng đều hy vọng, năm 2013 sẽ có nhiều chính sách mới thiết thực có hiệu lực thi hành, đi vào đời sống.
Năm 2013 với nhiều ước nguyện
"Năm 2013, một năm hy vọng những khó khăn trong cuộc sống sẽ giảm bớt, bởi từ ngày 1/1/2013 sẽ áp dụng quy định tại Nghị định 103/2012/NĐ-CP về việc mức lương tối thiểu vùng từ 1.650.000 đến 2.350.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Tăng lương cuộc sống gia đình chắc chắn sẽ không khó khăn như năm cũ", anh Nguyễn Văn Trưởng, hiện công tác tại công ty Sumidenso, cho biết.
"Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Một trong các điểm mới của luật này là thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ. Theo đó, thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ được tăng lên từ 4 tháng thành 6 tháng. Toàn bộ thời gian nghỉ thai sản được bảo hiểm xã hội chi trả. Với những người phụ nữ thai sản như tôi, việc tăng thời gian thai sản và hưởng toàn bộ tiền lương là điều hạnh phúc. Tôi hi vọng có nhiều những chính sách như thế này được áp dụng với người lao động trong năm 2013", chị Đỗ Thị Huế, nhân viên giao dịch Vietell, bộc bạch.
"Với người dân quanh năm bán mặt cho đồng ruộng như tôi, năm 2013 tôi có thêm nhiều hy vọng thoát nghèo, bởi theo tôi được biết, kể từ ngày 1/1/2013, mức thu thủy lợi phí sẽ được điều chỉnh theo nội dung Nghị định 67/2012/NĐ-CP. Trong đó, miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối. Nghị định cũng bổ sung quy định miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo. Đó là điều khuyến khích gia đình tôi tăng gia sản xuất để thoát nghèo", bà Nguyễn Thị Trang (huyện Thanh Miện, Hải Dương) hồ hởi nói.
"Năm 2013, Quyết định 52/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đối tượng áp dụng là người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm trong thời hạn 3 năm, kể từ khi có Quyết định thu hồi đất. Đó là việc làm thiết thực, bởi hiện nay gia đình tôi không biết làm nghề gì để sống sau khi đất bị thu hồi", ông Đỗ Văn Tùng (Phường Tứ Minh, TP Hải Dương) vui mừng nhận xét.
"Năm mới, nhiều luật mới có hiệu lực, trong đó Luật Giá tập trung vào các quy định về danh mục hàng bình ổn giá gồm: Xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; phân NPK; vaccine phòng bệnh cho gia súc, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn, thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu. Bên cạnh đó, luật còn quy định phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ niêm yết giá của các cá nhân, đơn vị này. Điểm mới trong luật là giá những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đó cũng phải nhất quán theo nguyên tắc thị trường. Đó là những tín hiệu tốt, hy vọng mang lại cuộc sống người dân thêm ấm no", luật sư Võ Đình Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội, khẳng định.
Mỗi người một ước nguyện, một hi vọng trong năm 2013. Hy vọng, năm mới sẽ có những đổi thay mới, đất nước thêm giàu đẹp, người người thêm hạnh phúc.