Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ
Hết dịch, bố sẽ về! - 2

“Chống dịch như chống giặc”, đó là lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói khi kêu gọi toàn dân chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19, một loại bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra.

Cho đến nay, các nhà khoa học, các y, bác sĩ trên toàn thế giới vẫn đang tìm kiếm nguồn lây lan đầu tiên của loại virus nói trên nhưng vẫn chưa có kết quả. Chẳng biết thứ virus quái ác đã cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người trên thế giới này xuất phát từ nguồn nào, cả thế giới chỉ biết rằng virus này xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

Khi nước láng giềng bùng phát dịch bệnh, Chính phủ ngay lập tức đã đưa ra nhiều biện pháp, kế hoạch chống dịch và phát động toàn dân, toàn quân cùng tham gia, trong đó, siết chặt quản lý biên giới là một trong những biện pháp tối ưu, đảm bảo ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh COVID-19 từ các nước khác xâm nhập vào Việt Nam. Hiển nhiên, trọng trách này được đặt lên vai những người cán bộ, chiến sĩ biên phòng ở các mốc biên giới khắp mọi miền tổ quốc.

Đảm nhiệm vai trò là “lá chắn sống” nơi biên thùy, những người lính quân hàm xanh gánh trên vai nhiệm vụ khó khăn: Kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện lưu thông qua khu vực biên giới để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan và phòng, chống tội phạm có ý đồ bất chính vượt biên trái phép vào Việt Nam.

Hết dịch, bố sẽ về! - 3
Hết dịch, bố sẽ về! - 4

Cuối tháng 4/2020, liên tiếp xuất hiện những cơn mưa rào ở đồng bằng, những cơn mưa đá tàn phá hoa màu tại vùng núi phía Bắc. Đối với những người lính mang quân hàm xanh, họ vừa phải chống dịch COVID-19, vừa phải chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt miền biên viễn.

Thượng úy Vì Văn Thích, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, đồn Biên phòng Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La đang làm việc tại chốt chống dịch COVID-19 ở bản Suối Thín, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu (gọi tắt là chốt Suối Thín) là một trong hàng nghìn người lính biên phòng đang làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới.

Thượng úy Thích cho biết, chốt Suối Thín là một trong những chốt chống dịch COVID-19 có điều kiện khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh Sơn La. Từ trung tâm xã Suối Thín, phải đi quãng đường khoảng 20km mà trong đó chỉ có một đoạn ngắn là có đường nhựa, đường bê tông, còn lại chủ yếu là đường đất. Tại bản Suối Thín, đồng bào người Mông sinh sống chủ yếu bằng nghề nông với những ruộng nương nơi triền núi.

. Hết dịch, bố sẽ về! - 5

Tâm sự về những ngày tháng bám rừng, bám biên cùng đồng đội, Thượng úy Thích chia sẻ: Điều kiện ở khu vực biên giới rất khắc nghiệt, những cơn mưa rừng kèm theo gió mạnh ập đến mà chẳng hề báo trước. Thời gian gần đây, lán trại dã chiến tại chốt Suối Thín đã phải dựng lại đến… 3 lần.

“Anh em đã phải dựng lại lán đến 3 lần kể từ khi dựng chốt chống dịch. Hai lần đầu do dựng lán nhỏ, mưa tốc hết lều, bạt, ướt cả giường nằm và quần áo. Lần gần đây nhất thì xuất hiện mưa đá làm hỏng lán nên các anh em quyết định chặt cây, dựng cột chống vững chắc như một căn nhà để công tác lâu dài”, Thượng úy Thích kể lại.

Nhu yếu phẩm hằng ngày của các cán bộ, chiến sĩ được vận chuyển từ đồn Chiềng Sơn vào chốt theo từng đợt, chủ yếu là đồ khô như: gạo, mỳ tôm, thịt đóng hộp... Một phần nhu yếu phẩm khác là do chính quyền địa phương, người dân và các đơn vị kết nghĩa hỗ trợ.

Xác định cuộc chiến chống COVID-19 là một cuộc chiến lâu dài, những người lính đã tự trồng rau và tìm nguồn rau củ, hoa quả khác trên rừng. Với một dải đất nhỏ, các thành viên chốt Suối Thín đã tự cuốc đất, tự gieo mầm, chăm bón hằng ngày để có được những mầm rau xanh cạnh bìa rừng. Việc nấu nướng tại chốt trực toàn cánh mày râu này cũng được phân công luân phiên cho từng thành viên. Họ tự làm bếp, nhóm lửa bằng những cây củi được tìm thấy trong rừng và nồi niêu, xoong chảo mang theo từ khi dựng chốt.

Để tìm hiểu thêm về cuộc sống của người lính biên phòng trong những tháng ngày không quên này, tôi đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Văn Cường, Chính trị viên đồn Biên phòng Đắc Pring, BĐBP tỉnh Quảng Nam. Thiếu tá Cường cho biết: Đồn Đắc Pring đóng quân tại địa bàn biên giới phía Tây của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam với nhiệm vụ quản lý 25km biên giới đất liền.

Hết dịch, bố sẽ về! - 6
.

“Khí hậu tại khu vực này diễn biến thất thường, chiều thường có mưa dông nên càng khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hậu cần đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho bộ đội. Sợ nhất những ngày mưa, mưa vùng biên giới rất khắc nghiệt, cái lạnh cứ như thấm vào da thịt, lán trại dựng tạm, toàn đồ dã chiến nên chẳng thể che hết được. “Chống dịch như chống giặc”, anh em chúng tôi tự động viên nhau phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, ngày về thăm nhà sẽ đến sớm thôi”, Thiếu tá Cường cười.

Cũng là một trong hàng nghìn người lính biên phòng thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19, Trung tá Bùi Gia Lượng, Chính trị viên đồn Phước Thiện, BĐBP tỉnh Bình Phước cho biết: Địa bàn quản lý của đồn là hơn 18km đường biên giới thuộc địa phận xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Xã Phước Thiện là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bù Đốp với tỷ lệ hộ nghèo cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tập trung tại khu vực ấp Mười Mẫu. Địa bàn đồn Phước Thiện đóng quân là khu vực đã chịu nhiều tàn phá của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam.

Theo Trung tá Lượng, đồn Phước Thiện đã triển khai 6 chốt kiểm dịch COVID-19 trải dọc theo tuyến biên giới mà đơn vị quản lý và 1 tổ kiểm soát lưu động có nhiệm vụ tuyên truyền chống dịch cho người dân với 36 cán bộ, chiến sĩ trực chiến 24/24.

“Miền Đông Nam bộ đang bước vào mùa khô, thỉnh thoảng có mưa lớn nhưng kèm theo dông, lốc xoáy khiến việc dựng lại lán trại trở thành một việc làm thường xuyên của các anh em trực tại chốt. Mưa lớn nên việc đi lại khó khăn, vận chuyển nhu yếu phẩm đến các chốt trực cũng là vấn đề lớn, chưa kể nước ngọt dùng trong sinh hoạt cũng thiếu thốn, anh em phải hết sức tiết kiệm.

Hết dịch, bố sẽ về! - 7

Cũng bởi quy định giãn cách toàn xã hội, các anh em làm nhiệm vụ không được phép quay trở lại trụ sở đồn mà phải bám chốt suốt từ Tết Nguyên đán đến nay, thành ra tinh thần tự túc được đưa lên hàng đầu”, Trung tá Lượng chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề nước ngọt, ngoài việc tìm những nguồn nước bổ sung như các dòng suối trong rừng, hay nước sông, lực lượng hậu cần đồn Phước Thiện cũng phải duy trì việc vận chuyển nước sinh hoạt theo từng đợt nhu yếu phẩm vào trong các chốt kiểm dịch.

“Từ khu vực các chốt, các cán bộ, chiến sĩ phải đi khoảng 5 – 6km đường đất để tìm vào nguồn nước, nhưng mùa khô nên lượng nước tại các dòng sông, suối cũng giảm đáng kể. Biết lực lượng làm nhiệm vụ vất vả nên các đơn vị kết nghĩa của đồn Phước Thiện và chính quyền địa phương, người dân cũng ủng hộ nhiều nhu yếu phẩm như: mỳ tôm, nước rửa tay diệt khuẩn, quan trọng nhất là hương muỗi và đèn bắt muỗi.

Là mùa khô nhưng muỗi rừng nhiều lắm, lán dã chiến được lập sát bìa rừng, anh em chỉ sợ bệnh sốt rừng tập kích, không thể tiếp tục làm nhiệm vụ mà thuốc men, chăm sóc y tế cũng không kịp thời được. Nếu không có hương muỗi thì chẳng biết làm thế nào vì thực tế màn, võng dã chiến không đủ dùng, chẳng thể ngăn được muỗi”, Trung tá Lượng cho hay.

Hết dịch, bố sẽ về! - 8

Thượng úy Vì Văn Thích (đồn Biên phòng Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, BĐBP tỉnh Sơn La) cho biết: Từ dịp Tết Nguyên đán 2020 cho đến nay, không riêng gì những chiến sĩ biên phòng tại chốt Suối Thín mà còn có hàng nghìn người lính biên phòng trên khắp mọi miền tổ quốc chưa được về nhà. Hằng ngày, khi kết thúc ca trực, đa phần thời gian, các thành viên chốt Suối Thín đều tìm khu vực có sóng điện thoại để gọi điện về cho gia đình.

“Sóng điện thoại ở vùng biên kém lắm, muốn gọi điện thoại hay gọi video về cho vợ con cũng phải đi tìm khu vực có sóng mới kết nối được. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ gia đình mà chẳng biết làm thế nào nên anh em cứ động viên nhau cố gắng làm nhiệm vụ. Là một người lính, mình phải có trách nhiệm với bộ quân phục đang mang trên người.

Trong mấy anh em đang làm nhiệm vụ ở Suối Thín, có anh Tổ trưởng chốt Suối Thín là Đại úy Lầu A Dơ, vợ mới mổ đẻ mà anh ấy có về nhà được đâu. Tranh thủ lúc nghỉ, anh Dơ gọi điện về dặn các con phải nấu cơm cho mẹ ăn, hứa hẹn hết dịch bố sẽ về mà chẳng biết khi nào mới về được. Bây giờ mình chỉ mong một điều là bình yên sẽ đến với đất nước, dịch COVID-19 qua mau để những người lính được về nhà, được ở cạnh vợ con”, Thượng úy Thích tâm sự.

Hết dịch, bố sẽ về! - 9

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Cường (đồn Biên phòng Đắc Pring, BĐBP tỉnh Quảng Nam), khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đồn Đắc Pring đã lập tức triệu tập tất cả lực lượng, kể cả các cán bộ, chiến sĩ đang nghỉ phép quay trở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

“Quá trình làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19 thì anh em có nhiều kỷ niệm lắm, đáng nhớ nhất thì phải kể đến sự khó chịu khi bị vắt, ruồi vàng, bọ chắt và các loại côn trùng rừng khác đốt. Ở các lán trực khác với ở đơn vị. Không điện, không ti vi, không sóng điện thoại khiến nỗi buồn cứ kéo dài ra, lúc này mới thấy nhớ gia đình, cũng mấy tháng rồi, các anh em đã ai được về nhà đâu”, Thiếu tá Cường cho hay.

Suốt quãng thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua, hai cán bộ, chiến sĩ đồn Phước Thiện (BĐBP tỉnh Bình Phước) đã phải gác lại việc riêng mà ở lại thực hiện nhiệm vụ. Đó là Thiếu tá Cù Văn Dân, Phó đồn trưởng đồn Phước Thiện khi bố bị bệnh hiểm nghèo phải nhập viện, không thể về chăm sóc và Thượng úy Nguyễn Văn Lý, Đội trưởng phòng chống ma túy và tội phạm khi vợ mổ đẻ, chưa được về nhà.

Hết dịch, bố sẽ về! - 10

Trung tá Bùi Gia Lượng (Chính trị viên đồn Phước Thiện) và lãnh đạo đơn vị đã phải gặp riêng Thiếu tá Dân và Thượng úy Lý để động viên, chia sẻ khó khăn, dù rất thấu hiểu nhưng tại thời điểm dịch COVID-19 chưa kết thúc thì bất kỳ người lính nào cũng không thể trở về nhà.

“Cảm thông cho các anh em lắm, lắng nghe những tâm sự, lo lắng của Thiếu tá Dân và Thượng úy Lý, cũng là người chồng, người cha, người con nên tôi rất hiểu. Rất mong Việt Nam hết dịch COVID-19 để những người lính như chúng tôi có thể nghỉ phép, trở về nhà”, Trung tá Lượng chia sẻ.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ tư lệnh BĐBP cho biết trong quãng thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải gác lại việc riêng để lo việc chung.

Điển hình là trường hợp của Trung úy Nguyễn Đình Thông (Đội trưởng Vũ trang, Đồn Biên phòng Thạch Trị, BĐBP Long An) và Binh nhì Trần Đức Chung (Chiến sĩ mới, Đại đội 4, Trung tâm Huấn luyện BĐBP) khi đang làm nhiệm vụ thì nhận tin người thân mất nơi quê nhà.

Vì tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Trung úy Thông được sự trợ giúp của đồng đội đã lập một bàn thờ nhỏ, đơn sơ với lọ hoa tươi, một ít hoa quả và bát hương bái vọng. Người chiến sĩ biên phòng đã phải kìm nén nỗi mất mát để bái biệt cha ngay tại chốt kiểm soát mà anh cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ.

Hết dịch, bố sẽ về! - 11

Tương tự 2 trường hợp trên, Đại úy Trần Viết Nam (Nhân viên quân y, Đồn Biên phòng Mường Lạn, Sơn La) đã phải nén nỗi đau từ biệt em gái ruột tại đơn vị. Đại úy Nam khi đang làm nhiệm vụ thì nhận được tin em gái ruột mất, nhưng anh không thể trở về nhà nhìn mặt cô em gái của mình lần cuối.

Ngoài ra, có rất rất nhiều cán bộ, chiến sĩ BĐBP dù vợ đã sinh con vào tháng 3 nhưng đến nay đã cuối tháng 4 nhưng các anh vẫn chưa được trở về nhà để bế bồng đứa trẻ của mình. Và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã phải… hoãn cưới vợ để chống dịch COVID-19.

 

Bài viết: Đức Sơn

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Thứ Ba, ngày 05/05/2020 10:09 AM (GMT+7)
Theo Trung Nam - Đức Sơn ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN