Hết cửa xuất khẩu lao động Hàn Quốc

Cánh cửa sang Hàn Quốc của hơn 12.000 lao động đang khép lại vì tháng 12 tới chứng chỉ tiếng Hàn của họ hết hiệu lực. Chúng tôi đã trao đổi với ông Choi Byung Gie - Giám đốc Cơ quan Phát triển nguồn Nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD) làm rõ trách nhiệm các bên.

Oan ức

Ông nói gì khi chứng chỉ tiếng Hàn của hơn 12.000 người lao động (NLĐ) Việt Nam sẽ hết hiệu lực vào tháng 12 tới?

Đến thời điểm này, hơn 12.000 lao động Việt Nam chưa được tiếp nhận là điều đáng tiếc. Số lao động này quá oan ức. Rõ ràng, họ không có tội tình gì để gánh hậu quả cho số lao động đang bỏ trốn. Tôi biết rất rõ họ đang sốt ruột chờ đợi. Tôi nghĩ, nếu phía Việt Nam có công văn đề xuất, Hàn Quốc sẽ xem xét tích cực việc này.

Việc dừng Chương trình Cấp phép mới (EPS) không chỉ ảnh hưởng hơn 12.000 lao động, mà còn khiến hàng vạn NLĐ khác đã học tiếng Hàn hết cơ hội?

 “Chỉ có NLĐ Việt Nam là thiệt thòi. Bởi vì Hàn Quốc ký với 15 nước. Nếu không có lao động Việt Nam sẽ lấy lao động các nước khác bù vào”

Ông Choi Byung Gie - Giám đốc cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam

Tôi chưa nhận được giải thích nào từ phía Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam về việc này. Tôi đồ rằng, có rất nhiều lao động đã bỏ tiền để học tiếng Hàn, nhưng chưa được thi. Tuy nhiên, con số bao nhiêu và số tiền có lớn không, tôi chưa được Bộ LĐ-TB&XH thông báo. Trường hợp Chương trình EPS được ký lại, khả năng tổ chức kỳ thi tiếng Hàn là rất thấp, vì phải tập trung cho số 12.000 lao động đang ứ đọng.

Như vậy, khả năng tổ chức lại kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên giấy là khó xảy ra?

Trong năm 2013, chắc chắn sẽ không tổ chức kỳ thi tiếng Hàn trên giấy cho lao động mới. Thay vào đó, chỉ tổ chức thi tiếng Hàn trên máy tính cho lao động về nước đúng hạn và lao động trung thành. Hàn Quốc chưa có kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên giấy ở Việt Nam.

Hết cửa xuất khẩu lao động Hàn Quốc - 1

Những gương mặt đầy âu lo của người lao động tại kỳ thi tiếng Hàn năm 2011. Ảnh: Phong Cầm.

Để xảy ra tình trạng hiện nay, theo ông trách nhiệm của phía Hàn Quốc đến đâu?

Tôi chỉ là đại diện cho HRD tại Việt Nam, còn việc ký Chương trình EPS là giữa Bộ Lao động Việc làm Hàn Quốc với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam. Do đó, tôi không thể trả lời câu hỏi này vì HRD chỉ là cơ quan thực thi dưới Bộ. Tuy nhiên, nếu truy đến cùng, cả 2 bên đều có trách nhiệm.

Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH trong thời gian qua?

Khi Bộ LĐ-TB&XH tổ chức các hội nghị ở địa phương bao giờ cũng giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn và đề nghị báo cáo hằng tháng. Tuy nhiên, tôi cũng không biết liệu các địa phương có báo cáo và các cơ quan thuộc Bộ LĐ-TB&XH có sát sao kiểm tra hay không.

Nhiều người cho rằng, các giải pháp Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đưa ra hiện nay chỉ gây tốn kém chứ không có hiệu quả?

Việt Nam thường nói là do Hàn Quốc không tích cực truy quét và do chênh lệch về thu nhập nên tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam cao. Nói thế này, Hàn Quốc không chấp nhận. Vì thu nhập của lao động đến từ Campuchia, Thái Lan, Indonesia khi làm việc tại Hàn Quốc cũng cao hơn rất nhiều khi họ làm trong nước, nhưng tỷ lệ bỏ trốn của lao động những nước này thấp hơn Việt Nam nhiều.

Hết cửa xuất khẩu lao động Hàn Quốc - 2

Người lao động tại kỳ thi tiếng Hàn. Ảnh: Phong Cầm.

Bức bối

Vậy Việt Nam cần làm gì để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn?

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp, nhưng đến nay chưa có kết quả nào cụ thể. Thậm chí, lao động bỏ trốn vẫn tăng. Bản thân tôi cũng hết sức bức bối. Với tình hình hiện nay, nếu Bộ LĐ-TB&XH có tổ chức hội nghị tuyên truyền tới 5 năm nữa cũng chưa chắc đã có hiệu quả gì.

Do đó, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, Bộ LĐ-TB&XH cần đưa ra một chế tài đủ mạnh để ràng buộc NLĐ. Có như vậy, họ không dám bỏ trốn cho dù chủ sử dụng Hàn Quốc có dụ dỗ. Nếu làm được như thế, đó sẽ là bước đột phá để Hàn Quốc sớm ký lại Chương trình EPS.

Khả năng Hàn Quốc ký lại thế nào, thưa ông?

Tôi rất mong ngay trong năm nay sẽ được ký lại. Để kéo dài sang năm sau, hậu quả sẽ nặng nề hơn nữa. Lao động Việt Nam luôn đứng thứ nhất về số lượng, nhưng nếu chương trình EPS bị dừng kéo dài, lao động nước khác sẽ soán ngôi. Lúc đó, lao động Việt Nam tìm lại ngôi vị sẽ khó khăn. Thực tế, lao động Việt Nam hiện đã tụt xuống vị trí thứ 5 trên tổng số 15 nước cung ứng lao động cho Hàn Quốc.

Cảm ơn ông.

Theo ông Choi Byung Gie, trong kỳ thi tiếng Hàn cuối cùng (tháng 12/2011) trước khi Hàn Quốc dừng Chương trình EPS với lao động Việt Nam, trong 67.000 NLĐ đăng ký, có hơn 14.000 người đạt yêu cầu. Trong đó, hơn 2.000 người đã được chủ sử dụng Hàn Quốc tiếp nhận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Cầm (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN