Hé mở sự thật vụ "giằng co" 1000 tỷ đồng
Hơn một năm sau khi tử vong vì đột quỵ, khối tài sản khoảng 1.000 tỷ đồng mà bà Thạch K.P. để lại vẫn đang bị người thân tranh chấp, dù quyền thừa kế thuộc về con nuôi là chị Thạch Hà H. L.
Đòi chia
Bà Thạch K.P. mất ngày 10/3/2011 khi 65 tuổi tại nhà ở đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, TPHCM. Không có chồng con, cha mẹ lại mất sớm nên năm 1987, bà vào Bệnh viện Hùng Vương TPHCM xin nhận con nuôi.
Khi thấy cháu bé mới hai ngày tuổi bị bố mẹ bỏ rơi, bà P. nhận về. Ngày 8/2/1988, bà làm thủ tục thừa nhận con nuôi hợp pháp cho cô bé và đặt tên Thạch Hà H. L., lấy họ của bà trong giấy khai sinh.
Căn bệnh cao huyết áp khiến đầu tháng 3/2011, bà P. qua đời đột ngột mà không lập di chúc để định đoạt khối tài sản khổng lồ của mình sau mấy mươi năm dành dụm được. Vì vậy, theo điều 676 Bộ Luật Dân sự thì thừa kế thuộc về chị Thạch Hà H. L.
Tuy nhiên, các anh em của bà P. mà đại diện là ông Thạch V.Ph. (em ruột bà P.), đã không thừa nhận điều này. Phía những người này đã cung cấp thông tin sai cho báo chí khi cho rằng, mình cũng là đồng sở hữu tài sản thừa kế khổng lồ trên. Tuy nhiên, sự thật đã phơi bày.
Một trong những nơi bà Thạch K.P. sinh sống trên đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, TPHCM - Ảnh: L.N.
Người đại diện cho chị L. khẳng định, sau khi bà P. qua đời, lo hậu sự xong, chị L. và các cậu dì là em của mẹ P. ngồi họp gia đình và có thỏa thuận phân chia tài sản mà mẹ của chị L. để lại nhưng những người cậu không chịu.
Sự việc bất thành, ngày 25/3/2011, chị L. yêu cầu thừa phát lại quận Bình Thạnh lập vi bằng kiểm kê tài sản với đại diện phía cậu dì là ông Thạch V.Ph., ở TPHCM và hai ông Thạch V.P., Thạch K.L. sinh sống ở Đức cùng luật sư.
Sau khi kiểm kê xong khối tài sản khoảng 1000 tỷ đồng (gồm 100 lượng vàng, một triệu USD, 23 sổ tiết kiệm gửi ở các ngân hàng Việt - Thái, ngân hàng Á Châu; nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà Thạch K.P. ở TPHCM, Tây Ninh và Long An, cùng lượng lớn đồ trang sức là hột xoàn, kim cương…), ngày 26/3/2011, hai bên đồng ý thuê két sắt ở ngân hàng Sacombank trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 để gửi khối tài sản này trong vòng một năm.
Chị Thạch Hà H. L. đã hoàn thành thủ tục thừa kế và nhận sở hữu 23 sổ tiết kiệm - Ảnh: L.N.
"Trả lại nếu chứng minh được"
Sau khi gửi tài sản ở két sắt ngân hàng, trong Biên bản kiểm kê được chị L. và ông Thạch V.Ph. đồng ý xác nhận, hai bên thống nhất “trong vòng 30 ngày, hai bên phải có mặt tại ngân hàng để mở két và giao toàn bộ giấy tờ có giá, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu động sản, bất động sản đứng tên bà Thạch K.P. cho bà Thạch Hà H. L để làm thủ tục mở thừa kế nếu bên còn lại không xuất trình được di chúc hợp pháp và tài liệu hợp pháp chứng minh quyền sở hữu thuộc về mình. Nếu bên kia vắng mặt thì bên còn lại được quyền đơn phương mở két sắt mà không cần sự chấp thuận của bên còn lại”.
Tuy nhiên, đến ngày 23/4, chị L. và hai luật sư của mình đến ngân hàng để mở két sắt có sự chứng kiến của Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh nhưng ông Thạch V.Ph. không có mặt dù đã thông báo.
Theo tài liệu mà PV có được, ngày 6/6/2011 chị L. đã đến Phòng Công chứng số 1 TPHCM để làm văn bản khai nhận di sản từ người mẹ quá cố để lại với 23 số tiết kiệm bằng tiền việt và USD với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng. Sau khi khai nhận và thực hiện niêm yết nội dung phân chia thừa kế tại UBND phường Hiệp Tân, quận Tân Phú trong vòng 30 ngày nhưng phòng Công chứng không nhận được khiếu nại tố cáo nào nên nơi đây đã công chứng xong thủ tục cho chị L. sở hữu số tài sản trên. |
Ngày 11/5, chị L. đã thông báo cho ông Ph. có mặt tại ngân hàng Sacombank để mở két nhưng ông Ph. vẫn vắng mặt không lý do.
Đến ngày 23/5, ông Ph. cũng từ chối lên ngân hàng để mở két sắt như đã thống nhất.
Theo chị L., không chỉ ông Ph. đã nhiều lần thất hứa, mà ngay cả khi chị L. dành thời gian một năm để các cậu chứng minh tài sản của mẹ P. là có phần góp vốn của mình nhưng những người này vẫn không thể chứng minh được. Vì vậy, sau khi hết hạn thuê két sắt, lãnh đạo Sacombank đã gửi thông báo cho ông Thạch V.Ph. và Thạch Hà H.L. để đến ngân hàng thanh lý hợp đồng.
Theo đại diện ngân hàng, nếu bên thuê chỉ có một người đến nhận tủ sắt, ngân hàng sẽ bàn giao cho người đến nhận và được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm liên quan đến hợp đồng thuê ngăn tủ sắt.
Làm việc với ngân hàng Sacombank giữa bà L. và ông Ph. ngày 30/5 vừa qua, ông Ph. cho biết, người anh của mình ở Đức đã gửi về cho mẹ chị L. 200 nghìn Euro để làm ăn chung, nhưng lại không chứng minh được số tiền này có hay không?
Ông Ph. cũng đã từ chối đề nghị của ngân hàng về việc cùng bà L. ký tiếp một hợp đồng mới gửi tiếp vào két sắt ngân hàng thêm 30 ngày với điều kiện “trong vòng 30 ngày nếu ông Ph. không đưa ra được bất kỳ di chúc, văn bản giấy tờ hợp lệ nào chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản hoặc bất kỳ quyết định nào của tòa án hay cơ quan có thẩm quyền, thì bà L được phép rút toàn bộ tài sản khỏi két sắt ngân hàng”.
Người đại diện cho chị L. khẳng định: “Muốn gia hạn thêm thời gian lần nữa để cho ông Ph. chứng minh có góp tài sản với bà Ph, nhưng ông Ph. từ chối gia hạn và không chứng minh được tài sản được cho các anh em của ông hùn hạp với bà Thạch K.P. nên chị L. đã nhận số tài sản này”.
Chị L. cho biết, sẵn sàng trả lại một phần tài sản nếu như các cậu có đủ bằng chứng để chứng minh với Tòa án đó là tài sản hùn hạp vào làm ăn với mẹ mình.
Theo một nguồn tin, trong trường hợp nếu không có chứng cứ từ phía anh em ông Ph., chị L. cũng sẽ trích một phần tài sản cho những người này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi nhận tài sản về, chị L. đã cam kết chịu toàn bộ trách nhiệm thay cho ngân hàng Sacombank trong trường hợp ngân hàng gánh chịu tổn thất, thiệt hại, chi phí bồi thường nào liên quan đến các hợp đồng thuê két sắt.
Diễn biến vụ việc * Ngày 10/3/2011 bà Thạch K.P. sinh năm 1946 qua đời do đột quỵ để lại tài sản trong két sắt với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng, gồm sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kim cương, hột xoàn… * Ngày 22/3/2011 chị Thạch Hà H. L, con nuôi hợp pháp của bà P. và là người thừa kế khối tài sản trên đã cùng ông Thạch V.Ph. (em bà P.) hợp đồng thuê két sắt ở Ngân hàng Sacombank gửi tài sản này với lý do phía anh em bà P. cho rằng, tài sản này có phần hùn hạp của anh em bà ở trong nước và nước ngoài. * Ngày 10/4/2012, Ngân hàng ra thông báo, trong vòng 90 ngày sẽ thanh lý hợp đồng thuê két sắt cho chị L. và ông Ph.. * Ngày 23/5/2012, phía ngân hàng tiếp tục ra thông báo gửi cho ông Ph. và chị L. về việc thanh lý hợp đồng và mời hai người ngày 30/5 có mặt để thanh lý. * Ngày 28/5/2012, do ngân hàng không cho tiếp tục gửi két sắt nữa nên ông Ph. cho rằng, ngân hàng đã đơn phương thanh lý hợp đồng nên đã đã gửi đơn kiện Ngân hàng Sacombank tới TAND quận 3, đề nghị tòa án xem xét buộc Sacombank tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê ngăn tủ. * Ngày 30/5/2012, đại diện ngân hàng làm việc với ông Ph. và chị L. về việc chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, chị L. xin gia hạn thêm 30 ngày gửi tài sản nữa để ông Ph. có thời gian chứng minh tài sản, nhưng ông Ph. từ chối gửi nên Ngân hàng giao tài sản cho chị L. * Ngày 6/6, Người bảo vệ quyền lợi của chị L. cho biết, chị L. vừa có thư thông báo cho các cậu (là em của bà P.) về việc chị L đã thanh lý hợp đồng thuê tủ sắt với Ngân hàng Sacombank. |