Hé lộ nguyên nhân đứt gãy kè sông Thạch Hãn
Báo CAND đã thông tin về vụ sạt lở, đứt gãy công trình kè bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, 1 người bị chết, 3 ngôi nhà và tiệm kinh doanh hàng hóa của người dân bị đổ sập xuống sông.
Chiều 9/12, chúng tôi trở lại hiện trường vụ sạt lở, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị; quan sát bằng mắt thường trên đoạn kè 370,3m, ngoại trừ điểm sạt lở, đứt gãy khiến nhà dân bị sập, người bị chết, hầu hết bề mặt công trình có vết nứt và dấu hiệu bị sụt lún dọc theo chiều dài bờ sông.
Qua trao đổi, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, sau vụ sạt lở, đứt gãy công trình kè bờ sông Thạch Hãn, UBND tỉnh Quảng Trị giao trách nhiệm cho đơn vị rà soát, kiểm tra toàn bộ công trình kè bờ sông trên địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện các sự cố, nguy cơ hư hỏng, báo cáo UBND tỉnh để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Đối với kè bờ sông Thạch Hãn qua xã Hải Lệ, đơn vị đề nghị tiếp tục di dời dân, do hiện nay công trình cho thấy không an toàn. Sau di dời, chính quyền, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra kỹ lưỡng việc thiết kế, quá trình thi công, giám sát công trình để xác định, làm rõ nguyên nhân gây sạt lở, đứt gãy tuyến kè, xử lý nghiêm sai phạm nếu có theo quy định pháp luật.
Sạt lở bờ sông Thạch Hãn, đoạn qua thôn Trà Liên Tây. Ảnh minh họa.
Báo cáo với chính quyền, cơ quan chức năng địa phương, ông Lê Hữu Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất (ĐTXD&PTQĐ) thị xã Quảng Trị cho rằng, có các nguyên nhân chính sau gây sạt lở, đứt gãy công trình kè bờ sông Thạch Hãn. Theo đó, vị trí sạt lở là khu vực thường xuyên khai thác cát diễn ra bên phía bờ đối diện; lòng dẫn đoạn kè vì thế bị thay đổi theo hướng bất lợi; nước sông chảy hằng ngày cộng lượng lớn mưa lũ và chảy xiết, đã gây xói lở đáy lòng dẫn này. Cùng với tác động, hậu quả kể trên, thời gian qua, tuyến đường Nguyễn Hoàng qua xã Hải Lệ và sát bờ sông Thạch Hãn có hàng trăm lượt xe tải loại “hổ vồ” chở cát, sỏi chạy suốt ngày đêm, tạo nên áp lực lớn vào khối đất bên trong bờ kè, góp phần gây dịch chuyển những dãy rọ đá, khiến chúng trượt trên phần đá hộ chân công trình và đứt gãy, đổ sập ra phía bờ sông.
Khi chúng tôi đề cập đến nguyên nhân người dân phản ánh, đó là công trình được thi công theo cách đặt chồng rọ đá lên phần đá hộ chân công trình, sau mỗi dãy rọ được trải lên đó một lớp bạt, nên những lớp bạt này thành vật giữ nước, lâu ngày tích tụ thành khối lượng lớn gây sạt lở đất và làm đứt gãy kè…, ông Thắng thừa nhận việc thiết kế, thi công như vừa đề cập là không đảm bảo, nhưng lại cho rằng do nguồn kinh phí hạn hẹp; hơn 6 tỷ đồng thi công 370,3m kè, nên UBND thị xã Quảng Trị thống nhất với đơn vị Ban Quản lý dự án ĐTXD&PTQĐ thị xã Quảng Trị chọn phương án trên nhằm khắc phục đoạn sạt lở bờ sông trước mắt(?!).
Như vậy, sau gần 2 tháng xảy ra sạt lở bờ sông Thạch Hãn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đến nay trách nhiệm của các bên liên quan vẫn chưa được làm rõ, xử lý theo pháp luật. Điều lo lắng, ở thời điểm hiện tại, các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm này vẫn đang bám trụ, chưa chịu rời đi đến nơi định cư mới. Thiết nghĩ, chính quyền, cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương cần quyết liệt vào cuộc hỗ trợ, vận động người dân sớm di dời tái định cư, tránh xảy ra hậu quả thương tâm như vụ sạt lở gây sập nhà, chết người như vừa qua.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 16/10, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, đã có những thống kê thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra trong những ngày vừa qua.