Hé lộ danh tính chủ nhân những công trình 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn
Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội vừa có báo cáo danh sách 18 công trình xây dựng trái phép trên đất rừng ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) và chủ nhân những công trình này. Theo tìm hiểu, đa phần chủ nhân của những công trình là người từ Hà Nội và các tỉnh.
Danh tính chủ những công trình trái phép
Ban quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội (Ban Quản lý rừng) vừa có báo cáo gửi Sở NNPT&NTHà Nội, UBND huyện Sóc Sơn về 18 công trình xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ thuộc xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn,) và chủ nhân của những công trình này. Đồng thời, báo cáo cũng chỉ rõ xã Minh Phú đã xác thực vào hợp đồng chuyển nhượng mua bán đất rừng.
Báo cáo của Ban Quản lý rừng cũng nêu đích danh 18 công trình xây dựng trái phép trên đất rừng ở xã minh Phú, đồng thời chỉ rõ danh tính, chủ nhân những công trình này.
Cụ thể, tại lô 7.1, khoảnh 12 có diện tích 1.290m2 chủ đầu tư là ông Phạm Mạnh Hà; hợp đồng mua bán, chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận từ năm 2003. Theo đó, ông Hà xây khung nhà thép với diện tích 85m2. Ban Quản lý rừng lập biên bản từ tháng 6/2018 yêu cầu hộ dân tự tháo dỡ, tuy nhiên đến giữa tháng 8 công trình vẫn ngang nhiên tồn tại.
La liệt các biệt thự, nhà vườn, khu sinh thái, du lịch xây dựng kiên cố trái phép đua nhau mọc và 'tàn phá' đất rừng phòng hộ tại xã Minh Phú và xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) gây bức xúc dư luận.
Cũng tại lô 7.1, khoảnh 12, có chủ đầu tư là bà Nguyễn Thị Thu, theo quy hoạch 2008 là quản lý bảo vệ rừng, loại cây thông. Còn theo hồ sơ chủ đầu tư đất cung cấp, gồm: sổ lâm bạ thời gian cấp từ tháng 4/2003, diện tích được giao 1.080m2, đất trắng; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có xác nhận của UBND xã với diện tích 1.080m2, sử dụng vào mục đất thổ cư + vườn quả.
Sau đó, gia đình bà Thu cho dựng khung nhà thép với diện tích 80m2. Ngay sau khi phát hiện, Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn đã lập biên bản vi phạm, thu thập các loại hồ sơ liên quan, ra các thông báo yêu cầu tự tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không chấp hành.
Các hộ khác, gồm: bà Tạ Phạm Bích Thủy, Lê Quỳnh Trang (1.260m2); Lâm Thị Minh Phúc (2.000 m2); Trần Hồng Hạnh (2.018 m2); Trần Thị Kim (3.350 m2); Lê Xuân Long (3.251 m2); Đỗ Việt Anh (1.090 m2); ông Ngô Văn Cam (chủ sở hữu các lô 3-4-5, khoảnh 11); bà Vũ Thị Hải và hộ bà Nguyễn Thị Tuyết (diện tích 3.118 m2)...
Các hộ còn lại, gồm hộ ông Hoàng Vượng; Đào Thị Thanh Thủy; Nguyễn Hồng Thủy; Nguyễn Thị Tâm; Vũ Thị Huệ không có diện tích cụ thể.
Theo Ban Quản lý rừng, các hộ nêu trên đều là đất bảo vệ, cải tạo nâng cấp, loài cây thông và nhiều cây ăn quả. Hợp đồng chuyển nhượng; đơn xin sửa chữa, cải tạo xây dựng công trình trên đất đều có xác nhận của UBND xã Minh Phú.
Đa phần "đại gia" Hà Thành và các tỉnh về mua đất rừng?
Theo Ban Quản lý rừng, vào năm 2017, qua công tác kiểm tra trên diện tích rừng quản lý, đơn vị đã phát hiện tình trạng xây dựng nhà và làm lán trại trên đất quy hoạch lâm nghiệp trái phép.
Sau khi phát hiện, Ban Quản lý rừng đã yêu cầu các hộ vi phạm tự khắc phục tháo dỡ hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ tại khu vực khoảnh 11 và 12 (theo quy hoạch rừng năm 2008) trên địa giới hành chính xã Minh Phú không chấp hành.
Ban Quản lý rừng cho rằng, có sự trùng chéo trong phân cấp quản lý. Cụ thể, chưa có ranh giới phân định rõ giữa diện tích do Ban Quản lý rừng với các xã quản lý dẫn đến nhiều diện tích rừng theo quy hoạch 2008 giao cho Ban Quản lý rừng quản lý nhưng lại do các địa phương giao cho các hộ bằng sổ lâm bạ, có xác nhận của xã.
"Nguyên nhân không chấp hành của một số chủ nhân công trình là, theo quy hoạch rừng năm 2008, diện tích các hộ đang vi phạm do là Ban quản lý rừng quản lý nhưng trên thực tế, các hộ đều có sổ lâm bạ do UBND huyện Sóc Sơn cấp từ năm 1990, có hợp đồng chuyển nhượng qua xã xác nhận; trong hợp đồng có đất thổ cư, phiếu thu xây dựng cơ sở hạ tầng, hóa đơn nộp thuế", báo cáo chỉ rõ.
Đơn vị này cũng cho rằng, do có sự trùng chéo trong công tác giao đất, cấp đất nên việc bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Theo Ban Quản lý rừng, hợp đồng chuyển nhượng, đơn xin sửa chữa, cải tạo xây dựng công trình trên đất đều có xác nhận của UBND xã Minh Phú.
Liên quan đến 18 công trình vi phạm trên đất rừng phòng hộ tại xã Minh Phú, ngày 31/10, huyện Sóc Sơn cũng đã phê duyệt kế hoạch cưỡng chế 18 công trình sai phạm này. Hiện xã Minh Phú báo cáo lên có 3 hộ đang tự động tháo dỡ, còn 15 hộ thanh tra xây dựng huyện đang đốc thúc chính quyền địa phương vận động người dân tự tháo dỡ. Trong tháng 11, nếu các công trình không được tháo dỡ, huyện sẽ cưỡng chế.
Theo tìm hiểu, trong số 18 trường hợp vi phạm trên chỉ có 2 hộ người lâm trường, số còn lại là người từ Hà Nội và các tỉnh mua đất xây nhà ở và các công trình trên đất rừng.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý, trước đó, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã ra quyết định đình chỉ công tác 30 ngày đối với ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch xã Minh Phú, để phục vụ quá trình thanh tra sai phạm trên đất rừng phòng hộ ở địa phương này.
Ngày 30/10, tại cuộc họp bao ban thành phố Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo ra thông báo để các hộ dân vi phạm trật tự xây dựng đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn tự tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế, bất kể là ai.
Hiện, Thanh tra TP Hà Nội đang trong quá trình thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn 2 xã Minh Phú và Minh Trí. Trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện còn 45 trường hợp vi phạm, trong đó xã Minh Phú có 18 công trình và xã Minh Trí có 27 công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Trong số 27 công trình đang bị điểm danh, Hoàng Lê Gia Garden có quy mô “khủng” nhất.