Hé lộ chiêu né cấm vận tàu biển của Triều Tiên
Triều Tiên đồng loạt cho đổi tên, sơn lại cờ cho 13 tàu vận tải biển của mình trong thời gian gần đây, sau khi bị Liên Hợp Quốc mở rộng lệnh cấm vận.
Ngày 26/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận một báo cáo của ủy ban cấm vận về việc Triều Tiên đang áp dụng chiêu đổi tên, sơn lại cờ cho đội tàu vận tải biển của mình nhằm né các lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc.
Sau khi Triều Tiên 3 lần thử hạt nhân, Liên Hợp Quốc đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt và cấm vận nặng nề đối với quốc gia này, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ vũ khí.
Hồi năm ngoái, ủy ban cấm vận của Liên Hợp Quốc đã mở rộng lệnh cấm vận đối với công ty Quản lý Hải dương Triều Tiên (OMM) sau khi một con tàu của công ty này bị phát hiện đang vận chuyển vũ khí trái phép từ Cuba.
Theo báo cáo của ủy ban cấm vận, OMM hiện đã đổi tên 13 trong số 14 tàu biển của mình, đồng thời chuyển giao quyền sở hữu số tàu này cho các công ty dầu khí, đồng nghĩa với việc những con tàu này sẽ được xóa tên khỏi “danh sách đen” của Liên Hợp Quốc.
Báo cáo nhấn mạnh: “Những thay đổi này có vẻ như là chiến lược (của Triều Tiên) nhằm né các lệnh đóng băng tài sản do các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ban hành”. Hiện đội tàu biển của Triều Tiên đang hoạt động ở ít nhất 10 quốc gia trên thế giới.
Báo cáo cũng cho hay bất chấp các lệnh cấm vận nghiêm ngặt, Triều Tiên vẫn có thể tiếp tục “tìm cách mua sắm hoặc chuyển giao các thiết bị liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của mình”.
Theo lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên không được phép xuất khẩu vũ khí và cũng không được phép nhập khẩu tất cả các loại vũ khí, trừ các loại súng cỡ nhỏ.
Tuy nhiên hồi tháng 7/2013, con tàu Chong Chon Gang của Triều Tiên đã bị chặn lại ở kênh đào Panama vì bị nghi ngờ vận chuyển ma túy. Khi khám xét con tàu này, nhà chức trách Panama đã phát hiện các container vũ khí, trong đó có tên lửa và thiết bị máy bay, được giấu bên dưới các bao tải đường.
Sau đó, Cuba tuyên bố số vũ khí trên là của họ và đây đều là những vũ khí, khí tài lạc hậu có từ thời Liên Xô đang được gửi sang Triều Tiên để sửa chữa.
Mặc dù vậy, Liên Hợp Quốc vẫn quyết định mở rộng lệnh cấm vận đối với OMM vì công ty này “đóng vai trò quan trọng trong việc thu xếp vận chuyển số vũ khí không khai báo này”.