Hé lộ bí mật về tập tục kỳ lạ của tộc người ngủ ngồi ở Nghệ An
Đan Lai là tộc người thiểu số chỉ có duy nhất tại tỉnh Nghệ An, tách biệt thế giới bên ngoài. Một điều mà ai đến nơi đây cũng thấy kỳ lạ là người Đan Lai không có giường vì cả bộ tộc đều... ngủ ngồi.
Gian nan vào tộc người ngủ ngồi
Đan Lai là một tộc người sinh sống ở vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, tập trung chủ yếu bên cạnh dòng sông Giăng, thuộc xã miền núi Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Để vào được nơi đây có 2 cách là đi thuyền men theo dòng nước sông hoặc đi xe máy xuyên rừng. Với mục đích chủ động cho chuyến đi và cũng để di chuyển được nhiều nơi hơn nên chúng tôi chọn cách thứ hai.
Con đường mòn vào tộc người Đan Lai.
Vào báo cáo với đồn biên phòng Môn Sơn, phóng viên được người chiến sĩ trực ban cho hay: “Từ trung tâm xã vào đến bản chỉ khoảng 20km thôi nhưng các anh phải chuẩn bị tinh thần đấy, đường khó đi lắm. May mà mấy hôm nay trời nắng nên đường không trơn trượt, đi dần dần cũng sẽ vào thôi, người không quen tay lái có thể mất đến 2 – 3 tiếng mới vào đến nơi”.
Được khuyến cáo từ trước nên chúng tôi lên sẵn "dây cót" tinh thần. Qua khỏi cầu treo sông Giăng 1, tôi bắt đầu hành trình để vào với đồng bào Đan Lai. Ngay từ chặng đường đầu tiên, chiếc xe máy đã luôn luôn ở số 2, thậm chí phải vào 1 để leo dốc và đổ đèo liên tục. Con đường khá rộng, thế nhưng vô cùng khó đi bởi toàn đá lởm chởm, vô cùng trơn trượt, nếu không cẩn thận thì có thể ngã hoặc thậm chí trật ra khỏi đường lúc nào không hay.
Mặt đường vô cùng khó đi.
Con đường ngoằn ngoèo, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu càng khiến cho tôi toát hết mồ hôi. Đặc biệt, nhìn phía trước, con đường vắt từ quả núi này sang quả núi khác cảm giác như không có điểm dừng, khiến bất cứ ai cũng có cảm giác đi mãi không đến. Chỉ đi khoảng 15 phút, cả hai cánh tay tôi mỏi nhừ bởi phải liên tục gồng lên trong những đợt lên xuống con dốc. Chiếc áo ướt đẫm mồ hôi dù không khí núi rừng vô cùng trong lành.
Đúng như người chiến sĩ biên phòng đã nói, may mắn hôm nay trời nắng, chứ nếu trời mưa thì không thể nào di chuyển bằng xe máy được. Tôi đồ rằng, nếu được đầu tư thì con đường này sẽ là một địa điểm vô cùng lý tưởng để những tay lái công thức 1 thi tài.
Con đường chỉ có thể đi vào hôm trời nắng, trời mưa thì... chịu thua.
Gặp những con dốc cao quá, người bạn đồng hành phải xuống cuốc bộ để tôi đi xe một mình. Thế nhưng việc leo núi còn dễ dàng hơn xuống núi, nhìn con dốc hun hút khiến cho bất cứ ai lần đầu đi con đường này cũng cảm giác ớn lạnh.
Sau gần 2 tiếng di chuyển, bụng tôi quặn lên vì những cú xóc, cả người mệt mỏi chỉ ước có một chiếc giường ở đây để ngả lưng dù chốc lát. Bộ phận giảm xóc của chiếc xe kêu kẹt kẹt như phản đối chuyến đi, mùi cao su của lốp khét lẹt khi xuống những con dốc thẳng đứng. Vừa đi tôi vừa thầm cầu khấn, xin đừng xảy ra sự cố, bởi chỉ cần thủng săm ở đây thì chỉ biết đứng khóc chịu thua. May mắn điều đó đã không xảy ra, những căn nhà trong núi dần hiện ra báo hiệu nơi đây có người ở.
Bản Cò Phạt nằm sâu trong rừng.
Chuyện về tộc người ngủ ngồi duy nhất ở Việt Nam
Đón những vị khách lạ vào nhà, ông La Văn Hồng (SN 1964) cho biết, người Đan Lai chủ yếu sống ở hai bản Cò Phạt và bản Bủng. Tại bản Cò Phạt lại chia thành 4 nhóm dân cư nhỏ sống gần với sông Giăng và nơi đây được gọi là nhóm Khe Lẻ, cũng là nơi gần với trung tâm xã nhất, còn đi vào trung tâm bản phải mất khoảng 5 – 6km nữa.
Theo ông Hồng, từ xưa các vị già làng đã kể rằng người Đan Lai không phải gốc gác ở đây. Hàng trăm năm trước, họ bị bạo chúa miền Hoa Quận (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) yêu cầu nộp 100 cây nứa bằng vàng thật và một chiếc thuyền liền mái chèo. Không biết tìm đâu, sợ bị thảm sát, họ cùng nhau nửa đêm chạy vào rừng, chạy mãi đến tận thượng nguồn sông Giăng mới dừng lại.
Tập tục ngủ ngồi của người Đan Lai.
“Hồi xưa sống du canh du cư, cứ dựng lán bằng lá cây, khi nào lá chuyển qua màu vàng lại dời đi nơi khác. Sống trong rừng nhiều thú dữ, lại sợ quan quân truy đuổi nên tổ tiên chúng tôi phải ngủ ngồi. Cả bộ tộc mỗi tối tụ tập quanh bếp lửa rồi lấy khúc gỗ có ngàm dựa vào cằm ngủ”, ông Hồng kể.
Khi ngủ ngồi họ có thể gục mặt xuống đầu gối hoặc có thể dùng một hoặc hai chiếc gậy, nắm tay trên đầu gậy và gục mặt xuống ngủ. Trước mặt luôn là đống lửa vừa để sưởi ấm vừa soi rọi ánh sáng.
Theo ông Hồng, trước đây hễ nghe tiếng động của con thú là tháo chạy thoát thân. Do quá sợ, có người còn trèo lên ngủ trên cành cây. Dần dần, hình thức đó ăn sâu vào tâm trí của người dân nên dù có dựng nhà gỗ to thì mọi người vẫn ngủ như vậy. Cho đến gần đây, người dân Đan Lai mới thay đổi tập tục này. “Giờ thì nhà nào cũng có giường, chiếu, chăn màn như đồng bào các dân tộc khác. Riêng nhà tôi có đến 2 cái giường bằng gỗ”, ông Hồng hào hứng khoe.
Mặc dù ở vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, sống giữa thiên nhiên giàu có nhưng người Đan Lai vẫn nghèo. Cái nghèo, cái đói cứ như sợi dây vô hình, nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nguyên nhân là do cảnh sống nguyên thủy của tộc người này. Đến đầu năm 1980, Bộ đội Biên phòng phát hiện nhóm người Đan Lai sinh sống như người rừng ở đầu nguồn. Phải rất khó khăn, bộ đội mới có thể tiếp cận được nhóm người này và cũng từ đó cuộc sống người dân mới dần thay đổi.
Mái đỏ ẩn hiện giữa rừng xanh, người Đan Lai đã bắt đầu thay đổi.
Ông cho hay, giờ người dân Đan Lai đã biết cày ruộng, cấy lúa, trồng rau, chăn nuôi giỏi lắm rồi, không vào rừng săn bắn, hái lượm như trước nữa. Các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cắm bản cũng chăm chút dạy cái chữ cho các cháu, không để cái bản mù chữ nữa. Chỉ vào ngôi nhà mới dựng còn thơm mùi gỗ, ông Hồng khoe mới dựng được căn nhà từ hồi đầu năm như sự thay đổi của tộc người Đan Lai.
Ông Lương Văn Hoa, Chủ tịch xã Môn Sơn, huyện Con Cuông cho hay, để thay đổi được tập quán của người Đan Lai là một hành trình vô cùng khó khăn, vất vả. “Ý thức vươn lên của người Đan Lai thấp, hằng năm chính quyền cấp rất nhiều lúa gạo nhưng họ lại đổi lấy rượu để uống. May mà có sự vào cuộc của nhiều ngành, đặc biệt là lực lượng biên phòng, nên cuộc sống của họ giờ thay đổi rất nhiều so với trước đây”, ông Hoa cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]
Đi ăn trộm dịp đầu năm, vỗ mông hay bắt chồng là những phong tục đón năm mới độc đáo chỉ có tại Việt Nam.