Hậu vụ cháy chung cư làm 13 người chết: Vật vờ nơi lánh nạn
Dù đã 10 ngày trôi qua nhưng hàng trăm người dân chung cư Carina Plaza, Quận 8, TPHCM vẫn phải sống vật vờ, tạm bợ, chen chúc trong các căn hộ tạm trú...
Mọi sinh hoạt của người dân đều dưới nền nhà ở nơi sống tạm
Cuộc sống đảo lộn
Những bức tường chung cư Carina Plaza, sau 10 ngày xảy ra vụ cháy kinh hoàng vẫn một màu xám xịt; những mảng tường bong tróc, cây cối xung quanh chết khô, vắng hoe, lạnh lẽo.
Bên kia đường, phía đối diện chung cư Carina là nơi những người dân bị ảnh hưởng được chủ đầu tư bố trí căn hộ cho ở tạm trong thời gian chờ sửa chữa nhà. Khu chung cư này cũng đang được xây dựng nhưng đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo được những yêu cầu tối thiểu cho sinh hoạt tạm bợ như tắm rửa, chỗ ngủ... Tuy nhiên, những người dân ở đây phải chen chúc với 2 gia đình ở chung một căn hộ với các điều kiện sinh hoạt tối thiểu và không thể nấu ăn.
Hầu hết những cư dân ở tạm tại đây đều phải ăn uống nhờ vào những suất cơm từ thiện. “May mà có mạnh thường quân cứu trợ chứ không thì chẳng biết ăn uống như thế nào. Nhà ở tạm thì không có bếp núc, xung quanh cũng không có chỗ bán cơm. Có hôm hết cơm thì mọi người lấy mì gói về ăn…”, bà Nhung, một cư dân chung cư Carina Plaza chia sẻ.
Bà Nhung và một gia đình khác được bố trí ở một căn hộ tại tầng 9 nhưng theo bà Nhung chỉ trải chiếu để nằm vì trong nhà chưa có nội thất gì. Cũng như bà Nhung gia đình chị Uyên Nguyên (42 tuổi, chủ căn hộ ở lô B, chung cư Carina) được chủ đầu tư sắp xếp ở chung với một gia đình khác tại tầng 22. Hai gia đình với 9 thành viên chen chúc trong căn hộ. “Sinh hoạt thường nhật bị đảo lộn, ăn uống, giặt đồ cũng trở nên khó khăn hơn. Nói chung ở như thế này quá nhiều bất tiện…”, chị Nguyên nói.
Mong sớm được về nhà
Bà Ngọc Anh (chủ căn hộ ở tầng 4, chung cư Carina) cho hay, gia đình bà có 4 chiếc xe máy để dưới hầm đều bị cháy rụi. Thời gian qua, để có phương tiện đi làm, bà phải đến nhà người quen mượn 2 chiếc xe để các thành viên trong gia đình chia nhau sử dụng. “Dù họ cho mượn căn hộ để sống tạm là may mắn nhưng cũng có nhiều bất tiện vì chưa có nội thất. Căn hộ họ mua chưa ở mà mình vào ở cũng thấy không thoải mái. Hôm trước, có người được chủ đầu tư cho vào một căn hộ để ở nhưng mới được một buổi thì chủ nhà đến đuổi thẳng ra ngoài”, bà Anh nói.
Không chịu được những khó khăn, bất tiện khi ở ngoài, một số gia đình ở toà nhà C (nơi ít bị ảnh hưởng của vụ cháy) đã trở về căn hộ mình ở dù điện nước chưa được cấp lại. Hàng ngày, những người đàn ông khỏe mạnh phải dùng can, xô nhựa xuống tầng trệt hứng và xách từng xô nước để sinh hoạt.
Ông Dũng (lô C, chung cư Carina) cho biết, gia đình ông đã dọn về căn hộ của mình mấy ngày qua. Hàng ngày, ông Dũng phải đi lên xuống nhiều vòng để xách nước lên căn hộ của mình để sinh hoạt. “Sống ở ngoài có quá nhiều bất tiện, thiếu thốn đủ bề. Về căn hộ của mình dù không có điện, nước thì phải xách từng can dù mệt nhưng vẫn thấy an tâm hơn. Ít nhất đây cũng là nhà mình…”, ông Dũng nói.
Anh Ngô Hồng Thanh (ngụ lô B, chung cư Carina), dù đang thuê nhà ở ngoài nhưng hàng ngày, anh Thanh cũng tranh thủ trở lại chung cư để xách từng can nước lên lau dọn căn hộ của mình với mong muốn sớm được trở về ổn định cuộc sống. Anh Thanh cho hay, gia đình anh có mẹ già ngoài 70 tuổi, từ khi xảy ra vụ cháy phải chuyển đi ở thuê bên ngoài, sức khoẻ của mẹ anh giảm sút hẳn và bà thường xuyên đòi dọn về nhà sống. “Bình thường bà có phòng riêng, không gian riêng để sinh hoạt. Khi đi ở mướn, cả gia đình phải sống chung một phòng nên mọi sinh hoạt bị đảo lộn, bất tiện, cuộc sống khó khăn khiến sức khoẻ bà giảm dần”, anh Thanh cho hay.
Điều khiến chị Trang ám ảnh nhất đó là chị chứng kiến nhiều người ngã khuỵu xuống mà không thể giúp được gì.