Hậu trường chuyến tuần tra Biển Đông của Thần biển P-8A

Phóng viên CNN mới đây đã có dịp tham gia vào một chuyến bay trinh sát của hải quân Mỹ, mục kích các hoạt động cải tạo và xây đảo phi pháp của Trung Quốc tại các bãi đá trên Biển Đông cũng như các hành động đe dọa trắng trợn của Hải quân Trung Quốc. 

Cất cánh từ căn cứ không quân Clark tại Philippines, chiếc P-8A bay khoảng 750 km về phía Tây, hướng tới 3 bãi đá lớn trên biển Đông là Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Bắc Kinh đang ráo riết thực hiện nhiều hoạt động cải tạo, xây dựng phi pháp.

Từ trên cao nhìn xuống, mặt Biển Đông dường như chỉ có một màu xanh yên bình và tĩnh lặng, nhưng thực tế, đây lại là nơi giao thương  vô cùng tấp nập với khoảng 60% hoạt động hàng hải của thế giới.

Không chỉ trên mặt nước, dưới đáy biển cũng là nơi chứa trữ lượng dầu thô và khí gas khổng lồ. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Biển Đông được xem là vùng biển ẩn chứa nhiều nguy cơ xảy ra xung đột nhất thế giới hiện nay.

Hậu trường chuyến tuần tra Biển Đông của Thần biển P-8A - 1
Phóng viên CNN có mặt trên chiếc máy bay P-8A Poseidon tham gia vào một chuyến tuần tra trên Biển Đông.

 

Theo quan sát của phóng viên CNN, chiếc máy bay trinh sát P-8A Poseidon được gắn rất nhiều ăng-ten, camera hiện đại và có cả khoang chứa ngư lôi săn tàu ngầm kèm tên lửa chống hạm Harpoon. Bên trong chiếc máy bay hiện đại này là một hệ thống chứa nhiều thiết bị thu thập thông tin tiên tiến. Phóng viên của CNN đã gọi buồng lái của chiếc P-8A Poseidon như một trung tâm CIA thu nhỏ trên không.

Không phải ngẫu nhiên mà Lầu Năm Góc lại cho triển khai Thần biển P-8A tới khu vực châu Á. Nhiều nhà phân tích cho rằng, chiếc máy bay tuần biển và săn ngầm này chính là một biểu tượng của việc quay trở lại châu Á của chính quyền Tổng thống Obama.

P-8A Poseidon là máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến nhất của quân đội Mỹ và được mệnh danh là thứ vũ khí mà Hải quân Trung Quốc lo ngại nhất nếu xảy ra xung đột quân sự Mỹ-Trung trên biển.

45 phút sau khi cất cánh, mục tiêu của nhiệm vụ đầu tiên đã hiện ra trước mắt: Bãi đá Subi. Theo phóng viên CNN, có hơn 20 chiếc tàu hút cát của Trung Quốc đang hoạt động hết công suất để xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại đây. Chỉ trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã mở rộng diện tích bề mặt của bãi đá Subi lên 8 km².

Chiếc Thần biển P8 đang bay ở tầm thấp nhất ở độ cao 4500m  nên không khó bị  Hải quân Trung Quốc phát hiện. Ngay lập tức, trên radio vang lên giọng nói tiếng Anh mang ngữ điệu Trung Quốc: "Đây là Hải quân Trung Quốc, đây là Hải quân Trung Quốc, yêu cầu rời khỏi khu vực ngay lập tức để tránh hiểu nhầm".

Dường như các thành viên có mặt trên P8 không lấy gì làm xa lạ với các cảnh báo này. Phi công Mỹ nhanh chóng hồi đáp, giải thích đây là máy bay của không quân Mỹ đang hoạt động trong không phận quốc tế thuộc vùng biển quốc tế.

Hậu trường chuyến tuần tra Biển Đông của Thần biển P-8A - 2
Bãi Chữ Thập nhìn từ máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ - Ảnh chụp màn hình video của CNN

 

Tuy nhiên, bất chấp lời giải thích của phi công Mỹ, tín hiệu radio của Hải quân Trung Quốc tiếp tục nhắc lại lời cảnh báo với giọng điệu đầy hăm dọa, càng về cuối càng gay gắt và giận dữ. Tổng cộng trong suốt chuyến bay, phóng viên CNN đếm được 8 lời đe dọa từ phía Trung Quốc gửi tới máy bay của Mỹ.

Theo CNN, Trung Quốc thường đặt các trạm radar cảnh báo sớm trên các đảo đang tranh chấp hoặc trên các tàu hải quân tuần tiễu qua các đảo này. Theo một sĩ quan có mặt trên chuyến bay, những bãi đá san hô như Subi thường nằm cách xa các căn cứ không quân nên nếu muốn đánh chặn những máy bay như P-8A của Không quân Mỹ, bắt buộc Bắc Kinh phải nhanh chóng xây dựng các đường băng trên  những hòn đảo nhân tạo này.

Rời Bãi đá Subi, chiếc Thần biển hướng tới bãi đá Chữ Thập cách đó chỉ vài phút bay. Đây được xem là nơi Trung Quốc thực hiện các hoạt động cải tạo rầm rộ nhất, thậm chí còn được mệnh danh là "tàu sân bay không thể chìm".

Từ một bãi đá san hồ lập lờ dưới sóng biển, nay bãi Chữ Thập đã trở thành một hòn đảo nhân tạo với một đường băng gần như hoàn chỉnh, một tòa tháp, một trạm radar cảnh báo và những doanh trại dành cho quân đội Trung Quốc. Song song với đó, là những chiếc tàu hút cát vẫn đang hoạt động ngày đêm.

Chính quyền Mỹ cho rằng, nếu các hoạt động cải tạo của Bắc Kinh tiếp tục tiếp diễn với công suất như trên, những bãi đá này sẽ trở thành những căn cứ quân sự chiến lược của quân đội Trung Quốc ngay giữa vùng biển "nóng" nhất thế giới.

Trên máy bay P-8A, các thành viên phi hành đoàn đều giữ tâm trạng bình tĩnh và tự tin. Họ đã thực hiện những chuyến bay như thế này nhiều tháng nay. Một thành viên trên máy bay chia sẻ, nhìn từ các hoạt động xây dựng này có thể thấy, dường như hải quân Trung Quốc đang thách thức tất cả. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Obama đang xem xét việc điều máy bay hoặc tàu chiến tới khu vực các đảo đang tranh chấp để chứng tỏ lập trường của Mỹ đối với các vấn đề tại Biển Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Phong ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN