Hậu trường chuyến bay đón người Việt từ Vũ Hán
Theo các thành viên phi hành đoàn, rất khó để miêu tả cảm xúc của mình sau chuyến bay đặc biệt hôm ấy bởi diễn biến tâm trạng thay đổi liên tục.
Phi hành đoàn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Ảnh: Thanh Bình
Gần một tuần trôi qua nhưng cảm xúc của những thành viên phi hành đoàn Vietnam Airlines - những người trực tiếp đến Vũ Hán đưa 30 công dân Việt Nam trở về từ tâm dịch Covid-19 vẫn còn nguyên vẹn, đầy tình yêu thương và trách nhiệm.
Cơ trưởng Hoàng Đình Trang: Cảm nhận hết sự khủng khiếp
Tôi được thông báo đi làm nhiệm vụ tại Vũ Hán vào chiều 7/2. Vietnam Airlines từng thực hiện rất nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại những vùng chiến sự, bất ổn chính trị trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên bay tới vùng có dịch bệnh.
Ở Việt Nam, qua thông tin trên báo, đài, chúng tôi đã biết nhiều về dịch Covid-19 hay còn gọi là dịch nCoV, về số người nhiễm bệnh, về lệnh phong toả TP Vũ Hán. Tuy nhiên, chỉ đến khi thực sự hạ cánh tại sân bay này, tôi mới cảm nhận hết sự ảnh hưởng của dịch bệnh khủng khiếp tới mức nào. Sân bay Vũ Hán bình thường đông đúc, náo nhiệt là thế mà đêm hôm đó vắng vẻ không một bóng người.
Trước đây, khi bay tới khu vực tiếp cận hạ cánh, hội thoại giữa phi công và kiểm soát viên không lưu tại Vũ Hán diễn ra liên tục. Mỗi phút có tới 5-6 hội thoại, máy bay này nối đuôi máy bay khác. Nhưng đêm hôm đó, cả sân bay Vũ Hán chỉ có máy bay của Vietnam Airlines và 1-2 chuyến bay của Trung Quốc đang chuẩn bị cất cánh rời đi.
Tôi còn nhớ, lúc máy bay hạ cánh vào khoảng 1h sáng (giờ địa phương), trời tối đen như mực. Cái lạnh 3 độ ban đêm càng khiến sân bay trở nên ảm đạm. Dưới mặt đất, phía Trung Quốc chỉ có vài người đón đoàn, còn lại là toàn bộ phi hành đoàn của Việt Nam, cảm xúc lúc đó thực sự rất khó tả.
Khoảnh khắc nhìn những người Việt mình đứng tụm lại dưới sân bay vắng lặng chờ được lên máy bay, trong số đó cả trẻ con, thậm chí cả những em bé còn đang bế ngửa…, tôi chỉ muốn đưa họ về nước an toàn, càng nhanh càng tốt.
Cơ trưởng Phùng Thiên Quân: Thở phào khi máy bay đóng cửa, rút chèn
Tổ lái chuyến bay đi Vũ Hán có 2 cơ trưởng, 1 cơ phó. Tôi là người đảm nhiệm chặng từ Hà Nội đi. Anh Hoàng Đình Trang lái chặng về. Ngoài ra còn có cơ phó Đường Trung Dũng. Có một điều đặc biệt là tôi và anh Trang trước kia đã học bay cùng lớp với nhau, nay cả 2 có cơ hội ngồi chung 1 tổ lái, thực hiện chuyến bay khứ hồi chỉ mang 1 số hiệu là HVN68 hết sức đặc biệt này.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, với phi công Đoàn bay 919, nhận lệnh lúc nào là sẵn sàng lên đường lúc đó. Chúng tôi hoàn toàn không lo lắng về việc có thể bị lây virus mà chỉ quan tâm làm thế nào để đưa người dân mình về nước an toàn. Bởi vậy, khi cả 30 công dân đã lên máy bay, cửa đóng, chèn được rút, máy bay nhận lệnh cất cánh, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và khởi hành chuyến bay về.
Thời gian từ lúc chuyến bay cất cánh tại Nội Bài đến Vũ Hán, rồi quay trở lại, hạ cánh tại Vân Đồn không quá dài, chỉ vỏn vẹn 1 đêm. Nhà chức trách sân bay Vũ Hán cũng yêu cầu máy bay chỉ lưu lại từ 1-1,5 tiếng để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh vì vậy phi hành đoàn đã triển khai công việc diễn ra rất khẩn trương. Trên chuyến bay về, có lẽ vì cảm nhận được sự mong ngóng của hành khách muốn được mau chóng đoàn tụ với gia đình càng nhanh càng tốt nên cảm giác chuyến bay như dài hơn hẳn so với chuyến bay khác.
Tôi cũng rất vui và cảm động khi biết được tất cả 30 công dân Việt Nam cũng như toàn bộ phi hành đoàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ đều đang trong tình trạng sức khoẻ tốt.
Cơ phó Đường Trung Dũng: Sẵn sàng bay khi Tổ quốc gọi tên
Tôi chỉ mới gia nhập Vietnam Airlines từ năm 2016 và là thành viên trẻ tuổi nhất của phi hành đoàn phục vụ chuyến bay đặc biệt đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước.
Cảm xúc đầu tiên sau khi nhận được tin mình sẽ thực hiện nhiệm vụ trên chuyến bay đặc biệt này là bất ngờ xen lẫn chút e dè vì tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó là cảm giác háo hức được bay, được cống hiến. Bài học đầu tiên chúng tôi được học: Người bay cũng là người lính, luôn sẵn sàng khi Tổ quốc gọi tên.
Chuyến bay tới Vũ Hán được Vietnam Airlines thiết lập theo tiêu chuẩn gắt gao nhất. Phụ tùng, vật tư dự phòng cũng được đưa lên máy bay để sẵn sàng ứng phó với tình huống phát sinh. Điều khó khăn nhất là đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn khi vào tâm dịch tại Vũ Hán. Hai cuộc họp với các bác sỹ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bộ Y tế đã được tổ chức để đánh giá tất cả các tình huống có thể phát sinh và lên kế hoạch trang bị bảo hộ tốt nhất cho chuyến bay lần này.
Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng: 9 tiếng không ăn uống, không đi vệ sinh
Rất khó để miêu tả cảm xúc của mình sau chuyến bay đặc biệt hôm ấy bởi diễn biến tâm trạng thay đổi liên tục.
Để tránh lây nhiễm, cả đoàn công tác mặc đồ bảo hộ ngay từ khi bắt đầu lên máy bay. Đồng thời, hành khách cũng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ đeo khẩu trang nên chúng tôi không phục vụ suất ăn, tạp chí, chăn và dịch vụ giải trí trên chuyến bay đặc biệt này. Khó khăn nhất có lẽ việc đeo khẩu trang và bộ đồ phòng hộ gây khó chịu cho các cháu bé.
Sau khi máy bay hạ cánh, tất cả đều thở phào khi được các bác sĩ thông báo hành khách đều khỏe mạnh. Cảm giác nhẹ nhõm theo nghĩa đen là khi cả đoàn được “thoát khỏi” bộ đồ bảo hộ. Thời điểm tới Vũ Hán, nhiệt độ bên ngoài hạ thấp chỉ 3 độ C mà mồ hôi vẫn chảy ròng ròng trong người. 9 tiếng không ăn, uống, không đi vệ sinh (cả phi hành đoàn đều mặc bỉm để đảm bảo tuyệt đối không lây nhiễm), nhưng chúng tôi vui mừng vô hạn khi hành trình đặc biệt này đã thành công tốt đẹp.
Kết thúc chuyến bay đặc biệt này, cả đội đều sẵn sàng tinh thần cho một “kỳ nghỉ” dài vì phải cách ly theo dõi sức khoẻ. Anh em trong đội nói vui rằng đây là cơ hội để “nạp” năng lượng cho những hành trình mới.
Tiếp viên trưởng Lê Dũng: “Tranh nhau” đi Vũ Hán
Để có được một suất đi chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước từ Vũ Hán, ngay khi có thông tin từ tổng công ty, tôi đã phải nhanh tay đăng ký.
Có rất nhiều người xung phong đi. Một nữ đồng nghiệp của tôi có con học bên đó tha thiết được đi chuyến này. Tuy nhiên, quan điểm của tổng công ty là chỉ chọn tiếp viên nam, có kinh nghiệm bay lâu năm, có khả năng nói tiếng Trung Quốc.
Đi chuyến bay này, tôi không dám nói với bố mẹ vì sợ mọi người lo, không yên tâm để mình đi. Người duy nhất biết tôi có mặt trên chuyến đi này là vợ tôi.
Vợ tôi cũng lo, bản thân tôi nói không lo cũng không đúng. Nhưng tôi biết mình cần phải đi. Tôi muốn đi. Cảm giác khi gặp người Việt mình và đưa họ về rất khó tả, vừa vui, vừa tự hào.
Mọi việc trên chuyến bay đều đã được chuẩn bị hết sức kỹ càng, từ phương án hành khách bình thường thì thế nào, có hành khách sốt thì làm sao, cách ly như thế nào trên máy bay. Nhiệm vụ của từng người được bàn và giao hết sức cụ thể. Thành viên tổ bay mỗi người một việc như kiểm tra trang thiết bị, đón khách, phát trang phục phòng dịch cho khách. Các bác sĩ đi theo thì kiểm tra sức khỏe cho hành khách tại chân máy bay.
Thậm chí chúng tôi đã chuẩn bị một khu vực đỡ đẻ trên máy bay khi được biết có một nữ hành khách đang mang bầu 36 tháng. Đi cùng chúng tôi có một bác sĩ ở bệnh viện phụ sản. Tuy nhiên, mỗi tiếp viên ngay từ khi học cơ bản cũng đã được học cách đỡ đẻ và cắt dây rốn. Rất may, đến khi hạ cánh tại Vân Đồn thì mọi việc vẫn ổn. Chúng tôi đã không có một ca đỡ đẻ trên chuyến bay đặc biệt này.
Nhiều giờ đồng hồ liền không ăn, không uống, không đi vệ sinh nhưng khi máy bay hạ cánh thì tất cả mọi người đều khoẻ mạnh. Chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, như thế là vui nhất.
Đội phó Điều hành phục vụ mặt đất Hoàng Trung Kiên: Lên đến tàu bay, khách không giấu nổi niềm vui trên ánh mắt
Là Đội phó Đội Điều hành và quản trị cơ sở dữ liệu (VIAGS), tôi đã có gần 20 năm gắn bó với Vietnam Airlines và có cơ hội tham gia nhiều chuyến bay đặc biệt của hãng.
Năm 2014, tôi tham gia một chuyến đi đặc biệt đến Ai Cập của Vietnam Airlines để đón lao động từ Libya về nước. Thời điểm ấy, trước lúc đi còn chưa biết chính xác sẽ có bao nhiêu chuyến bay và trong bao lâu sẽ về. Trong suốt quá trình đi “giải cứu” lao động, mọi người đều xác định tinh thần như khi ra chiến trường. Kết thúc chiến dịch với 100% chuyến bay an toàn tuyệt đối thật là kỳ tích.
Chuyến bay vào tâm dịch lần này thật đặc biệt. Những hành khách của chúng tôi khi mới gặp ở Vũ Hán trông hết sức mệt mỏi. Sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt. Nhưng khi lên đến tàu bay, niềm vui không giấu trên ánh mắt của họ và đó cũng chính là niềm vui của chúng tôi.
Kỹ sư bảo dưỡng máy bay Đỗ Tùng Lâm: Chuyến bay mang cả tình người
Tôi chưa từng phục vụ chuyến bay nào tương tự. Khi đại dịch SARS diễn ra, tôi đang theo học chuyên ngành kỹ thuật hàng không tại Liên bang Nga. Khi dịch Ebola xảy ra thì chúng tôi phục vụ tại cảng Nội Bài. Tôi và một người bạn là người đi đón chuyến bay A330 đó. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh đồng bào mình ùa ra khỏi xe thang khi tàu bay hạ cánh.
Mơ ước của tôi là được tham gia vào những chuyến bay ý nghĩa như vậy.
Chính vì thế, khi xin tham gia đi chuyến bay này, tôi chẳng những không lo lắng hay hoang mang gì mà tôi còn thấy đôi chút phấn khích.
Vợ tôi khi nghe tin tôi muốn tham gia chuyến bay này thì hoảng hốt lắm. Cô ấy rất lo lắng cho sự an toàn của tôi. Nhưng với sự kiên quyết, tôi thuyết phục vợ và trấn an cô ấy rằng tôi sẽ trở về an toàn. Bố mẹ tôi cũng không ngăn cản gì cả, nhưng từ hôm biết con trai sắp sang tâm dịch, ông bà lo lắng lắm, bồn chồn hỏi han công tác chuẩn bị cho chuyến bay. Tôi hiểu tất cả người thân đều rất lo lắng cho mình.
Vietnam Airlines và các bộ, ban ngành đã họp đoàn và chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho chuyến đi này, lúc này tôi lại càng cảm thấy chuyến đi này ý nghĩa đến chừng nào. Đoàn chúng tôi rất tập trung và nghiêm túc trong việc chuẩn bị và xây dựng cả kịch bản, tình huống giả định để kịp thời ứng phó. Trong suốt gần 1 tuần chuẩn bị cho chuyến bay, cũng có phát sinh nhiều thay đổi.
Là cán bộ kỹ thuật, công việc của tôi đòi hỏi phải đi theo tàu bay nhiều lần rồi, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc như thế này, một chuyến bay thấm đẫm tình người, đưa những con người sát lại gần nhau.
Khi đã an toàn trở về rồi, phi hành đoàn chúng tôi được chỉ định cách ly theo dõi sức khoẻ. “Công việc” của tôi hiện giờ là cách ly đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho gia đình và những người xung quanh. Kỳ nghỉ Tết năm nay có vẻ hơi dài quá (cười).
Niềm vui của những công dân Việt khi được lên máy bay trở về từ Vũ Hán
Thủ tướng tặng Bằng khen cho tổ bay Vietnam Airlines Sáng 13/2, tại sân bay quốc tế Nội Bài, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen cho tổ bay Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay đến, đi từ Vũ Hán vào ngày 9/2 và 10/2 vừa qua. Trong vòng 9 tiếng từ đêm 9/2 đến rạng sáng 10/2, tổ bay và các bộ phận mặt đất của Vietnam Airlines đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao Kết thúc hành trình, tổ bay từ Vũ Hán trở về hiện đang được cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như được kiểm tra sức khoẻ thường xuyên. Tình trạng sức khỏe của tất cả các thành viên đều duy trì ổn định. |
"Đó không chỉ là chuyện phân công nhiệm vụ công tác, đó thực sự là tình yêu với đồng bào mình".
Nguồn: [Link nguồn]