2 giờ trực tiếp về Sơn Đoòng: Hậu trường chưa kể

“Trong điều kiện xuyên rừng, trèo đèo, lội suối gần 1 ngày trời, các bạn cứ tưởng tượng, để đưa hơn 1 tấn thiết bị tối tân nhất trong lĩnh vực truyền hình vào hang Én, Sơn Đoòng mà không hỏng hóc một con vít, hay cong vênh một thiết bị nào, nó khó khăn đến mức nào?” - ông Hồ Khanh người chỉ huy đội gùi thồ địa phương bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi đầy chuyên nghiệp.

2 giờ trực tiếp về Sơn Đoòng: Hậu trường chưa kể - 1

Ê kíp chương trình dựng lán ngủ lại trong hang Én

Bí mật thông tin như thời chiến

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty lữ hành Quốc tế Oxalis có trụ sở ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch cứ năm lần, bảy lượt xin lỗi anh em báo chí vì đến phút chót ông mới tiết lộ chương trình truyền hình trực tiếp hang Sơn Đoòng trong chương trình chào buổi sáng của hãng truyền hình ABC News trên đất Mỹ. Ông Á cho biết, họ đến Quảng Bình hết sức bí mật. Họ đi qua con đường ngoại giao nên ngay cả giới chức địa phương cũng rất ít người biết.

Để trở thành nhà phối hợp của chương trình truyền hình trực tiếp, ngoài việc đảm bảo tất cả các yêu cầu về nhân lực, vật lực, Công ty Oxalis của ông Á phải cam kết tuyệt mật thông tin. Nếu để lộ thông tin của đoàn như: hành trình, kịch bản, thành phần thực hiện trước ngày 14/5 sẽ bị phạt nặng, kèm theo các khoản bồi thường lớn. Hãng tin này muốn thời khắc phát sóng trực tiếp của họ bí mật với khán giả Mỹ và người xem toàn cầu đến phút chót. 

Để chuẩn bị cho chương trình truyền hình trực tiếp, từ đầu tháng 3/2015 các hoạt động giữa Oxalis với ABC News bắt đầu được kết nối. Một đoàn tiền trạm khoảng 10 người đã qua để quay các khung hình đầu tiên rồi trở lại Mỹ cho ekip sản xuất xem xét. Tất cả hình ảnh được thực hiện chủ yếu bằng camera bay. Và tất cả các thành viên của ekip đã vỡ òa sung sướng khi nhìn thấy những hình ảnh đầu tiên về Sơn Đoòng mà những người tiền trạm mang về từ Việt Nam. Họ đã thống nhất chọn Sơn Đoòng cho chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” của hãng truyền hình ABC News, thay vì hang động Marble Cathedral, thuộc vùng đất Patagonia của Chile như dự kiến trước đó.

Để phục vụ sự kiện có một không hai này, Công ty Oxalis đã phải thuê trên 10 lượt trực thăng bay vào và bay ra khu vực. Cô Maria Stefanopoulos, trưởng phòng sản xuất chương trình khẳng định với giới chức địa phương rằng, buổi truyền hình trực tiếp này hoàn toàn thực hiện bởi camera bay (tạm gọi flycam, hoặc drone). Romeo Durscher, người đảm bảo cho các camera bay tiết lộ, họ thực hiện với 7 flycam Phamtom, trong đó có bốn cái lớn, ba cái nhỏ lần đầu tiên được sử dụng bên ngoài nước Mỹ. Ánh sáng phục vụ được thuê hệ thống tốt nhất từ Thái Lan, vệ tinh của BBC được thuê để truyền hình ảnh trực tiếp từ Sơn Đoòng về đại bản doanh của ABC News trên đất Mỹ. 

Hơn 150 người gùi thồ thiết bị

Hơn 1 tấn thiết bị hiện đại được đưa sang Việt Nam từ London (Anh) và New York (Mỹ). Ông Hồ Khanh (người đầu tiên phát hiện ra Sơn Đoòng) được Công ty Oxalis phân công chỉ huy hơn 150 người đàn ông lực lưỡng nhất làng Phong Nha gùi thồ thiết bị truyền hình cũng như các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ 15 người trong ê kíp chương trình.

2 giờ trực tiếp về Sơn Đoòng: Hậu trường chưa kể - 2

 Hơn 10 chuyến trực thăng được huy động để phục vụ chương trình

Ông Hồ Khanh cho biết, đây là lực lượng chuyên nghiệp gùi thồ phục vụ các du khách trong tour du lịch mạo hiểm khám phá Sơn Đoòng và một số hang động khác của Công ty Oxalis. Nhưng ban đầu họ đã gặp khó khăn khi thiết bị của truyền hình quá cồng kềnh mà yêu cầu an toàn lại hết sức khắt khe. “Mặc dù chúng tôi phải trèo lên những vách đá dựng đứng, lội qua dọc những con suối nước chảy xiết nhưng chỉ huy ê kíp truyền hình yêu cầu thiết bị tuyệt đối không được va đập, không được ẩm ướt dù chỉ phía ngoài vỏ bao. Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng với sự chuyên nghiệp và lòng tự hào quê hương, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả đi lẫn về” - ông Hồ Khanh kể.

Có mặt chứng kiến ngay từ các khâu chuẩn bị cho chương trình truyền hình trực tiếp tại Sơn Đoòng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã rất ấn tượng về tính chuyên nghiệp và sự chịu khó của đội gùi thồ Oxalis. Ngay trong bài phát biểu của mình trong chương trình trực tiếp, Phó Thủ tướng đã dành một phần để nói về người dân nơi đây: “Trong quá khứ, người dân nơi đây thường sinh sống bằng cách săn bắn, nhưng ngày nay đa số đang làm việc trong lĩnh vực du lịch nên có thu nhập tốt hơn. Họ cũng ý thức rằng cần phải bảo vệ thiên nhiên nơi đây. Phát triển bền vững rất quan trọng không chỉ đối với du lịch, mà còn với cả nền kinh tế. Chúng ta phải đảm bảo rằng phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo tồn truyền thống và văn hóa”.

Thế giới mãn nhãn với Sơn Đoòng

“Nơi bạn chưa từng thấy trong đời” - Ginger Renee Colonomos, người dẫn chương trình “Good Morning America” trực tiếp dẫn tại hang Én và Sơn Đoòng đã thốt lên như thế với khán giả khắp nơi trên thế giới khi nói về sự huyền bí của hang động khổng lồ này. Hai giờ trực tiếp tại hang Én và Sơn Đoòng (từ 18 giờ đến 20 giờ Việt Nam), ekip làm chương trình của ABC News đã khiến cho thế giới choáng ngợp trước vẻ đẹp của hình ảnh hang động Quảng Bình tại Việt Nam.

2 giờ trực tiếp về Sơn Đoòng: Hậu trường chưa kể - 3

Đạo diễn đang chỉ huy truyền dẫn hình ảnh trực tiếp từ hang Én về Mỹ

Sự khác biệt lớn nhất của chương trình này là tính thời sự của câu chuyện. Họ đã bí mật đến phút chót, chỉ đến khi các drone bắt đầu cất cánh và truyền hình trực tiếp về Mỹ, khán giả trên toàn thế giới mới vỡ òa hai chữ “Sơn Đoòng”. Cô Maria Stepfanopoulos, phụ trách sản xuất chương trình “Good Morning America” phát biểu: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm truyền hình trực tiếp từ một hang động tuyệt đẹp như thế này. Việc đưa hình ảnh kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới là vô cùng quan trọng vì phần lớn khán giả của chúng tôi không biết đến sự tồn tại của nó. Với cả nhóm sản xuất nói chung và tôi nói riêng thì đây là trải nghiệm tuyệt vời nhất chúng tôi từng có trong cuộc đời”.

Còn Ginger Renee thì khẳng định: “Rất ít người trên thế giới, kể cả ở Mỹ từng được xem những hình ảnh tuyệt vời này. Tôi rất vinh dự vì được chia sẻ vẻ đẹp của Việt Nam với thế giới”. Trước buổi truyền hình trực tiếp “thế kỷ” này, cô Ginger Renee từng nói trên các trailer của ABC News: “Đây là điều kỳ thú mà thiên nhiên hàng triệu năm lưu giữ, bạn chưa từng thấy những gì như vậy trên đời. Chúng tôi đưa các bạn bay trong một khung cảnh vô cùng ngoạn mục, một hang động khổng lồ, đủ cho chiếc máy bay Boeing 747 đậu bên trong”. Còn trong chương trình truyền hình trực tiếp, cô chia sẻ: “Tôi như lạc vào thế giới khác khi vào hang Sơn Đoòng. Ở đây đẹp như phim Avatar. Nhưng ai cũng biết phim bom tấn này là kỹ xảo công phu, còn Sơn Đoòng là kỳ quan thiên nhiên mới có thật”. 

Các chi phí tính toán ban đầu, Oxalis chi trả 85.000 USD để lo hậu cần và trực thăng gồm 10 chuyến ra, vào khu vực trên. ABC News chi phí 380.000 USD để có các hình ảnh độc quyền theo cách của họ nhằm làm cho nước Mỹ thức dậy buổi sáng choáng ngợp với vẻ đẹp của kỳ quan thiên nhiên mới. Điều đặc biệt, ABC News còn đưa hình ảnh lên  màn hình cực lớn tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York.

Cũng đã xảy ra một trục trặc nhỏ trong chương trình truyền hình trực tiếp, nhưng ê kíp của ABC News đã tiên lượng trước và khắc phục ngay tức thì. Trước khi diễn ra buổi phát sóng trực tiếp, ê kíp thực hiện chương trình đã quay các hình ảnh ngoạn mục trong Sơn Đoòng, và truyền về đại bản doanh ở Mỹ. Đêm trực tiếp trong rừng Kẻ Bàng, mưa, một đám mây rộng lớn, đen kịt che lấp kết nối với vệ tinh, hình ảnh không thể chuyển tải ngay lập tức. ABC News từ Hoa Kỳ đã phản ứng rất nhanh và chuyên nghiệp bằng cách đưa những hình ảnh đã truyền về trước đó xuất hiện ngay lập tức và không bị gián đoạn bất cứ khung hình nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN