Hậu Giang chủ động xin ông Trịnh Xuân Thanh

Chỉ hơn một tháng, thủ tục chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về tỉnh Hậu Giang đã hoàn tất.

Sau khi bị thôi chức tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam do để thua lỗ nghiêm trọng, ông Trịnh Xuân Thanh không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển. Thế nhưng Bộ Công Thương lại tiếp tục bổ nhiệm ông Thanh vào nhiều chức vụ khác nhau trong thời gian ngắn. Đặc biệt, ông Thanh còn được chuyển về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016, gây ra nhiều thắc mắc cho công luận.

Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu về những cột mốc quan trọng trong việc bổ nhiệm này.

Xin thêm một phó chủ tịch

Đầu năm 2013, UBND các tỉnh Hải Phòng, Lạng Sơn, Phú Yên, Hậu Giang, Bạc Liêu, Phú Thọ và Bộ Nội vụ có các tờ trình về việc xin bổ sung mỗi tỉnh một phó chủ tịch.

Tháng 7-2013, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các tỉnh nói trên “giữ nguyên số lượng phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố theo tinh thần của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý”.

Như vậy, khi đó chủ trương xin tăng thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh của các địa phương, trong đó có tỉnh Hậu Giang đã không được Chính phủ chuẩn y.

Tuy nhiên, tháng 1-2014, Ban Tổ chức Trung ương có công văn thông báo rằng Tỉnh ủy Hậu Giang được tăng thêm một phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 từ nguồn nhân sự theo nhu cầu của tỉnh.

Hậu Giang chủ động xin ông Trịnh Xuân Thanh - 1

Ông Trịnh Xuân Thanh và công văn 1159 ngày 1-4-2015 của tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh: HTD

Một tháng xong thủ tục

Hơn một năm sau khi có công văn của Ban Tổ chức Trung ương, đầu tháng 4-2015 Tỉnh ủy Hậu Giang có công văn gửi Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương để xin đích danh ông Trịnh Xuân Thanh về công tác tại UBND tỉnh (ảnh).

Công văn nêu rõ: “Để tiếp tục công tác cán bộ trong tình hình mới, Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương có quyết định cử đồng chí Trịnh Xuân Thanh về nhận nhiệm vụ tại tỉnh Hậu Giang để tỉnh hoàn thành các thủ tục và quy trình về công tác cán bộ”.

Ba tuần sau khi nhận được công văn của Tỉnh ủy Hậu Giang, Bộ Công Thương đã có quyết định cho ông Trịnh Xuân Thanh, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Ban cán sự đảng Bộ Công Thương chuyển công tác về tỉnh Hậu Giang. Chỉ bốn ngày sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang ra quyết định tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh về nhận nhiệm vụ tại Văn phòng UBND tỉnh.

Ngày 13-5-2015, Bộ Nội vụ nhận được tờ trình của UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn bầu bổ sung chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Cùng ngày, Bộ Nội vụ có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Sau khi thẩm định, Bộ Nội vụ nhận thấy đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang và thủ tục bầu bổ sung chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh của HĐND tỉnh Hậu Giang là đúng quy định”.

♦ ♦ ♦

Như vậy, có thể thấy quy trình chuyển ông Thanh khá nhanh chóng, thuận lợi. Và khi làm công văn xin đích danh ông Thanh, chắc chắn lãnh đạo tỉnh Hậu Giang phải hiểu rõ về nhân thân người mình muốn xin. Nhưng ngày 12-7, trao đổi với báo giới, một lãnh đạo tỉnh Hậu Giang lại thừa nhận tỉnh đã sai khi làm văn bản xin một cá nhân về làm lãnh đạo khi chưa nắm rõ về lý lịch.

Lý giải như thế liệu có thuyết phục?

Công an đang điều tra vụ thua lỗ gần 3.300 tỉ ở PVC

Hậu Giang chủ động xin ông Trịnh Xuân Thanh - 2

Bộ Công an đã giao Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát tiến hành điều tra những sai phạm dẫn đến thất thoát lớn tài sản nhà nước tại PVC dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh. Con số thua lỗ 3.300 tỉ đồng xuất phát từ kết luận thanh tra đối với PVC, còn để chứng minh có hay không dấu hiệu tội phạm thì phải đợi kết quả điều tra. Đây là vụ án kinh tế rất phức tạp nên thời gian điều tra có thể phải kéo dài nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm sớm. Khi đã có kết quả điều tra, người vi phạm dù bất kể là ai cũng phải bị xử lý, không chỉ riêng ông Trịnh Xuân Thanh. Chúng tôi không nể nang gì cả.

Thượng tướng-Thứ trưởng Bộ Công an LÊ QUÝ VƯƠNG

Cần xem lại cái gọi là quy trình

Hậu Giang chủ động xin ông Trịnh Xuân Thanh - 3

Qua câu chuyện của ông Thanh, nổi lên một điều quan trọng là cần xem lại những cái gọi là quy trình. Quy trình do con người soạn ra, xây dựng và thông qua. Con người có trách nhiệm cao nếu thấy quy trình chưa chặt chẽ sẽ lập tức đề nghị bổ sung cho chặt chẽ, hoàn thiện. Còn nếu con người không tốt thì quy trình dù rất chặt chẽ, họ cũng tìm cách để lách hoặc bỏ qua vì lợi ích cá nhân.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Đoàn Luật sư TP.HCM

V.HOA - T.PHÚ ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CHÂN LUẬN - NGHĨA NHÂN (Pháp luật TP.HCM)
Vụ Trịnh Xuân Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN