Hậu cần Điện Biên Phủ: Xe thồ đối đầu cầu hàng không
Hậu cần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là hậu cần sáng tạo. Trong những thời điểm khó khăn nhất cũng là lúc quân và dân ta tìm ra trăm nghìn cách để vượt qua.
Thách thức của tướng Pháp
Khi chọn Điện Biên Phủ (ĐBP) làm tập đoàn cứ điểm nhằm nhử chủ lực của Việt Minh đến để đánh một đòn quyết định, tướng Navarre và giới quân sự Pháp, Mỹ đã dựa trên những nhận định khá khách quan về tương quan lực lượng đôi bên.
Theo đó, quân Pháp không những nắm ưu thế tuyệt đối về hỏa lực cả dưới đất lẫn trên không, về khả năng cơ động, về hệ thống công sự vững chắc, mà còn bởi khả năng đảm bảo hậu cần vượt trội.
Vấn đề tiếp tế hậu cần cho 16.000 quân Pháp ở Điện Biên Phủ có thể khắc phục được nhờ sự chi viện bằng cầu hàng không thông qua hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, cùng với đó là hệ thống cầu hàng không quốc tế nối từ sân bay Cát Bi, Gia Lâm đến các căn cứ hậu cần của Mỹ đóng ở Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philippines.
Trước và trong thời điểm diễn ra chiến dịch, Pháp đã huy động (cộng với sự tham gia của Mỹ) có khoảng 100 máy bay vận tải C-47 Dakota, 16 máy bay vận tải C-119, 48 máy bay ném bom B-26 Invander, 8 máy bay ném bom Privater, 227 máy bay không đối đất (cường kích) loại F6F Hellcat, F8F Bearcat và F4U Corsair...Trung bình mỗi ngày có gần 100 lần chiếc máy bay vận tải tiếp tế khoảng 200 - 300 tấn hàng, và thả dù khoảng 100 - 150 tấn cho Điện Biên Phủ.
Hội nghị Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng (Sở chỉ huy cuối cùng) hạ quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 22/4/1954… Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang.
Cũng theo tính toán của các chỉ huy quân đội Pháp, Việt Minh phải đối phó với một nhiệm vụ bất khả thi: làm thế nào để đảm bảo đủ quân lương, đạn dược cho các đại đoàn chủ lực và cả người phục vụ với số lượng gấp bốn lần quân Pháp mà phương tiện vận chuyển tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men chủ yếu bằng gánh bộ, xe đạp thồ...
Từ trung tâm hậu phương kháng chiến đến Điện Biên Phủ gần 500km, từ các vùng hậu phương Liên khu 3 như Ninh Bình, Liên khu 4 như Thanh Hóa, Nghệ An đến Điện Biên Phủ 600 đến 700 km. Với khoảng cách xa hậu phương như vậy Việt Minh không thể đưa pháo lớn vào Điện Biên Phủ, không thể đóng quân được lâu khi mùa mưa đến, dân công khuân vác gạo từ hậu phương lên đến Điện Biên Phủ theo đường mòn luồn rừng, leo núi, họ vừa đi vừa ăn dọc đường đến nơi gần như hết sạch, hoàn toàn uổng công.
Trong khi đó, Pháp dựa vào lợi thế làm chủ bầu trời, dùng lực lượng không quân oanh tạc “40 điểm có thể cắt đứt” trên các tuyến đường lên mặt trận, hệ thống vận tải của đối phương sẽ bị ngăn chặn.
Cân nhắc thuận lợi, khó khăn của hai bên, Cơ quan tham mưu của Navarre ở Sài Gòn nhận định: Việt Minh không thể duy trì ở thượng du quá 2 đại đoàn và 20.000 dân công, sự bấp bênh về giao thông không cho phép họ mang tới đó pháo trên 75 ly cùng với đạn pháo quá 7 ngày chiến đấu. Từ đó, Bộ Chỉ huy Pháp quyết định gửi lời thách Việt Minh đối đầu trận quyết định ở Điện Biên Phủ và tin rằng phần thắng chắc chắn thuộc về phía họ.
Câu trả lời của Việt Minh
15 ngày sau khi quân Pháp nhẩy dù xuống Điện Biên Phủ, ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến. Báo cáo của Tổng quân ủy nêu rõ: “Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến lúc này… Để tiến hành chiến dịch rất lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp, chủ yếu là vấn đề đường sá.
Bộ Chính trị phân tích: Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh của địch, nhưng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp viện, tiếp tế đều dựa vào đường không. Về phía ta, với chất lượng được nâng cao trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến và nhất định đảm bảo cung cấp cho chiến dịch.
Từ đó, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy và chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và ra quyết định thành lập Đảng ủy, Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng mặt trận. Các đảng ủy viên mặt trận gồm: Phó Tổng tham mưu trưởng Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Liêm- Chủ nhiệm chính trị; Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Đặng Kim Giang- Chủ nhiệm hậu cần.
Sau khi Bộ chỉ huy chiến dịch được thành lập, Tổng cục Cung cấp quyết định tổ chức Tổng cục Cung cấp tiền phương do Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Đặng Kim Giang phụ trách, Cục trưởng Cục Quân nhu Nguyễn Thanh Bình làm phó và đồng chí Nguyễn Ngọc Minh làm tham mưu kế hoạch hậu cần. Các cục đều cử một một cục phó và một số cán bộ có kinh nghiệm đi chiến dịch.
Hậu cần sáng tạo
Tại cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy QĐNDVN sáng 26 tháng 1 năm 1954 tướng Giáp quyết để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc".
Từ chỗ chiến dịch dự kiến diễn ra trong ba ngày hai đêm, nay phải kéo dài hàng vài tháng trời, nhu cầu lương thực, đạn dược, thuốc men và tất cả các loại nhu yếu phẩm tăng lên gấp nhiều lần. Nguồn cung thiếu, con đường vận chuyển càng khó khăn trong mùa mưa, lại bị máy bay địch liên tục dội bom… công tác bảo đảm hậu cần đứng trước một thử thách cao hơn cả những ngọn núi vùng Tây Bắc.
Xe đạp thồ hàng ra chiến trường
Vấn đề bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Để thực hiện quyết tâm giành toàn thắng cho chiến dịch Bộ Chính trị ra chỉ thị “Toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến”. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch và Hội đồng cung cấp mặt trận các cấp. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh được cử vào Thanh Hóa đôn đốc huy động nhân lực, vật lực. Tổng quân ủy phân công Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh phụ trách toàn bộ vấn đề đường sá, tiếp tế cung cấp của mặt trận Điện Biên Phủ.
Thế trận hậu cần được hình thành: “Hội đồng Cung cấp mặt trận” có trách nhiệm tiếp nhận nguồn chi viện của hậu phương chuyển lên các tổng kho căn cứ của “Hậu cần tiền phương” chia thành ba tuyến hậu cần bảo đảm: Tuyến Sơn La, Lai Châu chuyển tới Tuần Giáo; Tuyến Tuần Giáo, Km62 đường 43 chuyển vào trận địa; Tuyến hỏa tuyến từ Km62 chuyển đến các chiến hào của từng đại đoàn.
Khó khăn nổi trội lúc này là khâu vận tải. Đường cơ giới từ hậu phương hầu như không có, lại bị địch liên tục thả bom phá, bom nổ chậm, bom bươm bướm hủy hoại. Thêm vào đó, bước sang tháng 4, những trận mưa đầu mùa làm cho đường lầy lún, sụt lở càng gây thêm nhiều khó khăn cho lực lượng vận tải.
Trong những thời điểm khó khăn nhất cũng là lúc quân và dân ta tìm ra trăm nghìn cách để vượt qua. Hậu cần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là hậu cần sáng tạo. Tuyến Sơn La tắc thì ta khắc phục bằng cách mở rộng tuyến đường Mường Luân- Nà Sang, khai thông tuyến Nậm Cún- Lai Châu. Đường bộ khó thì tăng cường vận chuyển bằng bè mảng. Vận chuyển từ xa vừa ít hiệu quả và chậm thì tăng cường hậu cần tại chỗ. Lương thực, đạn dược thuốc men của ta thiếu thì tổ chức giành giật của địch…
Các phương thức và phương tiện vận chuyển được huy động tối đa với 628 ô tô, 140 ca-nô, 20.991 thuyền, 500 ngựa, 21.000 xe đạp thồ, 11.600 bè mảng, chưa kể lực lượng dân công gánh gồng. Tuy nhiên, vấn đề chính không phải là số lượng phương tiện mà là ở chỗ cách thức tổ chức đội quân “thồ” đó. Điện Biên Phủ là một chiến dịch độc nhất vô nhị trong lịch sử khi có đoàn xe thồ vận tải đông đảo và được tổ chức tốt đến vậy. Kỷ lục chở hàng của một xe thồ trên quãng đường dài ở địa hình rừng núi được xác lập là 352 kg, cũng có thể đưa vào sách Guiness.
Vượt qua khó khăn, trở ngại, quân và dân ta bằng sự nỗ lực phi thường quyết tâm bảo đảm cung cấp một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đồ dùng, thuốc men một cách nhanh chóng, liên tục trong một thời gian dài cho chiến dịch. Đặc biệt, việc tiếp tế cần được giữ bí mật ở mức cao nhất nhằm tránh địch phát hiện và đánh phá.
Tổng kết lại, trong chiến dịch Điện Biên Phủ quân và dân ta đã huy động toàn bộ lực lượng đảm bảo cho hơn 87.000 người, trong đó lực lượng chiến đấu là 53.830 người và dân công là 33.300 người. Khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch trên 20.000 tấn trong đó có 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14. 950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Đây là một kỳ tích.
Sau này khi tổng kết về chiến thắng của QĐNDVN tại Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu của hai bên đều thống nhất được với nhau: một nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của QĐNDVN tại trận đánh này là đã huy động được rất lớn nguồn sức người để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, một việc mà Pháp cho rằng không thể giải quyết được.
Máy bay B26 của Pháp bay đi ném bom xuống Điện Biên Phủ
Quân Pháp lên máy bay đến Điện Biên Phủ từ sân bay Cát Bi
Máy bay thả quân dù xuống Điện Biên
Máy bay C47 Dacota chuyển hàng xuống căn cứ
Thuyền trở hàng từ khu 4 ra.
Đoàn ngựa thồ vận tải cho bộ đội
Ô tô vận tải trên đường chiến dịch