Hà Nội: Đề xuất xử lý chó thả rông trong vòng 48 giờ
Chi cục Thú y Hà Nội vừa có đề xuất trình UBND Tp Hà Nội về việc xử lý chó thả rông bị bắt sau 48 giờ mà không có người tới nhận.
Kể từ ngày 15/9 tới đây, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng tới 800.000 đồng.
Kể từ ngày 15/9/2017, Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý nhất là là xử lý tình trạng chó thả rông tại nơi công cộng, chủ nuôi sẽ bị phạt nặng.
Cụ thể, phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự như trên. Luật mới cũng quy định, chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu huỷ.
Trao đổi với PV, ông Đoàn Hồng Phong - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết: “Nghị định 90 của Chính phủ sắp có hiệu lực thực ra là sửa đổi từ một số Nghị định trước đó về xử lý hành chính đối với vi phạm trong công tác thú y chính vì vậy phòng chống bệnh dại được triển khai thường xuyên từ trước đến nay".
Về quy định mới có hiệu lực từ ngày 15/9/2017, chó thả rông sẽ bị bắt, sau 72 giờ nếu không có người nhận sẽ mang đi tiêu huỷ, ông Phong cho biết không phải tất cả số chó mèo không có người nhận sẽ bị mang đi tiêu huỷ. "Sau thời hạn 72 giờ, nếu không có người nhận, những cá thể chó, mèo mắc bệnh mới bị mang đi tiêu huỷ còn những cá thể bình thường sẽ được đưa về các tổ chức cứu hộ động vật để tiếp tục nuôi dưỡng" - ông Phong cho biết thêm.
Đối với chó thả rông nếu bị bắt nếu bị mắc bệnh và không có người tới nhận thì sau 72 giờ sẽ được đem đi tiêu huỷ.
Trong bản Dự thảo mới nhất của Chi cục Thú y Hà Nội trình UBND TP Hà Nội cũng đề nghị phải thành lập các tổ chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên đài truyền thanh xã về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.
Đối với đội chuyên trách, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Trạm Thú y cấp Quận, Huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật bắt chó thả rông; tổ chức tiêm phòng vắcxin phòng bệnh dại cho thành viên đội chuyên trách theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với chủ vật nuôi, dự thảo yêu cầu phải đăng ký việc nuôi chó, mèo đối với UBND cấp phường, xã; phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên nhà; đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến người xung quanh; chấp hành nghiêm việc tiêm vắcxin cho vật nuôi. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích chó có người dắt…
Trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ, chủ vật nuôi phải chịu mọi chi phí kể cả cho việc nuôi dưỡng hay tiêu huỷ chó. Nếu chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường cho người bị hại theo Nghị định số 167 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội...
Đội săn bắt chó thả rông hoạt động hơn 10 năm nay, nhưng gần đây việc làm này gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.