Hành trình vào “vùng đất quỷ” của phiến quân IS
"IS tin tưởng vào những thứ mà họ đang chiến đấu, và đã sẵn sàng cho một chiến dịch thanh trừng tôn giáo lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.
Công dân người Đức Juergen Todenhoefer là nhà báo phương Tây đầu tiên từ trước tới nay được phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) cho phép vào thăm “vùng đất quỷ” của chúng ở Iraq và Syria, và ông đã trực tiếp chứng kiến những điều kinh hoàng trong chuyến đi đầy khó khăn, nguy hiểm của mình.
Đầu tiên, ông được đưa đến Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq bị IS chiếm đóng sau một đợt tấn công càn quét như vũ bão từ hồi tháng Sáu, khiến quân đội Iraq đóng ở đây bỏ chạy tán loạn.
Juergen Todenhoefer là nhà báo phương Tây đầu tiên được đặt chân tới vùng đất của IS
Tuy nhiên, điều đầu tiên mà ông cảm nhận thấy là cuộc sống của người dân ở Mosul đang diễn ra rất đỗi bình thường.
Ông nói: “130.000 người Công giáo đã bị đuổi khỏi thành phố, người Shia cũng đã tháo chạy, rất nhiều người khác bị sát hại, nhưng thành phố vẫn hoạt động bình thường và người dân thích sự ổn định mà IS mang lại cho họ”.
Mặc dù vậy, nhà báo này vẫn có thể cảm nhận được bầu không khí sợ hãi của người dân: “Nhiều người trong số họ luôn tỏ ra sợ hãi, bởi những hình phạt hà khắc mà IS áp dụng nếu họ vi phạm luật Hồi giáo mà chúng đặt ra”.
Theo các chỉ huy IS, tổ chức phiến quân này đã chiếm được thành phố Mosul với chỉ khoảng 300 tay súng, trong khi thành phố này có hơn 20.000 binh sĩ Iraq đồn trú trước khi cuộc tấn công xảy ra.
Người dân ở Mosul luôn sống trong bầu không khí sợ hãi dưới sự cai trị của IS
Một chiến binh IS trẻ từng tham gia chiến dịch tấn công này cho biết: “Chúng tôi mất khoảng 4 ngày để chiếm được Mosul. Chúng tôi không tấn công dàn trải, mà dùng chiến thuật đánh bom tự sát tấn công mãnh liệt vào các chốt phòng ngự ở tiền tuyến, thế là các đơn vị Iraq ở tuyến sau tự động tan rã vì quá sợ hãi. Chúng tôi chiến đấu vì Allah, còn họ chỉ chiến đấu vì tiền và những thứ mà họ không hề tin tưởng”.
Chế độ tuyển mộ của IS
Nhà báo Todenhoefer cho biết khi đặt chân tới các thành phố do IS kiểm soát ở Iraq và Syria, điều mà ông dễ nhận thấy ở các chiến binh IS là sự cuồng nhiệt của họ. Ông kể: “Ở nhà tuyển quân, có khoảng 50 chiến binh tới đăng ký mỗi ngày. Tôi không thể tin nổi vào sự cuồng nhiệt ánh lên trong mắt họ. Họ đăng ký ra trận như thể tới một miền đất hứa, như thể họ đang chiến đấu cho lẽ phải”.
Ông nói tiếp: “Đó không phải là những kẻ ngu ngốc. Một người tôi gặp vừa học xong đại học, có cơ hội việc làm tuyệt vời, nhưng anh ta quay lưng với tất cả để gia nhập IS. Tôi đã gặp các chiến binh đến từ châu Âu và Mỹ, trong đó có một người đến từ New Jersey”.
Các chiến binh nước ngoài chiến đấu cho IS
Nhà báo này chỉ ra một trong những điểm mạnh của IS chính là lòng quyết tâm, thậm chí là cả ý chí được chết trên chiến trường của họ.
Todenhoefer đã gặp một tân binh IS khá mập mạp tại một “nhà an toàn”. Chiến binh mập này cho biết mỗi lần ra trận anh ta đều đeo thuốc nổ tự sát vì anh ta quá béo nên không thể chạy được nếu bị bao vây, và lựa chọn duy nhất của anh ta lúc đó là thà nổ tung cùng với đối phương còn hơn là bị bắt.
IS từ lâu đã nổi tiếng với các trò tra tấn, lạm dụng và hành quyết dã man tù nhân. Nhà báo Todenhoefer đã nói chuyện với một tù binh người Kurd ở Mosul, và ông có cảm giác tù binh này đã bị IS “bẻ gãy” hết chút ý chí cuối cùng.
Ông nói: “Người đàn ông này đã gần như vỡ vụn về ý chí. Thật buồn khi nhìn thấy một con người trong tình cảnh như vậy. Anh ta rất yếu và vô cùng sợ hãi những kẻ bắt giữ mình”.
Khi Todenhoefer hỏi tù binh này liệu anh ta có biết điều gì sẽ xảy ra với mình hay không, anh ta trả lời: “Tôi không biết. Gia đình tôi còn không biết rằng tôi vẫn còn sống. Tôi chỉ hy vọng rằng ngày nào đó tôi sẽ được trao đổi tù binh và được tự do”.