Hành trình từ cô giáo tiểu học đến nữ chiến binh IS
Chỉ trong một thời gian ngắn, IS đã biến một cô giáo tiểu học thành một nữ chiến binh lạnh lùng, tàn nhẫn.
Khadija sở hữu một khuôn mặt xinh đẹp hình trái xoan với đôi mắt lớn màu xám ẩn dưới cặp lông mày được cắt tỉa rất cẩn thận và tinh tế. Nhưng ít ai ngờ, mới cách đây ít lâu, cô gái 25 tuổi tràn đầy sức sống này lại là một thành viên của lữ đoàn nữ chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS), tổ chức khủng bố đáng sợ nhất thế giới hiện nay.
Khadija trả lời phỏng vấn phóng viên CNN
Sinh ra trên mảnh đất Syria, Khadija được học hành tử tế, có bằng cao đẳng và bắt đầu nghề giáo viên tại một ngôi trường tiểu học. Thế nhưng đời cô rẽ sang một bước ngoặt mới khi cuộc nổi dậy chống chính quyền nổ ra ở Syria cách đây 3 năm rưỡi.
Khadija tham gia vào đám đông biểu tình hòa bình chống lại Tổng thống Bashar al-Assad, hô hào các khẩu hiệu chính trị, tuần hành trên đường phố, viết các dòng chữ đòi tự do lên tường bất chấp sự truy đuổi của lực lượng an ninh.
Thế nhưng khi phong trào nổi dậy ở Syria biến thành một cuộc nội chiến đẫm máu, cô gái trẻ này bắt đầu đánh mất tâm hồn là lòng thiện của mình. Cô trầm giọng: “Lúc đó, mọi thứ xung quanh tôi đều trở nên hỗn loạn. Quân nổi dậy, quân chính phủ, bom thùng, những cuộc tấn công, người bị thương, bệnh viện, máu – tất cả đều khiến bạn muốn dứt áo ra đi để tìm một nơi ẩn náu”.
Vấn đề ở chỗ, nơi cô tìm đến hóa ra lại là một địa ngục còn khủng khiếp hơn.
Gia nhập IS
Khadija mê mẩn tài hùng biện của một người đàn ông Tunisia mà cô gặp trên mạng. Sau nhiều lần trò chuyện, gặp gỡ, anh ta dụ cô gia nhập vào Nhà nước Hồi giáo, một tổ chức được anh ta giới thiệu không phải là nhóm khủng bố như mọi người vẫn nghĩ.
Nhiều cô gái trẻ đã bị dụ dỗ tham gia vào IS
Anh ta nói với cô: “Chúng ta sẽ thực hiện đạo Hồi một cách phù hợp. Hiện giờ chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, một giai đoạn cần thiết để kiểm soát đất nước, thế nên chúng ta cần phải cứng rắn”.
Anh ta rủ cô đến thành phố Raqqa, thành trì của IS, để hai người có thể kết hôn, và cô có thể gia nhập Lữ đoàn Khansa’a, một đơn vị cảnh sát Hồi giáo với các thành viên toàn là phụ nữ của IS. Và từ đây, Khadija chính thức trở thành một thành viên của IS.
Bên trong lữ đoàn nữ cảnh sát Hồi giáo IS
Lữ đoàn Khansa’a gồm toàn phụ nữ tuổi từ 25 đến 30, được giao nhiệm vụ tuần tra trên các đường phố Raqqa để đảm bảo rằng mọi phụ nữ ở đây ăn mặc đúng theo tiêu chuẩn mà phiến quân IS đề ra.
Tất cả phụ nữ ở Raqqa đều phải mặc bộ trang phục trùm kín từ đầu tới chân, thậm chí họ cũng không được phép để người khác phái nhìn thấy mắt mình. Những bộ trang phục bị coi là “hở hang” bị cấm hoàn toàn, dù người mặc nó không hề hở gì ngoài chân và tay.
Những người vi phạm quy định này sẽ bị cảnh sát Hồi giáo chặn lại, và hình phạt mà họ phải chịu là đánh đòn. Người chịu trách nhiệm thực hiện hình phạt này chính là Umm Hamza, một phụ nữ mà Khadija cảm thấy sợ hãi ngay từ lần gặp đầu tiên.
Khadija kể lại: “Cô ta không phải là phụ nữ bình thường. Cô ta cao lớn, đeo một khẩu AK, một khẩu súng ngắn, kèm theo con dao găm luôn giắt bên mình”.
Các thành viên nữ của Lữ đoàn Khansa’a, đơn vị cảnh sát của IS
Dường như cảm nhận được nỗi sợ hãi của Khadija, Lữ đoàn trưởng Umm Rayan tiến tới nói một câu mà cô không thể nào quên: “Chúng ta tàn ác với những kẻ tà giáo, nhưng khoan dung với người của mình”.
Tại lữ đoàn này, Khadija được học cách bắn súng, tháo lắp và lau chùi vũ khí. Cô được trả lương 200 USD mỗi tháng và được nhận khẩu phần ăn mỗi ngày.
Càng tham gia vào các hoạt động của Lữ đoàn, Khadija ngày càng trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn hơn. Cảm thấy cô con gái đang tuột dần khỏi vòng tay mình, gia đình cô đã tìm cách cản cô lại nhưng bất lực. Mẹ cô chỉ biết cảnh cáo cô: “Hãy tỉnh lại đi, con đang đi con đường mà không biết nó dẫn đến đâu”.
Hành trình chạy trốn
Ban đầu, Khadija không hề để tâm tới lời cảnh báo của mẹ, bởi cô đang hăng say với cảm giác quyền lực của mình. Thế nhưng đến một ngày, cô bắt đầu tự vấn lương tâm về các nguyên tắc của Nhà nước Hồi giáo.
Cô kể: “Ban đầu, tôi rất vui với công việc của mình. Tôi có cảm giác mình nắm giữ quyền lực trên đường phố. Nhưng sau đó, tôi trở nên sợ hãi, sợ hãi cho tình cảnh của mình. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ chính bản thân mình”.
IS đã biến Khadija từ một cô giáo tiểu học thành một con người lạnh lùng, tàn nhẫn
Khadija nhận ra rằng trước đây mình không như thế, rằng cô từng là một giáo viên tiểu học được học hành đàng hoàng, và cô không hiểu được điều gì đã biến cô thành một con người tàn nhẫn, khắc nghiệt như hôm nay.
Thế là ảo ảnh về Nhà nước Hồi giáo trong cô bắt đầu tan vỡ.
Điều khiến cô ám ảnh khôn nguôi là cảnh tượng cô nhìn thấy trên mạng về một cậu bé 16 tuổi bị chiến binh IS đóng đinh đến chết trên thập giá, và sau đó là một người đàn ông bị cắt cổ ngay trước mắt cô.