Hành trình truy bắt băng trộm nick yahoo

Chúng mời họ đăng nhập vào trang này bằng chính nick yahoo để tham gia trò chơi hoặc xem những thông tin nào đó mà bị hại cảm thấy hứng thú.

Mới đây, Đội CS phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14), Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45 - Công an TP Hà Nội) đã triệt phá ổ nhóm chuyên trộm tài khoản nick yahoo để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Đáng chú ý, nhóm đối tượng này, tên nhiều tuổi nhất mới sinh năm 1994, còn hầu hết đang là học sinh tại các trường PTTH và đều ở trong địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, Nguyễn Đức Bi (SN 1996, trú tại TX. Quảng Trị, học sinh lớp 10) được xác định là kẻ cầm đầu, rủ rê các đối tượng khác tham gia.

Thời gian qua, Phòng PC45 liên tục nhận được đơn trình báo của nhiều người tố cáo việc bị một số đối tượng lừa tiền qua chat yahoo bằng thủ đoạn đột nhập tài khoản yahoo của người quen rồi nhờ mua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền vào tài khoản của chúng.

Hành trình truy bắt băng trộm nick yahoo - 1

Nhóm đối tượng đã bị bắt (ảnh: ANTĐ)

Lãnh đạo Đội CS phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chia sẻ với chúng tôi về hành trình truy tìm những "con người ảo" này.

Ngay khi nhận thông tin tố cáo của nạn nhân, lực lượng phá án lúc đó chỉ biết được nick chat, chứ không biết đối tượng ở đâu. Cán bộ nghiệp vụ đã lần dò theo địa chỉ IP của kẻ đang sử dụng nick chat đó, thậm chí đóng thế bị hại để nói chuyện với chúng. Tuy nhiên, những kẻ đi lừa luôn cảnh giác và rất khó khai thác thông tin.

Khi xác định được đối tượng đang đăng nhập nick chat bằng IP tại Quảng Trị, ngay lập tức Đội điều tra đã tung quân vào miền Trung nằm vùng suốt một thời gian dài. Quá trình phá án tại Quảng Trị, cán bộ chiến sĩ của Đội đã theo dõi, tìm đến từng quán Internet trên địa bàn để tìm hiểu.

Đôi khi, cảnh sát phải đóng vai khách hàng vào chơi game. Bởi trong một quan net có đến vài ba chục máy tính, các chiến sĩ không thể xác định ngay được đối tượng mà phải tiếp tục theo dõi, ra vào quán nhiều lần.

Quá trình theo dõi, cán bộ điều tra nhận thấy rằng, những vụ trộm nick thường xảy ra vào buổi tối, thậm chí nửa đêm, 3-4h sáng cũng có. Từ đó, họ tìm hiểu quy luật giờ giấc hoạt động của nhóm đối tượng này và xác định những kẻ chơi game online này hay hoạt động vào buổi tối, thậm chí rất khuya, đến sáng, chúng lại đi học hoặc nằm ngủ. Và quán net cũng thường gần trưa mới mở cửa.

Cho nên, các trinh sát cũng phải sinh hoạt theo chế độ của chúng, đêm thức, ngày ngủ. Thậm chí có đêm phải ngồi chờ đến tận khi người cuối cùng rời quán. Nhưng có hôm, chúng lại không ra quán net mà bỗng dưng mất hút. Đôi khi lại gặp cả nhóm người cùng đến, cùng đi với nhau, nên không phân biệt được ai là đối tượng cần theo dõi.

Một yếu tố khó khăn không kém, đó là "sự bất đồng ngôn ngữ". Giọng nói của người Quảng Trị rất khó nghe. Các chiến sĩ cảnh sát từ miền Bắc vào, nhiều khi muốn hỏi thăm chủ quán hoặc người chơi về thông tin một ai đó, họ trả lời bằng tiếng địa phương rất khó hiểu. Mặc dù đang muốn nhanh chóng vì sợ mất dấu đối tượng, nhưng đành đứng như trời trồng, nghĩ mãi không hiểu họ nói gì.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài ăn ngủ cùng hacker, Đội CS phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã lần lượt làm rõ chân tướng 18 đối tượng trong vụ án.

Cơ quan điều tra cho biết, những học sinh này, mặc dù gia đình không khá giả gì, nhưng chúng thường đòi lêu lổng, la cà ở các quán Internet chơi điện tử.

Trong quá trình chơi trên mạng, chúng học được một số chiêu trò hacker lấy trộm tài khoản nick yahoo. Thủ đoạn của chúng là vào mạng, lân la chat làm quen với những người đang sở hữu nick Yahoo. Chúng gửi cho họ đường dẫn của một trang mạng và mời bấm vào đó, mời đăng nhập bằng nick yahoo để tham gia trò chơi hoặc xem những thông tin nào đó mà bị hại cảm thấy hứng thú. Tuy nhiên, những trang chúng gửi đều được lập trình sẵn có khả năng ghi nhớ thông tin tài khoản và mật khẩu.

Sau đó, chúng đăng nhập vào tài khoản Yahoo của nạn nhân và nói chuyện với những người trong danh sách bạn bè. Chúng bịa ra chuyện "đang có một số thẻ điện thoại khuyến mãi tặng 300%, hãy gửi tiền vào số TK ngân hàng rồi sẽ chuyển thẻ cho". Hoặc "H đang lỡ chút việc, làm phiền mua giúp cái thẻ điện thoại, chiều H trả cho", hay nhờ mua thẻ nạp tiền chơi điện tử trên mang (game online), thậm chí "tôi đang kẹt tiền quá, chuyển tôi vay 5 triệu, theo tài khoản ABC"...

Nhiều người tưởng người đang nhờ là bạn mình thật, vội vàng đi gửi tiền cho chúng mà không suy nghĩ gì.

Bằng thủ đoạn đó, nhóm học sinh trên đã lừa tiền của hàng trăm người nhiều tỉnh thành trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài. Chúng thường không lừa nhiều tiền của một người bởi như thế dễ bị lộ. Tuy nhiên, có người nhẹ dạ đã bị chúng lừa lấy mất 5 triệu, 7 triệu đồng. Người bị lừa ít thì mất vài trăm nghìn đồng.

Với tài khoản điện thoại, khi lấy được, chúng sẽ bán mã số cho các đại lý điện thoại, hoặc ai đó đang cần nạp tiền với giá rẻ. Còn những khoản tiền lừa được, chúng chia nhau ăn tiêu hết.

Vốn là con em các gia đình nghèo, nên khi cảnh sát bắt giữ, đề nghị bố mẹ lên làm việc, mỗi gia đình cũng chỉ bồi thường cho bị hại được một vài triệu.

Hiện công an vẫn tiếp tục mở rộng điều tra vụ án bởi số đối tượng liện quan trò lừa đảo này có thể không chỉ có 18 đối tượng.

Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội CS phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội cho biết, hiện vẫn chưa xác định được số tài sản nhóm học sinh này đã lừa. Hàng ngày vẫn có người đến trình báo về việc bị mất nick yahoo và mất tiền.

PC 45 Công an TP Hà Nội thông báo những nạn nhân bị chiếm đoạt nick Yahoo hoặc bị lừa tiền liên hệ với Đội 14 (Công an TP. Hà Nội) - số 7, phố Thiền Quang, Hà Nội để trình báo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN